26 thg 4, 2021

Ở nơi không có sân bay, nhưng có máy bay đậu

An Giang không có sân bay?

Thật ra An Giang đã từng có không chỉ một mà đến 3 sân bay, đó là các sân bay Long Xuyên (còn gọi là sân bay Vàm Cống, nằm ở Long Xuyên), sân bay Châu Đốc (nằm ở Châu Đốc) và sân bay Thất Sơn (nằm ở Tịnh Biên). Tuy nhiên đó đều là các sân bay nhỏ, phục vụ cho mục đích quân sự và đến nay đã không còn sử dụng nữa.

An Giang có đề xuất xây dựng sân bay tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch ngày 2/6/2011, tuy nhiên đến năm 2016 dự án này đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ từ nay tới năm 2030 vì không khả thi.

Tóm lại là hiện nay An Giang không có sân bay nào hết!

Nhưng vẫn có máy bay!

Máy bay YAK-40 ở khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Lê Quang Dũng

Dù không có sân bay, nhưng An Giang vẫn có một chiếc máy bay - chuyên cơ luôn đó nghen - đậu sờ sờ ở một nơi thôn dã. Đó là chuyên cơ YAK-40 mang số hiệu VNA-452 của Hàng không Việt Nam, đậu tại cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên.

Nơi đậu chiếc máy bay này chính là khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, và chiếc máy bay này chính là phương tiện cụ Tôn Đức Thắng thường dùng đi công tác. Thuyết minh tại Khu lưu niệm cho biết: Ngày 15-5-1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bác Tôn từ Hà Nội đã lên chuyên cơ này bay thẳng vào Sài Gòn tham dự Đại lễ mừng ngày chiến thắng. Tổ lái chuyến bay này gồm 3 người: lái chính Hoàng Liên; lái phụ Trần Tiến Dũng, dẫn đường Đoàn Minh Hội.

Năm 2007, trung tướng Nguyễn Khánh Châu, thứ trưởng Quốc phòng lúc đó, và đại diện Cục A41 đã làm lễ bàn giao chiếc máy bay YAK40 VNA452 cho khu lưu niệm. Chiếc máy bay được đưa từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) về nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệu, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhớ lại: “Lúc đó, tôi cũng may mắn được tận mắt chứng kiến. Chiếc máy bay được tháo rời hoàn toàn, để lên xe tải vận chuyển từ Liên Khương về. Đến địa phận tỉnh nào sẽ được bàn giao để tỉnh đó phối hợp vận chuyển, bảo vệ. Đến Long Xuyên, lại phải chở máy bay bằng chiếc phà của bến phà An Hòa (chứ không phải phà Ô Môi thường qua lại đôi bờ Mỹ Long - Mỹ Hòa Hưng). Để có chỗ trưng bày chiếc máy bay, chúng tôi phải đốn bớt một số cây trong khu vực Khu lưu niệm. Sau đó, lực lượng chuyên môn Phòng Kỹ thuật của sân bay Tân Sơn Nhất trực tiếp lắp ráp chiếc máy bay một cách kỳ công. Khoảng 1 tháng sau, đến ngày 28-7-2007, việc lắp đặt mới hoàn thành”. 


Ảnh: PHN

Kể từ đó đến nay, bà con cù lao Ông Chưởng - vốn là những người nông dân hầu như cả đời chưa đi máy bay - ngày ngày đi ngang khu lưu niệm đều nhìn thấy ở quê mình có một sân bay trong đó có... một chiếc máy bay. Dần dần, hình ảnh này trở thành quen mắt và trở thành hình ảnh không thể thiếu ở miền quê này.

Nghe nói có thời gian ban quản lý khu lưu niệm cho phép du khách bước vào trong máy bay để tham quan, nhưng tui tới đây nhiều lần chưa lần nào có dịp chui vào máy bay cả. Mà, bây giờ quen đi những máy bay hiện đại rồi, nhìn cửa chiếc YAK-40 thấy sao nhỏ xíu, không biết làm sao bước vô nữa. Chắc phải lom khom!

Về máy bay YAK-40

YAK-40 có tên đầy đủ là Yakovlev Yak-40 (tên tiếng Nga: Яковлев Як-40) là một máy bay phản lực chở khách tầm ngắn, nhỏ, ba động cơ do Văn phòng thiết kế A.S. Yakovlev thiết kế và sản xuất. Đây là một đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế chế tạo máy bay của Liên Xô, do A.S. Yakovlev (1/04/1906 - 22/08/1989) sáng lập. YAK-40 được sản xuất từ năm 1967 đến năm 1981, được giới thiệu vào tháng 9/1968 và được xuất khẩu từ 1970.

YAK-40 đang bay. Ảnh: www.airliners.net

Thông số kỹ thuật của Yak-40 (theo vi.wikipedia.org)
  • Phi đoàn: 3
  • Sức chứa: 32 hành khách
  • Chiều dài: 20.36 m (66 ft 10 in)
  • Sải cánh: 25.00 m (82 ft 0 in)
  • Chiều cao: 6.50 m (21 ft 4 in)
  • Diện tích : 70 m² (736 ft²)
  • Trọng lượng rỗng: 9.400 kg (20.725 lb)
  • Trọng lượng cất cánh: n/a
  • Trọng lượng cất cánh tối đa: 16.000 kg (35.275 lb)
  • Động cơ: 3× phản lực cánh quạt Ivchenko AI-25, lực đẩy 14.7 kN (3.300 lbf) mỗi chiếc
  • Vận tốc cực đại: 550 km/h (340 mph)
  • Tầm bay: 1.800 km (1.100 mi)
  • Trần bay: 8.100 m (26.600 ft)
YAK-40 ở Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: PHN

Theo Wikipedia (English) có 1011 chiếc YAK-40 đã được sản xuất từ nhà máy Saratov của Nga, trong đó xuất khẩu 130 chiếc. Trong số 130 chiếc này, Việt Nam có 4 chiếc, do Liên Xô tặng.

4 chiếc YAK-40 tại Việt Nam thì một chiếc (VNA452) trưng bày tại cù lao Ông Chưởng như kể trên, một chiếc khác (VNA474) đã bị rơi ngày 14/11/1992 tại thung lũng Ô Kha khiến 30 người tử vong, một chiếc (VNA446) trưng bày tại Học viện Hàng không Việt Nam Cơ sở 2 (TPHCM), một chiếc nữa không rõ đang ở đâu nhưng... chắc chắn là không có bay nữa!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét