9 thg 4, 2021

Trở về "159 Thiệu Trị, Phú Nhuận"

Những ai từng là "thiếu nhi" ở Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ đầu thập niên 1970 chắc đều biết địa chỉ 159 Thiệu Trị, Phú Nhuận ghi trên là gì. Đó chính là Tòa soạn Tuần báo Thiếu nhi do nhà văn Nhật Tiến chủ biên, ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm. Đúng như nhà báo Phạm Công Luận viết ờ đầu bài này: Địa chỉ ấy là nơi ao ước được ghé một lần trong đời của nhiều đứa học trò ham đọc sách báo ở miền Nam trong nửa đầu thập niên 1970. Tui cũng là một trong những đứa học trò như vậy. Tiếc là ở Long Khánh xa xôi nên chưa có dịp ghé đến.

Từng là một đứa nhỏ say mê đọc (và viết bài gởi) Thiếu Nhi nên đọc bài viết của anh Phạm Công Luận tui nhớ thật nhiều kỷ niệm xa xưa, và xin phép đăng lại đây để những người cùng thời cùng nhớ lại.

Phạm Hoài Nhân

Bìa báo Thiếu nhi số 1

Trở về "159 Thiệu Trị, Phú Nhuận"
- PHẠM CÔNG LUẬN -

Địa chỉ ấy là nơi ao ước được ghé một lần trong đời của nhiều đứa học trò ham đọc sách báo ở miền Nam trong nửa đầu thập niên 1970. Đó là địa chỉ Tòa soạn báo Thiếu Nhi, nơi thực hiện và cho ra đời những tờ tuần báo mang tính giáo dục cao, nội dung hấp dẫn, giàu cảm xúc, có những bìa báo và minh họa tuyệt đẹp.

Hai năm trước, tôi cùng anh bạn quay trở lại đây, nơi tôi đã học khóa xếp giấy origami trong hai tuần lễ hè 1974. Sau hơn bốn mươi năm, cảnh vật thay đổi nhiều. Khu nghĩa địa Phong Thần đã biến mất, thay vào đó là ngôi chợ Trần Hữu Trang. Ngôi nhà làm tòa soạn đã đổi chủ, bề ngoài còn nguyên với cầu thang ở giữa và hai phòng hai bên nhìn ra đường. Căn bên trái là lớp học xếp giấy. Ở đó, tôi đã gặp ông Khai Trí, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến, nhà văn Đỗ Phương Khanh và họa sĩ ViVi. Ngoài sân hồi ấy, thỉnh thoảng thấy vài chiếc ba gác chở báo mới in đưa đi phát hành. Đó là những hình ảnh nhớ mãi, dẫn dắt tôi theo nghề viết lách nhọc nhằn nhưng không thiếu niềm vui.

Giờ đây, tôi mới có dịp tìm hiểu sâu hơn về tổ chức tòa soạn của báo Thiếu Nhi. Là tờ tuần báo dành cho lớp độc giả nhỏ tuổi, trong điều kiện không dồi dào tài chính, những người thực hiện đã tổ chức một tòa soạn tinh gọn nhưng hiệu quả, mang đến những món ăn tinh thần tốt đẹp nhất cho thiếu nhi miền Nam thời chiến.

Độc giả nhỏ tuổi Sài Gòn đón đọc báo Thiếu Nhi. Ảnh: Tư liệu Phạm Công Luận

Nhắc lại sự ra đời báo Thiếu Nhi, sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, linh mục Cao Văn Luận được một nhóm giáo sư người Đức tặng một máy đúc chữ monotypo, ông bèn thành lập nhà in Hồng Lam tại số 32 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và cần người quản lý. Có người giới thiệu với ông nhà văn Đỗ Phương Khanh, người có kinh nghiệm quản lý nhà in từ năm 1961 tại các nhà in Việt Liên và Trường Sơn, có tín nhiệm với khách hàng lớn là nhà sách Khai Trí.

Bà Đỗ Phương Khanh được mời về làm tại nhà in Hồng Lam từ năm 1968.

Vài năm sau, có một nhóm cựu sinh viên của linh mục xin dùng nhà in để tiện phổ biến sách báo của địa phận và giáo hội nên bà Đỗ Phương Khanh thôi việc tại nhà in này. Nhân có căn nhà của cha mẹ bà ở số 159 đường Thiệu Trị, quận Phú Nhuận rộng rãi, nên bà cùng chồng là nhà văn Nhật Tiến lập ra nhà in Huyền Trân, chuyên in sách của nhà sách Khai Trí và bằng hữu.

Trong những năm đầu của thập niên 1970, tình hình sách báo nhảm nhí dành cho tuổi thiếu nhi tràn lan đến mức khiến cho nhiều giới phải lên tiếng báo động. Vốn là nhà giáo tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, lại có mối quan hệ mật thiết với ông Nguyễn Hùng Trương - Giám đốc nhà sách Khai Trí, vợ chồng nhà văn Nhật Tiến đã bàn bạc với ông Hùng Trương cho ra tờ tuần báo Thiếu Nhi để cung cấp món ăn tinh thần bổ ích cho trẻ, góp phần chống lại tình trạng sách báo nhi đồng nhảm nhí đang rất lộng hành. Sự hợp tác này dựa trên một căn bản hết sức giản dị: Ông Khai Trí lo tài chính, nhà văn Nhật Tiến lo nội dung, bài vở. Tờ báo đầu tiên ra đời vào tháng 8-1971.

Bà Đỗ Phương Khanh giới thiệu báo Thiếu Nhi với độc giả nhỏ tuổi Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Hùng Trương biết tôn trọng người có chuyên môn, dành hết quyền quyết định thực hiện tờ báo cho chủ biên, không can thiệp vào bất cứ chuyện gì ngoài việc lo về tài chính. Đã vậy, ông còn vui vẻ nhận sự phân công của nhà văn Nhật Tiến khi đề nghị ông phụ trách mục Lá Thư Chủ Nhiệm, một mục mà ông đã đảm trách rất thành công trong suốt bốn năm tờ báo tồn tại.

Tổ chức tòa soạn của tờ Thiếu Nhi gồm có: Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương, Chủ biên Nhật Tiến, Quản lý Đỗ Phương Khanh. Ngoài ra, còn có hai thư ký: một người làm việc buổi tối, từ 8 giờ đến 12 giờ khuya, chuyên lo việc cắt dán những bài đã được xếp chữ lên từng trang báo theo bản thiết kế và một người làm việc ban ngày để chạy việc linh tinh của tòa soạn. Điều đặc biệt là chỉ có hai vị thư ký này được trả lương. Còn những chức vụ khác như chủ nhiệm, chủ biên, quản lý thì không ai nhận lương, kể cả phần nhuận bút bài vở mà họ đóng góp cho tờ báo.

Bìa một số tờ báo Thiếu nhi

Về bài vở, Chủ biên trông cậy vào nhiều nhà văn, nhà giáo giàu lòng yêu mến tuổi thơ ở thời điểm đó. Có thể kể đến các nhà văn như Doãn Quốc Sỹ, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Ngu Í Tế Xuyên, Vũ Minh Thiều, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn, Minh Quân, Vũ Hạnh,.... các nhà giáo như Nguyễn Tài Năng, Trần Ngọc Kính, Lê Xuân Nho, Quốc Bảo, Vương Song Bình tức Bình Electronic,...; các nhạc sĩ như Phạm Đức Huyến, Lâm Tuyển, Huy Trâm,...; các họa sĩ như ViVi, Nguyễn Tài, Vương Nghiêm,... Và về sau còn có các cây bút tìm đến hợp tác vì yêu mến chủ trương của Thiếu Nhi như các vị Vịt Mò Vũ Văn Việt, Trường Kỳ, Đặng Hoàng Văn Trung, Huy Yên, Nguyễn Xuân Hiếu, Nguyễn Hùng Trác, Trọng Ân, Thu An,... Họ hợp tác với tòa soạn trong tinh thần tự nguyện, vô vị lợi, nhưng tòa soạn cũng trả nhuận bút tượng trưng dựa theo số trang của mỗi bài. Nhà văn Nhật Tiến không nhớ mỗi trang bao nhiêu nhưng nhìn nhận là rất tượng trưng thôi, vì từ năm 1972, năm có “mùa hè đỏ lửa", tình hình chiến sự ngày một leo thang, số báo bán được giảm đi thấy rõ, nên ai cũng nhìn thấy gánh nặng bù lỗ của ông Chủ nhiệm.

Nhà văn Nhật Tiến kể: “Những buổi họp mặt đông đủ và vui vẻ nhất ở tòa soạn là ngày Chủ Nhật mỗi cuối tháng. Khu gặp gỡ mọi người trong tòa soạn là một căn phòng trước là một phòng ngủ, sau tém dẹp hết đồ đạc đi chỉ để kê ở chính giữa phòng một cái đi-văng cỡ lớn, sửa chân đi-văng lên cao, làm thành bàn làm việc chung cho tất cả mọi người. Tờ báo làm “lay out, họa sĩ ViVi vẽ minh họa trang trong, Đỗ Phương Khanh viết Suối mát cho Vườn hồng hay trả lời thư độc giả đều ở chỗ này. Quản lý tờ báo hôm đó còn chuẩn bị một bữa ăn mời mọi người, hoặc bún thang hoặc cháo gà hay bánh tôm. Tất cả đều ăn chung và cũng là để bàn bạc, góp ý về số báo vừa mới ra trong tuần. Khi ra về, ai cũng được trao một phong bì gọi là tiền nhuận bút rất tượng trưng trả trong tháng đó. Tuy nhiên về sau, đã có nhiều vị từ chối nhận vì cảm thông với sự khó khăn về tài chính của tòa soạn".

Nhờ sự đóng góp của đội ngũ đầy tâm huyết đó, tờ báo giữ được định hướng từ đầu: “Vừa giải trí, vừa giáo dục" với nội dung ngày càng phong phú. Các mục trên báo gây được nhiều ấn tượng là: Lá thư chủ nhiệm, Gương danh nhân, Nhân vật lịch sử Việt Nam, Các địa danh nổi tiếng của Việt Nam, Khoa học thường thức, Tò mò tìm hiểu, Em học vẽ, Em học nhạc, Truyện ngắn, Truyện dài, Chuyện cổ tích, Giải trí, Đố vui hằng tuần, Truyện bằng tranh. Có các mục được độc giả rất hoan nghênh và tham gia tích cực là: Kiến thức vào đời (chỉ dẫn thiết thực trong đời sống hằng ngày), Thắc mắc của em (trả lời mọi thắc mắc của độc giả). Trang Vườn hồng (do bà Đỗ Phương Khanh phụ trách) có những mục Suối mát nêu những vấn đề thuộc tâm tình của các độc giả nữ sinh, Tay ngọc bên bếp hồng, Mẫu thêu..., Bài luận hay nhất lớp, Muôn hồng nghìn tía đăng những sáng tác văn xuôi của độc giả, Bướm trong vườn đăng những sáng tác thơ của độc giả.

Bìa một số tờ báo Thiếu nhi

Tòa soạn nhận được rất nhiều sáng tác do độc giả gởi về. Trong đó có nhiều cây bút viết rất tốt. Về văn xuôi có: Phan Khương Thái, Trần Mai Hoạt, Trịnh Công Truyền, Nguyễn Trường Anh, Lê Trung, Phi Thừa,... Về thơ có: Vũ Thị Ca Dao, Hùng Vỹ, Trần Linh Nga, Tạ Lệ Vân, Nguyễn Trường Anh, Uyên Thụy Phương, Lương Văn Bình, Đằng Linh, Thiên Bất Hủ,... Tất cả chứng tỏ độc giả Thiếu Nhi rất tài năng và xứng đáng kế thừa các bậc đàn anh đi trước.

Ngoài ra, tờ báo còn có những số đặc biệt theo chủ đề. Về lịch sử có các số: Bình Định Vương Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Bình Trọng, Bạch Đằng Giang,... Về giáo dục có: Nhớ ơn thầy, Công ơn cha mẹ. Và các chủ đề khác như: Cắm trại (hướng dẫn tỉ mỉ về các kỹ năng khi đi cắm trại), Từ bản thảo đến cuốn sách (nêu chi tiết từ nghề in ấn, xuất bản đến phát hành, việc quảng cáo sách, tổ chức ra mắt sách, cách làm hợp đồng xuất bản sách nếu giao cho một nhà xuất bản lo hết mọi thứ,...).

Về vẽ bìa và minh họa cho báo, trong số 136 kỳ báo Thiếu Nhi ra đời từ năm 1971 đến 1975, họa sĩ ViVi đã đảm nhiệm tới 135 bìa, bìa báo duy nhất còn lại là bìa Tân Xuân rất đẹp (ra ngày 27-2-1972) do họa sĩ Vương Nghiêm, một trung úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảm nhiệm, ông cũng thường vẽ minh họa cho các trang trong. Họa sĩ ViVi vẽ bìa báo khá kỹ. Nhà văn Nhật Tiến thuật lại chuyện ông vẽ bìa báo xuân dịp Tết Quý Sửu 1973 như sau: “Để có thể vẽ trâu được chính xác, cùng tìm ra được những nét độc đáo của trâu, ViVi đã cất công vác máy hình về đồng quê chụp một hơi hai cuốn phim gồm 72 hình toàn lấy trâu làm tài tử chính".

Chỉ vẻn vẹn bốn năm tồn tại, tuần báo Thiếu Nhi tạo một dấu ấn không nhỏ trong lớp độc giả nhỏ tuổi nay đã trên dưới sáu mươi. Ai cũng thừa nhận họ học được rất nhiều điều tốt đẹp từ tuần báo này, để đàng hoàng bước vào đời, trở thành người lương thiện và luôn muốn đóng góp cho đời.

Đó là di sản tinh thần quý báu mà tờ báo và những người thực hiện đã trao truyền từ gần nửa thế kỷ trước.
Bìa và một số trang trong của báo Thiếu nhi số Trung thu năm 1972

Phạm Công Luận
Trích trong sách Sài Gòn - Những biểu tượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét