2 thg 8, 2020

Cái giếng cổ ở Lò Heo - chuyện ngày xưa về quán Lẩu tôm Năm Ri

Anh Bùi Thuận là dân sống lâu năm ở Biên Hòa nên biết nhiều chuyện hay ở đây thuở xa xưa. Rất may là anh có dịp kể lại đây đó những câu chuyện ấy qua những bài báo, quyển sách đã phát hành cho đám hậu sinh như tui và các bạn cùng biết. Từng mảnh vụn trong những câu chuyện kể của anh có thể thành một câu chuyện riêng thú vị. Thí dụ như câu chuyện về quán Lẩu tôm Năm Ri mà tui mạn phép trích ra ở đây.


Quán Lẩu tôm Năm Ri nằm cạnh ngôi chùa Bửu Sơn, cũng rất nổi tiếng

Câu chuyện này là cắt một miếng trong bài viết về ông Lương văn Lựu - tác giả bộ sách nổi tiếng Biên Hòa sử lược toàn biên - và bài này lại là cắt một phần trong bộ sách Rạng rỡ tài danh đất Đồng Nai gồm nhiều tập do anh Bùi Thuận biên soạn.

Ghi chú: Do bài trích cắt ngang hông nên xin chú thích thêm một chút: ông Hai Quan tức Võ văn Quan là người kể chuyện, thành viên ban quý tế đình Tân Lân. Thầy Tư Lựu là ông Lương văn Lựu.

Cái giếng cổ ở Lò Heo

Ông Hai Quan còn cho biết một câu chuyện khá dặc biệt về thầy Tư Lựu mà đến giờ nhiều người ở xóm Lò Heo (nay thuộc khu phố 2, phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) còn nhớ và nhắc hoài. Đó là chuyện anh Nâm Ri (hiện là chủ một hệ thống nhiều quán lẩu tôm rất nổi tiếng) từ vùng kinh tế mới dắt vợ con lếch thếch về lại Biên Hòa xin ở đậu bên mé nhà của ông Hai xích lô trong xóm lưới cạnh bờ sông Đồng Nai. Trong lúc anh em bè bạn cùng thất nghiệp ở xóm Lò Heo xúm vô phụ với Năm Ri sửa lại góc nhà lụp xụp cho vợ con anh tạm trú, thì thấy dưới nền nhà có mấy viên đá cũ có hình dáng lạ mắt. Tò mò, Hai Quan lấy một viên đá mang đến "báo cáo" với thấy Tư Lựu.

Sau một hồi ngắm nghía viên đá lạ, thầy Tư dẫn giải: Đây là đá xây giếng của người Chăm. Theo tài liệu mà tôi nghiên cứu dược thì khu vực Lò Heo - Cây Chàm mà mình đang ở đây có 2 cái giếng cổ của người Chăm: một ở dưới xóm chài sát bờ Sông Đồng Nai, một cái nằm ở khu vực Hoa Lư. Ai làm chủ cái giếng cổ và chịu khó cúng kiếng thì làm ăn phát đạt, tài lộc vô như nước! Chú em nên khuyên bảo người anh em đang cai quản cái giếng nên coi sóc chu đáo, thế nào sau này cũng giàu có.

Nghe Hai Quan nói lại, ai cũng cười ngất. Năm Ri đang thất nghiệp, không có chỗ ở, phải nương nhờ nhà người quen, vợ ra chợ Biên Hòa phụ việc cho vựa cá để kiếm tiền nuôi chồng con thì ngóc đầu lên đã không muốn nổi rồi, nói gì đến chuyện giàu có.

Nhưng thật không ngờ, từ những con tôm ế, thừa sau buổi chợ được vợ Năm Ri mang về làm món nhậu cho chồng cùng mấy người bạn "quá rảnh" (vi không có việc làm trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất, đang còn khó khăn) trở nên nổi tiếng đến mức con hẻm Mạch Nha sâu hoắm dẫn vào nhà Năm Ri trở thành hẻm mang danh hiệu “Lẩu tôm Năm Ri". Ban đầu, bạn bè, khách khứa kéo đến ngồi bệt dưới đất nhậu ké, sau đó trả tiền để mua sắm bàn ghế, bia rượu. Từ người ở nhờ bên mái, chỉ một thời gian sau Năm Ri trở thành chủ toàn bộ ngôi nhà và cả khu đất rộng lớn. Thương hiệu “Lẩu tôm Năm Ri" vang xa. Từ một quán Năm Ri đầu tiên, nơi có cái giếng cổ, ngày nào cũng đông khách, thêm mấy quán Năm Ri nữa ra đời. Nghe đâu chuyện đếm tiền hàng đêm khá là vất vả.



Bên trong quán Lẩu tôm Năm Ri hiện nay, "cái giếng cổ" ngày xưa.

"Những con tôm ế" ngày xưa, giờ hấp dẫn thế này

Ông Hai Quan cho rằng việc giếng cổ Chăm linh thiêng hay không thì thực hư khó biết, nhưng lời tiên đoán của thấy Tự Lựu về sự thịnh vượng của chủ quán Năm Ri quả không sai. Chỉ một chuyện mất thấy tai nghe này, ông Hai Quan đã phục sát đất “thấy Tư" Lương Văn Lựu.



Bùi Thuận
(Trích trong Rạng rỡ tài danh đất Đồng Nai - Tập 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét