28 thg 9, 2019

Thung lũng xanh, những giai nhân và những anh hùng

Phố núi, nhưng không phải Pleiku

Không biết từ bao giờ, hể nói tới phố núi người ta lại nghĩ ngay tới Pleiku, trong khi chỉ cần phố ấy ở vùng cao thôi là đủ gọi phố núi rồi, đâu cứ gì phải là Pleiku (như phố núi Đà Lạt, phố núi Hà Giang...).

Tui nghĩ Vũ Hữu Định và Phạm Duy chính là thủ phạm khiến cho hai chữ phố núi kết liền với Pleiku khi hai ông kẻ tung người hứng tạo nên tuyệt phẩm Còn chút gì để nhớ (mà trên thực tế là còn quá chừng để nhớ): 


Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn

Từ đó, gần như là nghe phố núi thì người ta nghĩ tới Pleiku, và ngược lại.

Đèo An Khê

Thế rồi có một bài hát của NS Trần Tiến ra đời, mang tựa đề là Phố núi (có khi được ghi tựa thành Phố núi buồn hoặc Phố núi nghèo), mang âm hưởng Tây nguyên và bàng bạc nét hoang dã núi rừng. Vậy thì đó là bài hát nói về Pleiku chớ còn gì nữa!


Ấy vậy mà đây không phải là bài hát viết về Pleiku!

Nếu các bạn nghe kỹ lời bài hát sẽ thấy 2 câu thể hiện rất rõ điều này, đó là: Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng Dòng sông Ba đưa em về đâu. Đèo An Khê không ở Pleiku và sông Ba không chảy qua Pleiku. Cả hai đều thuộc về thị xã An Khê. An Khê là một thị xã của Gia Lai, Pleiku là thành phố ở Gia Lai, nhưng... An Khê không phải là Gia Lai. 

Duyên cớ ra đời bài hát

Năm 2002, An Khê còn là thị trấn và chuẩn bị được nâng cấp lên thị xã. Để chuẩn bị cho sự kiện này, địa phương mời một số nhạc sĩ, thi sĩ, đến thăm An Khê để có một chuyến thực tế sáng tác trên vùng đất này. Trong số những tác phẩm ra đời nhân dịp ấy, ca khúc của Trần Tiến nhanh chóng
 được nhiều người biết đến: 

Thung lũng buồn, trong mờ sương
Nhà tôi chênh vênh trên đèo mây
Phố núi nghèo, như bàn tay
Nhà bên kia vẫy nhà bên này…

Cái hay của bài hát là ngoài nét lãng tử, trữ tình vốn có của Trần Tiến còn gợi nên vẻ đẹp văn hóa của vùng đất cao nguyên:

Thung lũng buồn bên nhà rông,
Người thiếu nữ vú cong môi hồng
Tà váy rộng, gió thổi tung
bắp chân trần như chớp đêm giông



Và đặc biệt là khơi gợi lại lịch sử hào hùng của vùng đất An Khê vốn xưa kia là Tây Sơn thượng đạo, nơi những người tráng sĩ Tây Sơn chọn làm căn cứ địa

Phố núi nghèo, bên dòng sông
Ghềnh đá trắng dấu xưa oai hùng
Tráng sĩ nghèo, áo vải nâu
Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng
Thung lũng xanh, những giai nhân và những anh hùng


Sự kiện này khiến ta nhớ tới bài "Sao em nỡ vội lấy chồng" cũng của Trần Tiến, vốn cũng là một bài hát đặt hàng tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, nhưng quá hay khiến người ta quên bẵng đi xuất xứ của nó.

Tựa bài hát là gì? Phố núi, Phố núi buồn hay Phố núi nghèo?

Nhạc sĩ Ngọc Tường - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tham gia chuyến thực tế sáng tác, kể lại: “Trong bản thảo, nhạc sĩ Trần Tiến đặt tựa bài hát là “Phố núi nghèo”. Nhưng một lãnh đạo huyện khi đó nửa đùa nửa thật rằng “đặt tên bài hát như thế làm sao chúng tôi lên thị xã được”. Vì thế, sau đó nhạc sĩ bỏ chữ “nghèo” và bài hát có tên là “Phố núi”.

Bản nhạc không có bản in chính thức nên nhiều người chỉ biết bài nhạc mà không biết tựa, thôi thì tự đề tựa, có khi là Phố núi buồn, có khi là Phố núi nghèo.

Thôi kệ, tựa gì cũng được, thậm chí An Khê hay Pleiku cũng được, miễn nghe hay là phê rồi.

Ờ, tui còn nói thêm một chút nữa. Ai cũng biết ca sĩ Trần Thu Hà chuyên trị những ca khúc của ông chú Trần Tiến của mình, những sáng tác của ông đa số được cô thể hiện thành công nhất. Riêng đối với ca khúc này, và theo cảm nhận cá nhân tui, thì có người hát ép-phê hơn cô nhiều. Xin hãy nghe thử bài hát do Trần Thu Hà (bài trên) và Thanh Hoa (bài dưới) trình bày.


Phạm Hoài Nhân
(6 năm trước, tui có viết một bài cảm nhận về bài hát này, khi đó chưa biết xuất xứ cũng như tựa chính thức của bài hát. Bài viết tại đây: Đèo An Khê cưỡi voi chập chùng)

2 nhận xét:

  1. Hi anh,

    Cảm ơn anh rất nhiều về những thông tin địa lý, lịch sử cũng như hoàn cảnh ra đời của bài hát.

    Em xin được đưa thêm một số thông tin về các ca sĩ hát bài này.

    Trong album "Tran Tien", của "Ha Tran Productions" phát hành năm 2008, thì người hát bài "Phố Núi" không phải là Trần Thu Hà, mà là Hoà T. Trần (khác với Trần Thái Hoà). Trong album này thì Hoà T. Trần cũng hát thêm bài "Đoá Hoa Xanh". Ngoài ra, album này cũng có sự góp giọng của Tùng Dương ở các bài hát "Độc Huyền Cầm" và "Điệp Khúc Tình Yêu".

    Còn với bản thu mà được đề là của ca sĩ Thanh Hoa (NSND), thì cũng có sự nhầm lẫn. Thật ra, đó là giọng hát của ca sĩ/diễn viên Mai Hoa (NSƯT).


    Trân trọng thông tin đến anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn những thông tin góp ý rất có giá trị của bạn.

      Xóa