3 thg 8, 2020

Đinh Tiến Luyện - Nỗi ám ảnh về “Một loài chim bé nhỏ”

Đinh Tiến Luyện là nhà văn rất quen thuộc với tuổi mới lớn trước 1975, cùng thời và cũng là người cộng tác thân thiết với nhà văn Duyên Anh. Thuở ông đang làm say mê tuổi mới lớn thì tui thuộc tuổi chưa lớn và mê đọc truyện con nít của Duyên Anh nên không có dịp đọc truyện của ông. Nhiều năm sau 1975, truyện của ông được in trở lại thì tui lại thuộc tuổi quá lớn nên... cũng không đọc. Mặc dù vậy tui vẫn biết nhiều đến tên tuổi của ông và hâm mộ, quý mến. Đặc biệt, từ 1975 đến 2010 ông sống tại Biên Hòa (trước tui 8 năm).

Bài viết sau đây của nhà báo Bùi Thuận viết về ông gợi nhớ về kỷ niệm của những người ở tuổi mới lớn thời điểm trước 75, nhất là những người yêu quý tờ Tuổi ngọc, tui xin được phép trích đăng lại. Bài viết được đăng trong sách Rạng rỡ tài danh đất Đồng Nai - Tập 2.


Tác phẩm của Đinh Tiến Luyện

Đinh Tiến Luyện - Nỗi ám ảnh về “Một loài chim bé nhỏ”

Đầu năm 2019, nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM lập ra tủ sách Thiên đường không tuổi, kỳ thực là nhắm vào đối tượng bạn đọc thuộc lứa tuổi mới lớn hay còn gọi… “tuổi ô mai – tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người” và trước mắt đã chọn tái bản sáu cuốn sách của sáu tác giả “ăn khách” một thời ở miền Nam trên tuần báo Tuổi ngọc, như: Từ Kế Tường với Tình yêu có màu gì, Hoàng Ngọc Tuấn với Ở một nơi ai cũng quen nhau, Mường Mán với Cạn chén tình, Nguyễn Thị Minh Ngọc với Tuổi ngọc ngày chưa xưa, Đoàn Thạch Biền với Đâu phải cái gì cũng mong manh, thì Đinh Tiến Luyện lại có Anh Chi yêu dấu.

Nhà báo Lê Minh Quốc cho biết: “Với Đinh Tiến Luyện, ngoài việc vẽ bìa cho sáu tập sách này, anh đã chọn Anh Chi yêu dấu – một truyện dài đã từng in nhiều kỳ trên Tuổi ngọc, cũng là tác phẩm làm nên tên tuổi của anh. Ngoài những gì đã viết, nay anh còn thêm Anh Chi ngoại truyện – như một cách tâm tình về ngày tháng làm báo và quá trình viết quyển sách này”.

Một thời… tuổi ngọc

Nhân sự kiện này, đang định cư ở Houston, Texas (Hoa Kỳ), nhà văn Đinh Tiến Luyện năm nay đã 72 tuổi xúc động bày tỏ: “Chẳng tiếc gì khi một thời mình đã sống trọn. Tuổi ngọc một thời là góc kỷ niệm của chung chúng ta. Lật lại những trang báo cũ đã quên thật trong tôi tự rất lâu, tất cả mọi số báo, từng góc trang một, tôi vẫn chẳng quên được, vì nó đều qua tay tôi sắp xếp… Như người đầu bếp, thế thôi… Giờ thì bàn tiệc tuổi mộng mơ đã tàn tự lâu lắm rồi, chỉ còn thoáng hương vị quyện trong khói tàn lại làm tôi nhớ khi khéo léo trộn lại hình ảnh những ấn phẩm mới và cũ để nhận ra Tuổi ngọc”.

Bìa tuần báo Tuổi ngọc do Đinh Tiến Luyện thực hiện

Cũng theo Lê Minh Quốc thì: “Có lần gặp nhau tại Biên Hòa, nhà văn Đinh Tiến Luyện từng giữ chức Thư ký tòa soạn tờ này (Tuổi ngọc) cho biết, ngay từ thời đó đã tạo ra “một dòng văn thơ Tuổi ngọc. Thơ mộng nhẹ nhàng. Không quấn gai, không đeo đá… trên lưng mà chỉ thiết tha tình người”. Có thể nói, đây là tờ báo sáng giá nhất dành cho lứa tuổi mới lớn, có số lượng in nhiều nhất, trình bày đẹp, văn chương câu cú gảy gọn và nhất là không… sai lỗi chính tả! Thời trung học hầu như thế hệ chúng tôi rất mê đọc thơ văn của họ khi in trên Tuổi ngọc…

Đúng như Lê Minh Quốc nói, trong Anh Chi ngoại truyện, Đinh Tiến Luyện đã “tự sự” chuyện vào nghề của mình một cách khá chân thật: “Tôi bước vào nghề báo bằng sự quen mặt. Quen mặt đặt tên. Tôi cứ phụ việc cho tòa soạn hoài trong suốt năm đầu bước vào đại học, họ cần gì cũng có tôi, nhất là minh họa, chỉ cần bữa trước bữa sau là có liền. Có thể không xuất sắc gì, nhưng làm báo là phải kịp thời, nhà in không đợi và phát hành phải đúng kỳ đúng hạn, (không thôi lỡ chuyến phải lưu kho, báo có hay cách mấy thì cũng chỉ phát hành cho… người nhúng mực cân ký). Tôi dễ dàng được chấp nhận. Thoạt đầu là đứng tên chung và sau đó được giao phụ trách trang riêng rồi có lương hằng tuần”.

Bìa một tờ Tuổi ngọc tiêu biểu

Đinh Tiến Luyện còn cho biết thêm: “Dạo đó ngu ngơ lắm, bay bổng lắm, tôi ưa vẽ vời những hình ảnh dể thương theo trí tưởng của mình, có khi bằng màu vẽ, có khi bằng ngòi viết. Một cô bé mắt to có mái tóc bay bay và trên môi ngậm hờ một cọng cỏ non (thêm con chuồn chuồn màu cam đậu trên tóc, là tấm hình bìa cho tập nhạc Hoan ca của nhạc sĩ Phạm Duy sau này). 
Vẫn hình ảnh ấy trong những minh họa khi tôi làm báo Tuổi ngọc, có khi với con nai cũng mắt to ngơ ngác, với chiếc khăn choàng rộng theo gió bay bay, có khi thêm chú chim nhỏ hoặc những chùm lá non xen lẫn đâu đó…

Ngây thơ và dễ thương, độc giả bảo thế, bởi có đẹp hay không thì tôi cũng chỉ là tay ngang, có bao giờ học vẽ, nên tôi vẫn thích thú vẽ tiếp mãi với một bài bản như thế (Khi có yêu cầu cho những tờ báo khác, phải vẽ hình ảnh những cô gái lớn, tôi đã cố gắng lắm nhưng sao nhân vật của tôi vẫn chẳng sao lớn được, cứ vậy, đôi mắt thủy tinh long lanh, uống mọi cảnh vật xung quanh).



Chân dung Đinh Tiến Luyện


Anh Duyên Anh, chủ nhiệm, người Anh Cả, cũng là người bạn vong niên đã cùng tôi một thời làm báo, đến với báo nào cũng có nhau, một lần giới thiệu tôi là họa sĩ, người ta hỏi theo trường phái nào, tôi lúng túng chẳng biết mình đang đứng đâu trong cái thế giới hội họa muôn thuở vĩ đại này. Chủ nhiệm của tôi có tài đùa, ứng đáp liền: Trường phái mắt to. Tôi không biết ngành hoạt họa Manga có tự bao giờ, cho đến nay thì các họa sĩ Nhật Bản đã ép tôi phải phá sản hoàn toàn, những đôi mắt trong các nhân vật truyện tranh hay truyền hình dù nam hay nữ của họ đều to sáng hơn những đôi mắt trong "trường phái" của tôi rất nhiều.


Như thế đấy, tôi vẽ lên một nhân vật dễ thương để nó theo tôi và tôi theo nó mãi cho đến tận bây giờ, dù đã gần bốn mươi năm trời qua”.

Loài chim mang tên… Anh Chi

Cũng trong Anh Chi ngoại truyện được viết tại Biên Hòa vào tháng 9 năm 2009, Đinh Tiến Luyện đã kể chuyện hình thành tác phẩm làm nên tên tuổi của ông như sau: “Năm học lớp Đệ Tam hay Đệ Nhị ngày đó (khoảng cuối thập niên 60, lớp 10 hay 11 bây giờ), tôi viết truyện ngắn Một loài chim bé nhỏ đăng trên báo Đôi Mươi, là một giai phẩm xuân hằng năm của Trường Trung học Võ Trường Toản, ngôi trường tôi đang theo học.

Nhân vật Anh Chi của tôi ra đời từ đó… Tôi bắt đầu viết truyện dài thiếu nhi đăng từng kỳ trên trang nhật báo mình phụ trách. Kỳ truyện cuối cùng vừa dứt thì nhà xuất bản Đời Mới đề nghị cho in thành sách.

Cuốn truyện đầu tay Suối đá mây của tôi phát hành năm 1968. Chẳng thừa thắng thì tôi cũng xông lên, viết tiếp. Hai năm sau là cuốn Một loài chim bé nhỏ, cũng tựa ấy và nhân vật ấy thời trung học, đời sống của cô bé Anh Chi bước ra thảm cỏ thênh thang hơn trong một truyện dài”.

Bìa sách Anh Chi mới

Sau khi cùng Duyên Anh ra Búp Bê – “tờ báo dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77” chưa được chục kỳ, bị đồng nghiệp chê là “trẻ con chẳng ra trẻ con, người lớn không ra người lớn”; trong khi tờ Teenage đang ăn khách ở nước ngoài có khổ nhỏ, in màu nhiều hình ảnh và kèm theo cả truyện tranh rất đẹp. Do vậy, nhà văn Duyên Anh lại chạy giấy phép xin ra Tuổi ngọc. Nhà văn Đinh Tiến Luyện nhớ lại: “Anh Duyên Anh giao nhiệm vụ cho tôi làm ma-két một tuần báo khổ nhỏ, ngoài thơ văn là thế mạnh còn có thêm nhiều chuyên mục và truyện tranh nhiều kỳ. (Phải có truyện tranh, vì lứa tuổi học trò dù lớn vẫn thích thú với truyện tranh, đó là điều dễ nhận thấy ở mọi nơi mọi lúc). Tuổi ngọc, tuần báo của những tháng năm đẹp nhất đời người ra đời. Tôi vẽ đủ bốn bìa để in ốp-sét, vi-nhét đủ chuyên mục cùng nắn nót một truyện dài đăng tiếp nhiều kỳ: Một loài chim bé nhỏ. Cô bé Anh Chi bước vào thế giới thơ mộng cùng những phiêu lưu tình cảm riêng tôi cũng bắt đầu từ đây”.

Anh Chi yêu dấu qua 2 bản in đầu và mới nhất

Chuyện là kỳ truyện đầu tiên chưa kịp ra mắt, Đinh Tiến Luyện cùng lúc được gọi nhập ngũ và phải tiễn biệt cô bạn gái "Khoai Hường" đi Anh du học. Nhà văn tự sự: “Kỳ lạ, khi có nhiều thứ chia tay một lượt mình lại cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm. Hai mươi hai tuổi, ngửa mặt lên tôi thấy bầu trời rộng mở, thênh thang nhiều đón đợi. Chia tay, tặng cô bạn gái "nhỏ như cái kẹo” của tôi cái tên Anh Chi (khi câu chuyện mới chỉ là khởi đầu tung tăng, chưa có phần kết thúc), sau này tôi biết, cũng vừa vặn đủ để một cô gái nhỏ nhận chút ấm áp cho những sớm mai chờ đợi nắng lên nơi xứ người, cảm nhận chút xót xa cũng với nắng ấy, đốt những giọt sương làm lấm tấm thâm đen bao cánh hồng mỏng manh trong vườn nhà. Anh Chi, một cái tên thân thương cho một quan hệ thân thương, nối nhau nửa vòng trái đất là đầu tuần thư, cuối tuần thư, tình cảm khi ảo khi thực như khoảng cách như những hạt chữ long lanh giọt nước".

Đinh Tiến Luyện tâm sự tiếp: “Vẫn là tôi, ngày ấy, nhân vật Anh Chi ngây thơ theo tôi trên các bải tập”, “để hằng đêm về tôi viết từng kỳ truyện trên chiếc rương kê đầu giường rồi gửi tới hằng tuần cho báo”; nhưng khi Đinh Tiến Luyện viết đến đoạn kết thì Tuổi ngọc tự đình bản do hết tiền, mà nợ nần chồng chất. Thế nên, Đinh Tiến Luyện quyết định tự mình xuất bản.

Anh vẽ bìa cho cuốn Một loài chim bé nhỏ là một bức tranh xé giấy có cô bé chu môi với chiếc khăn đỏ choàng vai bay bay theo gió, in ốp-sét trên giấy láng để bọc ngoài cho một bìa cứng chữ mạ bạc phía trong.

In 5.000 cuốn với giá thành ghi cuối sách khá cao; nhưng giao cho phát hành rồi; tác giả tính ra chỉ còn lời được một chai Black and White cho một chầu nhậu mừng ra mắt sách ở Chợ Lớn, “song cái tên Anh Chi thì hình như vẫn còn… nhập vào tôi cho đến tận bây giờ”.

Và Đinh Tiến Luyện lại cho biết tiếp: “Vài năm sau khi cuốn Một loài chim bé nhỏ tự xuất bản, chúng tôi họp nhau lại vực dậy tờ báo Tuổi ngọc. Lần này khổ nhỏ hơn và nhắm đặc biệt đối tượng ham đọc ham viết là tuổi mới lớn, tuổi chớm yêu”… “Được giao nhiệm vụ đầu bếp cho Tuổi ngọc, tôi lo cả hình thức lẩn nội dung. Từ trình bày bìa đến vẽ hình bên trong. Từ viết bài, chọn bài, chuyên mục đến trám bài và tổng kết ma-két. Chỉ với một tiêu chí tự đặt ra, phải sao cho thật dể thương. Tuổi ngọc phải như một cô bé thật dễ thương mà ai cũng muốn gần”.

Đinh Tiến Luyện kể là: Thời đó “những người viết trẻ đông vô số kể, ai cũng muốn mình có “nhà": nhà văn, nhà thơ... Cái nhà ấy tôi biết chẳng có ai cấp cho mình, ngoại trừ độc giả. Có nhà thì vui, không có nhà thì ở trọ cũng vẫn vui. Tôi có may mắn sự thúc bách viết không phải để sở hữu chút gì đó cho cuộc sống... Tôi cũng thiếu cái ham để có được một cái “nhà" nên bạn bè ra sách ào ào, còn mình thì dăm ba năm mới in được vài ba cuốn sách, lại là những truyện dài viết từng kỳ đã in trên báo tuần. Sau cuốn Nhật ký của Quỳnh do Nguyễn Đình Vượng xuất bản, tôi không biết viết gì để đăng iếp trên Tuổi Ngọc, cô Tuấn quản lý nhà in gợi ý: Ông viết tiếp câu chuyện Một loài chim bé nhỏ đi, tôi thích nhân vật ấy lắm".

Thế là “dưới chân tôi bắt đầu lao xao cuội đá của một thời con trai hai mươi lăm, đa đoan việc, đa đoan tình. Lúc này đây, như người ta thường bảo, đương thời “tinh anh phát tiết”...Tôi không cảm nhận rõ nét điều gì nơi mình, nhưng nỗi cô đơn thì hình như có thật và bắt đầu loang dần, xâm chiếm. Lúc này đây, người con gái “nhỏ bé như cái kẹo” mang cái tên chim Anh Chi tôi tặng vẫn xa vời nửa vòng trái đất.”...Và rồi "một thảm cỏ xanh non mát rượi được trải ra, tôi mời nhân vật nhỏ bé của mình một thời tung tăng nhảy nhót tiếp trong Anh Chi yêu dấu”.

Truyện có thật không?

Chân dung Đinh Tiến Luyện

Đinh Tiến Luyện còn kể là: “Một câu mà các độc giả thường hỏi người viết: Truyện ấy có thật không? Như thế đấy, ngay khi bắt đầu dắt Anh Chi vào thế giới mộng tưởng, tôi cũng không hề biết là sẽ dẫn em tới đâu. Viết Anh Chi yêu dấu đăng từng kỳ trên tuần báo, gần một năm sau thấy chừng đã dài, nhưng tôi lúng túng mãi không biết dắt nhân vật của mình khỏi thế giới của câu chuyện ra sao.

Tôi chỉ quen với những đoạn kết “lơ lửng con cá vàng”, khi mà các nhân vật chưa được định hình rõ ràng, hoặc chỉ có “vấn đề” nho nhỏ nào đó dành cho độc giả tự kết theo suy nghĩ riêng của mỗi người. Cuối cùng, tôi mới nghĩ đến cái tựa truyện đã đặt. Muốn Anh Chi trở thành yêu dấu thì phải biến mất. Tôi cho nhân vật của mình biến mất một cách hoang đường. Là chim, Anh Chi phải về trời. Tôi không có chút cảm nhận nào về sự “linh ứng” cho số phận nhân vật của mình khi quyết định như vậy…

Có người trách tôi, sao để kết cục thảm vậy, ông không thấy hối hận sao? Không, một đoạn kết cổ điển là thế. Như thế là hơn. Muốn lưu mãi một hình ảnh đẹp thì nó phải vượt khỏi trí tưởng tượng của ta. Trả lời cho ai đó như vậy và không nghĩ rằng tôi cũng trả lời cho chính mối tình đầu của tôi thời gian tiếp đến sau đó.

Tặng cô sinh viên du học London về quê nghỉ hè cuốn sách mới in, chúng tôi cảm thấy xa lạ khi gặp lại nhau. Như sợi chỉ mỏng manh nối từ những tờ thư cùng nỗi nhớ đến cái nắm tay giáp mặt, sao giữa chúng tôi vẩn thấy lãng đãng sương khói. Không gọi em như chính tên em, sao cứ gọi cái tên Anh Chi để thấy… nhạt môi mãi thế. Em cứ mãi là em mơ hồ một khoảng cách từ huyền thoại cho nhau đến thực tại nhìn nhau, dù chúng tôi cố gắng làm cho đầy những ngày hè nắng ngày hè mưa bằng các cuộc gặp gỡ hầu như liên tục…

Tôi linh cảm rồi chuyện hai đứa cũng chẳng đi tới đâu, đã chia tay rồi giờ có chia xa hơn nữa thì cũng thế thôi. Tôi biết nói lời như thế chẳng ai vui được. Gom hết tháng lương của một công việc, tôi đến Interflora, một cửa hàng hoa quốc tế, gửi em lời dỗ dành cùng những đóa hoa muộn màng.

Những lá thư thưa dần rồi chấm dứt. Thời cuộc đã chôn cất gọn gàng giùm tôi mối tình đầu sau đó. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn mất dấu người con gái nhỏ mang cái tên Anh Chi một thuở”.

Nhà văn - Họa sĩ của tuổi ô mai



Tuổi ô mai qua nét vẽ của Đinh Tiến Luyện


Sinh năm 1947 tại Kiến Xương (Thái Bình), theo gia đình di cư vào Nam từ năm 1954 và đã tập tành viết văn vào năm 18 tuổi. Mê truyện dài Lứa tuổi thích ô mai của Duyên Anh (1935- 1997) và xem nhà văn là “người anh cả” trong sự nghiệp cầm bút của mình, Đinh Tiến Luyện vào nghề bằng những sáng tác viết cho "tuổi ô mai” là lứa tuổi mới lớn có rất nhiều mộng mơ.

Khởi đầu, Đinh Tiến Luyện cùng Từ Kế Tường cộng tác trang Tuổi Ngọc trên báo Công Luận. Và năm 1968, truyện dài Suối đá mây - tâc phẩm đầu tay của nhà văn trẻ viết về tuổi mới lớn ra mắt bạn đọc. Tiếp đó là Giọt nuớc mắt hồng (1969). Năm 1970 lại ra liên tiếp hai cuốn truyện dài: Quê hương mật ongMột loài chim bé nhỏ.

Năm 1971, Đinh Tiến Luyện được nhà văn Duyên Anh mời làm thư ký tòa soạn tuần san Tuổi Ngọc do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tuổi Ngọc - "tuần báo của yêu thuơng" dành cho lứa tuối ô mai ra ngày thứ năm hàng tuần trở thành món quà mong dợi của nam nữ học sinh các cấp và cái bút danh Anh Chi của thư kỳ tòa soạn Đinh Tiến Luyện trở nên hết sức thân thiện với lửa tuổi "teen" vào những năm từ 1971 đến 1975 ở miền Nam.

Làm công tác tòa soạn, viết bài, vẽ tranh minh họa. Đinh Tiến Luyện vẫn đều đều cho ra mất những cuốn truyện giàu sức thu hút người đọc Anh em Kiến vàng (1971), Dũng sĩ Kiến Nâu, Những đám mây hồng. Trang nhật ký của Quỳnh (1972), Vuông cỏ hẹn (1973), Anh Chi yêu dấu, Chủ nhật uyên ương, Thời nhỏ của nàng (1974).

Chân dung Đinh Tiến Luyện

Sau ngày đất nước thống nhất, Đinh Tiến Luyện lai tham gia làm báo Mực Tím, tuyến tập thơ văn Áo Trắng và tiếp tục viết văn, vẽ tranh. Năm 1991, hai truyện dài Chùm hoa trắng rụng xuống sân tình yêu Bầy chim trắng trong sân trường xuất hiện cùng tập truyện ngân Gửi về những ngày xưa thân ái. 

Năm 2002 với truyện dài Sân cỏ ước mơ. Năm 2003 thì có Bài học yêu, Bốn anh em là Kiến Gió. Đặc biệt, ngoài truyện dài Anh Chi yêu dấu được tái bán đến lần thứ 7. Đình Tiến Luyên còn viết thêm Anh Chi ngoại truyện.

Nhiều bạn đọc yêu thích Đinh Tiến Luyện. Trong số đó, fan Thụy Vi ở Hầm Nắng, Michigan (Hoa Kỳ) cho biết: "Anh Đinh Tiến Luyện viết văn thật cảm động, những truyện ngắn kiểu mộng mơ như những trang bia anh vẽ cho lửa tuổi con gái thích ô mai". Một fan khác, ông Nguyễn Phục Hưng ở Houston, Texas thì cho rằng Đinh Tiến Luyện là “nhà văn và họa sĩ của tuổi ô mai trong thập niên 1970" và "Đinh Tiến Luyện còn được biết nhiều hơn qua những bức tranh vẽ thiếu nữ với cặp mất tròn xoe đăng trong Tuổi Ngọc. Văn của Đinh Tiến Luyện cũng nhẹ nhàng, dễ thương và trong sáng như nét vẽ của ông.

Ngày 1/2/2017, trong bài viết Tưởng nhớ người anh cả (nhà văn Duyên Anh), nhà văn họa sĩ Đinh Tiến Luyện tự sự: "Tôi vốn tâm niệm không ôm quá khứ, không hoài niệm và cũng không núp bóng quá khứ dù nó có đẹp tới đâu chăng nữa. Ích gi, nếu nó không giúp ta sống tốt hơn trong hiện tại. Lại thêm tôi vốn xem nhẹ chuyện văn chương viết lách của mình chẳng chuyên chở được gì, chẳng qua là một thời bay bóng rồi qua. Qua rồi thôi. Hãy làm chuyện khác. Tôi không có được cốt cách của một nghệ sĩ thực sự, phóng mình trong nghệ thuật, tôi biết minh chỉ tẩm tầm thế thôi khi thỏa thuận với sự chừng mực trong đời sống, thỏa thuận với hạnh phúc bình dị chung quanh. Song đến bây giờ, có lẽ tôi bắt đầu ngồi nhiều hơn xê dịch. Ngói chờ rong rêu phủ và dùng những key word tìm lại đôi ba vụn vặt, những mảnh vỡ của mình còn vương vãi đâu đó, nhặt nhạnh lại trên net, có khi lóng lánh thấy vui”.

Đã là con dân của Đồng Nai

Chân dung Đinh Tiến Luyện

Đầu năm Kỷ Hợi (2019), khi có người nhắc nhở về Đồng Nai - nơi nhà văn đã sống ở Tam Hòa (thành phố Biên Hòa) từ năm 1975 đến năm 2010 mới sang Mỹ định cư, ông bồi hồi cho biết: "Không sinh trưởng ở Đồng Nai, nhưng khi nhìn lại tôi nhận ra mình đã là con dân ở đây từ bao giờ rồi. 35 năm ở một nơi chốn đã trở thành quê hương, là khoảng thời gian định hình rõ nét cho một đời người. Quan trọng hơn là chính nơi đây tôi đã xây dựng gia đình và các con tôi đều sinh ra và trải qua thời thơ ấu ở đây. Nếu quê hương là nơi chốn để hướng về và trở lại, thì Đồng Nai là hình ảnh đậm nét trong ký ức của gia đình chúng tôi. Vì nơi đây còn có những người thân yêu, những bạn bè, những dòng sông bồi đất thành những cù lao, những con đường đất đỏ bò quanh đèo núi cheo leo... Hơn cả những điều để kế, để nhắc tới là miền đất đã thắm những hạt mồ hôi, đã lau khô những hạt nước mắt và ban phát cho ta những hân hoan để trở thành hạnh phúc, dù là đầy rẫy những nhọc nhằn. Để bây giờ xa rôi, có người gợi lại, tôi nhận ra mình đã là con dân của Đồng Nai. Và tôi hãnh diện về điều đó".

Bùi Thuận
Rang rỡ tài danh đất Đồng Nai - Tập 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét