25 thg 8, 2020

Từ Hoạt động dinh điền tới Khoai lang Lệ Cần

Từ Chương trình Dinh điền tại Cao nguyên Trung phần (1957 - 1961)

Hồi nhỏ, tui sưu tầm tem. Bởi vậy tui có được bộ tem Hoạt động dinh điền, phát hành năm 1961 và biết sơ sơ rằng đó là một chương trình cải cách ruộng đất do tổng thống Ngô Đình Diệm phát động. Biết sơ sơ vậy thôi, vì khi tui chơi tem (khoảng 1969) thì tổng thống Diệm bị lật đổ đã lâu, hoạt động dinh điền không còn nữa và tui cũng... không có Google để search coi hoạt động dinh điền là gì.

Phong bì Ngày đầu tiên tem thư Hoạt động dinh điền 3/6/1961

Sau này, tui biết về chương trình dinh điền như sau:

Bên cạnh việc khắc phục tình trạng sở hữu ruộng đất bất bình đẳng ở nông thôn miền Nam (qua chương trình Cải cách điền địa) thì một chương trình khác không kém phần quan trọng đó là tiến hành tái phân bố nguồn nhân lực trên phạm vi toàn miền Nam, chú trọng vào việc điều chuyển một bộ phận dân cư tại các vùng đồng bằng đông đúc đến định cư tại những vùng thưa dân như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, hay còn gọi là Chương trình Dinh điền (Land Development Program)


Ngày 23/4/1957, Tổng thống VNCH chính thức khởi động Chương trình Dinh điền, trong đó, địa bàn Tây Nguyên (gọi theo thời đó là Cao nguyên Trung phần) được ưu tiên dùng để định cư người dân từ các tỉnh duyên hải miền Trung, nơi mà theo lời Ngô Đình Diệm là “có quá nhiều cát và không đủ đất”], lên sinh sống.

Năm 1960, toàn Tây Nguyên có 6 khu dinh điền (Kon Tum, Pleiku I, Pleiku II, Đắk Lắk I, Đắk Lắk II, Quảng Đức) với 55 điểm, tập trung nhiều nhất tại Pleiku (25 điểm) và Đắk Lắk (20 điểm). Đến năm 1961, Chương trình Dinh điền đã định cư 69.958 người từ các nơi lên Tây Nguyên.


Bỏ qua những chi tiết về hiệu quả của hoạt động dinh điền này, điều chúng ta ghi nhận được là thời đó trong số dân dinh điền có những người quê ở xã Trà Đóa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam di dân đến xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Pleiku (tỉnh Gia Lai bây giờ). Hành trang họ mang theo có giống khoai lang của quê mình.

Đến khoai lang Lệ Cần

Khoai lang Lệ Cần

Giống khoai mà người dân Trà Đóa, Thăng Bình mang đến vùng quê mới tất nhiên là ngon rồi, vì có ngon họ mới mang theo chớ. Nhưng trời xui đất khiến sao khi trồng ở Tân Bình, Đắk Đoa nó mới thực sự phát tiết, ngon hơn hẳn so với hồi còn ở quê gốc. Chắc là do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp khiến giống khoai này khi mang đi bất cứ nơi nào trồng thì cũng không thể ngon như nơi đây. Khoai củ dài, ruột màu vàng ươm đặc trưng, bùi và ngọt. Khoai để lâu càng ngon, người trồng khoai thường nói là khoai lên mật.

Vùng đất này ngày đó có tên Lệ Cần. Vì giống khoai lang gốc từ Thăng Bình không quá đặc sắc nên chưa có tên riêng, đến nơi đây mới trở nên xuất sắc và nổi tiếng, vì vậy Lệ Cần đã trở thành thương hiệu riêng cho giống khoai này. Khoai lang Lệ Cần trở thành món quà quê quý giá cho nhiều người, thậm chí danh tiếng lan xa tới nước ngoài.

Khoai lang Lệ Cần đã nấu chín


Chuyện kể rằng năm 1976 nhà thơ Xuân Diệu đến thăm bạn là nhà thơ - nhà giáo Lê Nhược Thủy, người gốc Huế đang dạy học ở Pleiku. Thời đó đang ăn độn thấy bà, cái chuyện "khoái ăn sang" là thường tình. Trong bữa cơm đãi bạn, nhà thơ Lê Nhược Thủy có món độn là khoai lang, nhưng thứ khoai lang độn ở đây là khoai lang Lệ Cần. Xuân Diệu ăn khoai và ngạc nhiên rằng... sao mà ngon quá! Thế là ông tặng bạn mình bài thơ, trong đó có 2 câu tán tụng món khoai lang của xứ Đắk Đoa:

Cảm tạ vợ chồng anh giáo Huế
Thết tôi một bữa Lệ Cần khoai

Khoai lang ở xã Tân Bình sao kêu là khoai lang Lệ Cần?

Quả là bây giờ ở huyện Đắk Đoa cũng như cả tỉnh Gia Lai không có cái xã nào tên Lệ Cần hết. Sao khoai lang lại có cái tên Lệ Cần nghe... lãng mạn vậy? 

Như nêu ở đoạn trên, từ năm 1957 đến 1962, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã di dân từ đồng bằng ven biển miền Trung lên lập nhiều dinh điền ở các tỉnh Tây Nguyên. Trên địa bàn nay thuộc huyện Đak Đoa, có 2 địa điểm dinh điền được hình thành trong giai đoạn này, đó là dinh điền Lệ Chí dinh điền Lệ Cần.

Mặc dù cái tên xã Lệ Cần không còn nữa nhưng vẫn còn một vài địa danh Lệ Cầ tại đây, như: giáo xứ Lệ Cần, cầu Lệ Cần.n

Lệ Cần ban đầu là tên của một dinh điền được thành lập ngày 1/7/1957, với tên gọi địa điểm dinh điền Plei Piơm 1. Những cư dân đầu tiên của dinh điền này là 2.175 người, do chính quyền Sài Gòn đưa từ Quảng Nam lên, định cư tại vị trí phía Nam quốc lộ 19, trong khoảng từ km 149 đến km 150 hiện nay.

Lệ Chí cũng là một địa điểm dinh điền được thành lập ngày 3/11/1957 với tên gọi địa điểm dinh điền Plei Piơm 2. Dân số ở thời điểm đó là 2.602 người, do chính quyền Sài Gòn đưa từ Quảng Nam lên.

Theo Sắc lệnh số 36a-TTP, ngày 20/2/1959, của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, các địa điểm dinh điền lập năm 1957 được chuyển thành xã. Từ đây, Lệ Cần và Lệ Chí trở thành các xã, thuộc quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku.

Sau năm 1975, vùng đất Lệ Cần thuộc xã Tân Bình và lần lượt là đơn vị hành chính thuộc thị xã Pleiku, sau đó chuyển giao cho huyện Mang Yang và từ khi huyện Đak Đoa hình thành, xã này thuộc huyện Đak Đoa theo các văn bản chia tách, chuyển đổi, sáp nhập địa giới hành chính liên quan.

Bộ phận dân cư gốc từ dinh điền Lệ Cần trước kia nay sinh sống tập trung tại thôn 1, thôn 2 xã Tân Bình. Tuy nhiên, địa danh Lệ Cần vẫn được nhân dân trong vùng và phụ cận sử dụng cho đến bây giờ.

(Đoạn này lấy theo TS Nguyễn thị Kim Vân trên báo Gia Lai ngày 2/6/2017)

Bàn thêm một chút: (Cái này do tui nghĩ ra thôi, đúng thì vui, sai thì... xí bỏ) Tại sao ở đây nhiều... Lệ quá vậy? Quận Lệ Trung, xã Lệ Chí, xã Lệ Cần. Theo tui, thời tổng thống Ngô Đình Diệm, ông thường cho đặt lại các địa danh theo từ tiếng Việt hoặc Hán Việt dựa trên tên gốc. Trong tiếng địa phương Plei là làng, có lẽ chữ này đã được phiên âm ra thành Lệ, còn các chữ sau thì... tùy cơ ứng biến.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét