16 thg 8, 2020

Tản mạn sách xưa, người xưa

Hồi nhỏ đi học không có bị nhà nước áp đặt sách giáo khoa như bây giờ. Thầy cô biểu mua sách gì thì mua sách đó, và như vậy dẫn tới một điều là biết và nhớ tên tác giả sách giáo khoa. (Hi hi, con nít bây giờ đố mà biết tên tác giả sách giáo khoa). Thậm chí nhớ luôn tên nhà xuất bản nữa vì tên nhà xuất bản cùng với tên tác giả in sờ sờ trên bìa sách, nhìn thấy mỗi ngày.

Một trong những tác giả mà tui nhớ tên kỹ nhứt là thầy Bùi văn Bảo, vì gần như trong suốt những năm tiểu học tui đều học sách của ông ở môn Quốc văn (môn Tiếng Việt bây giờ á). Hồi đó có 2 bộ của ông là Việt  ngữ Tân thư Tân Việt văn.


Bìa trước và bìa sau sách Việt ngữ tân thư Lớp Tư, NXB Sống mới xuất bản năm 1965


Sách Tân Việt văn lớp Tư (tức lớp 2 sau này) xuất bản năm 1967 và Lớp 4 xuất bản năm 1974.

Biết tên thì biết vậy, chớ hồi đó còn con nít mà, chẳng biết gì về tiểu sử, sự nghiệp của ông hết. Mãi sau này mới biết thêm ông có bút danh là Bảo Vân và có khá nhiều bài Học thuộc lòng của ông in trong sách mà thế hệ tụi tui (và lớn nhỏ hơn vài năm) còn thuộc tới bây giờ.

Ví dụ như anh LTĐ "còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng một từ rất hoa mỹ, là túc cầu:"


TRẬN CẦU QUỐC TẾ 

Nắng vừa xế, cổng thao trường rộng mở 
Và hai đoàn cầu thủ tiến ra sân
Tiếng hoan hô vang dội khắp xa gần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.

Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.

Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ

Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và...đội nhà đã thắng

Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội...

BẢO VÂN

Bài Học thuộc lòng Trận cầu quốc tế trong sách Tân Việt văn lớp 5

Hoặc bài Học thuộc lòng sau đây tui nghĩ không chỉ tui mà rất nhiều bạn cùng thời vẫn còn thuộc.



Buổi sáng

Sáng ngày, dây sớm, ra sân
Vươn vai, vận động tay chân một hồi,
Tới khi nơm nớp mồ hôi
Thì em tập thở, theo lời thầy khuyên
Sáu giờ, chuông đã nổi lên
Sẵn ly nước sạch, em liền đánh răng
Gội đầu, lau mặt, rửa chân
Người em sạch nõn, áo quần thơm tho.

BẢO VÂN

Nửa thế kỷ sau khi học theo sách của thầy Bùi văn Bảo, tui mới có dịp tìm hiểu về tiểu sử của thầy và thêm lòng ngưỡng mộ. Xin được đăng lại tóm tắt tiểu sử của thầy theo trang www.vps.org như sau:


Tiểu sử cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo (1917 - 1998)


Sinh năm 1917 tại Thái Bình. Tốt nghiệp lớp Sư phạm năm 1940, trường Bưởi ở Hà Nội, Việt Nam. Ðã dạy học ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội và làm hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp ở Sài Gòn.

Khi còn đi học, có làm thơ, viết văn cho các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Tiểu Thuyết, Thứ Bảy, Loa v...v...Hà Nội.

Vào Sài Gòn viết thêm cho báo Tự Do (mục Ðàn Ngang Cung) cho Ca Bắc (ở Sài Gòn) năm 1956 nghỉ viết báo, soạn sách giáo khoa tiểu học và xuất bản báo Tuổi Xanh cho thiếu nhi.

Năm 1975 di cư sang Canada lại soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ em và viết thơ và văn cho nhiều báo ở hải ngoại. Trong bài thơ "Giữ gìn tiếng Việt" có hai câu mở đầu mà nhiều người biết là:

Chỉ sợ đàn con quên Việt Ngữ
Ðừng lo lũ trẻ kém Anh Văn

Cùng các họa sĩ, nhà văn, nhà giáo biên soạn bộ Việt Sử Bằng Tranh gồm 30 tập viết từ đời Hùng Vương tới nhà Nguyễn Quang Trung rất được các phụ huynh tán thưởng.

Ngoài ra còn soạn 14 cuộn băng thơ (có tiểu sử các tác giả) về Thi Ca Cổ Ðiển và nhờ các ca sĩ nổi tiếng về cổ nhạc, ngâm thơ theo các điệu Sa Mạc, Bồng Mạc, Ðò Ðưa v.v...

Cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo tạ thế vào ngày 25 tháng 3, 1998 tại Toronto, Canada, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của cụ là một mất mát lớn của nền giáo dục Việt Nam.


Một thông tin quan trọng khác, và đây chính là thông tin khiến tui nhớ lại cái tên đã quá quen thuộc với mình thuở nhỏ. Khi tìm hiểu về danh nhân Bùi Viện, sứ giả Việt Nam đầu tiên tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ, tui phát hiện ra rằng Bùi văn Bảo chính là cháu trực hệ của Bùi Viện. Trang tin Họ Bùi Việt Nam cho biết Bùi Viện (1839-1878) thuộc đời thứ 8Bùi văn Bảo (1917-1998) thuộc đời thứ 12 của tộc Bùi. Từ Canada về thăm quê hương Trình Phổ, Thái Bình (quê của Bùi văn Bảo và cũng là quê của Bùi Viện) vào những năm cuối đời, thầy Bảo Vân Bùi văn Bảo đã mang về những tư liệu, gia phả và cả cuốn sách mà thầy đã viết về ông tổ của mình để làm sáng tỏ thêm tiểu sử của danh nhân Bùi Viện.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét