Có nhiều bài viết về núi Châu Thới, nhưng tui thích trích lại đây nguyên văn bài viết của cụ Lương văn Lựu trong Biên Hòa sử lược toàn biên, quyển 2, Biên Hùng oai dũng, xuất bản năm 1972. Trong phần 1 của quyển sách này với tiêu đề Địa khí sơn linh, cụ Lương văn Lựu đã trang trọng đưa Núi Châu Thới lên đầu tiên. Tất nhiên là hồi đó cụ không mảy may nghi ngờ gì là... Châu Thới không phải ở Biên Hòa! (Lời văn trong bài được giữ nguyên xi lời cụ Lương văn Lựu, tất cả hình ảnh là của tui thêm vô cho nó sinh động).
NÚI CHÂU THỚI
TRƠ GAN CÙNG TUẾ-NGUYỆT
"Non Châu-Thới tháng ngày cằn cỗi,
Đứng sững chống trời, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Sông Đồng Nai bao độ vơi đầy,
uốn mình xoi đất, phơi ruột với thời gian”.
Đường lên núi Châu Thới
Theo Quốc-lộ 1, từ Thủ-Đô lên Biên Hòa, qua khỏi ranh giới Gia-Định, du khách trông thấy nơi phía hữu, một trái núi đứng sừng sững bên đường cao độ 80 thước, trên đỉnh còn vài chòm cây cổ thụ. Từ lộ vào, do một con đường đất rộng, đến chân non thu hẹp lần và uốn mình dẫn lên chót núi.
Đường bộ lên núi
Đường xe hơi, xe máy lên núi
Một kiểng chùa ẩn núp trong khung cảnh u nhàn tịch mịch quyến rủ người tâm đạo dừng bước trên non cao, lòng không còn vương chút bụi trần.
Vào buổi trời chiều bảng lảng hay giữa canh khuya thanh vắng, từ trên núi, thỉnh thoảng vọng ra những hồi chuông u-minh, buồn thảm, ngân dài, dư âm lan dần xuống rồi tắt hẳn trong lòng người đang tưởng niệm đến cõi hư vô.
Vào buổi trời chiều bảng lảng hay giữa canh khuya thanh vắng, từ trên núi, thỉnh thoảng vọng ra những hồi chuông u-minh, buồn thảm, ngân dài, dư âm lan dần xuống rồi tắt hẳn trong lòng người đang tưởng niệm đến cõi hư vô.
Cổng chùa ở chân núi, mới xây gần đây
Về phương diện du lịch, non Châu-Thới là một thắng cảnh, nhưng về mặt kinh tế, núi này là chỗ sản xuất đá để dùng vào việc kiến trúc hay xây lộ bắt cầu, đem lại một nguồn lợi lớn cho tỉnh nhà.
Châu-Thới sơn là tượng-trưng hùng vĩ của đất Biên-Hùng. tự nó cũng có một lịch sử riêng, từ ngày có bàn chân thứ nhứt của nhân loại đặt lên phiến đá trinh bạch của ngọn núi này.
Nó mang tên lịch sử: Chiêu-Thái (Quốc sử), Cố Phi San (Trung hoa), Mont Blanchy (Pháp thuộc). Sau đây là các nguyên do đã tạo nên ba sơn danh khác biệt:
1.- Chiêu Thái Sơn, nằm về phía Nam huyện Phước Chánh, được chánh thức liệt kê vào bản xuyên sơn tại Quốc sử quán vào năm 1850 (Tự-Đức thứ 3). Trên đỉnh có Hội sơn am tự là nơi Thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Chùa hiện nay vẫn còn, sau nhiều thời kỳ tu bổ.
Năm 1777, lúc Chúa Nguyễn Phước Ánh đánh nhau với Tây Sơn. Lý Tài (nguyên là tướng của Tây Sơn, về sau tạo phản) chỉ huy đạo quân Hòa Nghĩa, chiếm cứ núi Chiêu Thái, đặt phòng tuyến án ngữ binh của Nguyễn Lữ từ Qui Nhơn kéo vào và của Nguyen Ành từ Gia Định đưa lên.
2 - Mont Blanchy là do thanh tra Palasme de Champeaux khẩn trưng, sau bán lại cho ông Paul Blanchy vào ngày 17-10-1873. Đến năm 1886, ông này nhượng lại cho "Công ty Nông, Kỹ Nam-Kỳ. Dầu vậy, danh-từ “Mont Blanchy” cũng vẫn được thông dụng trong giới trí-thức thời bấy giờ.
3 - Cố Phi San: “Hội Nông Kỹ Nam Kỳ " sau đồi hiệu-danh là "Công Ty Nông kỹ Miền Nam và Trung Việt”. Hội rất chú-trọng đến vấn đề khuếch trương nông lâm trên núi. Ông Hội-trưởng cho dọn sạch cây chồi trên những thửa đất không có đá, định trồng cây cà-phê là một nông sản chưa có trên đất Đông Dương. Ông nhờ một Hoa thương quen tại Chợ-Lớn mượn một đồng hương là nhà trồng tỉa xứ Brésil (Nam Mỹ) mua dùm hột giống.
Khi hột cà-phê gởi qua đến, ông Hội trưởng mời tất cả các hội viên Pháp lẫn Hoa đến núi dự tiệc mừng gieo giống.
Bao hột giống ông cất thật kỹ, không ai được xem trước hoặc mó tay vào.
Tiệc rượu được bày ra trong một nhà mát. Khách tỏ lời khen ngợi ông có sáng kiến mới, sẽ đem lợi lớn cho Hội.
Lúc mở “Champagne", ông bảo "cặp rằn" lấy bao chia cho 10 lao công, mỗi người một gói nhỏ đem đi bỏ vào các lỗ đất đã đào sẵn. Một hội viên tò mò lén bước theo xem. Thì ra, đó là những hạt giống đã được rang chín hết. Mọi người đều vỡ mộng. Tiệc tan. Khách ra về, cau có. Chủ buồn nản đi thu các gói hạt giống, cả những hột đã gieo cũng đều được moi lên lấy lại, đem theo, ra về, không một lời từ giã người "cặp rằn" và các lao công.
Ở góc nhìn này, chùa trên núi Châu Thới như một thành lũy có hào sâu bao quanh
Thời gian sau, mỗi lần đi ngang qua núi Châu-Thời, có nhiều người Hoa kiều thường chỉ vào, và bằng một giọng hài hước trào lộng, thốt ra những câu chế nhạo: “Cố Phi San, Cố Phi San” để cười đùa với nhau.
Kẻ tò mò tra cứu nguyên do, thì biết: đó là phiên âm của chữ "coffee" (café theo Pháp ngữ) còn "San" là núi. "Cố phi san" là núi cà phê! trồng cà phê bị thất bại. Hội “Nông kỹ Miền, Nam, Trung Việt" tan rã, năm 1928, nhượng một phần quyền sở hữu chủ Núi lại cho ông Bùi-văn-Lộ, là một nhà hào phú đất Dĩ-An đứng ra xin khai thác đá.
Núi được liệt vào bảng kê các thắng cảnh thiên nhiên của Tỉnh, cần được bảo vệ. Dầu vậy, vì công ich, nên đến năm 1957, Công Ty Mỹ Johnson Drake and Piper được chấp thuận cho lấy đá để kiến-trúc xa lộ Saigon Biên-Hòa, và sau giao lại hãng thầu Eiffel làm, dùng vào công tác đặt hệ thống dẫn nước Đồng-Nai về Đô thành Saigon. Hiện giờ, một phần lớn vách núi ở phía đông bị khuyết nhiều, ở xa trông thấy một vết xám sạm, giữa màu xanh già của cây lá.
Ngọn danh sơn cao cả này được mang bao tên lịch sử: Chiêu Thái Sơn (Quốc sử), Mont Blanchy (Pháp thuộc), Cố Phi San (Trung hoa) và ngày nay chỉ có danh-từ “Châu-Thới” là được thông dụng nhất.
Từ trên núi Châu Thới nhìn về hướng Sài Gòn
Đã trải bao thế-kỷ rồi, núi Châu-Thới vẫn đứng trơ vơ dưới gầm trời Biên-Hùng. dãi dầu với nắng mưa, sương gió. Đã bao năm tháng rồi, non Châu Thới vẫn hy sinh thân đá để giúp ích cho đời.
Và rồi đây, đến thiên niên vạn đại về sau nữa, non Châu Thới cũng vẫn còn sạm mặt với thời gian, để chứng kiến cảnh trí Biên-Hùng bất diệt với con sông Đồng-Nai nước chảy xuôi dòng.
Lương văn Lựu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét