Tục an táng và thờ cúng cá ông (cá voi) là một tín ngưỡng dân gian có ở hầu như mọi làng chài thuộc duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Khi người dân chài phát hiện được cá voi mắc cạn và mất, tục gọi là ông luỵ bờ thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Chủ ghe hoặc người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang "ông". Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, sau đó cúng 21 ngày, 49 ngày, 3 tháng 10 ngày, giỗ đầu... như cúng đối với cha của mình.
3 đến 5 năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào 6 tháng đầu năm rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Thông thường, ở mỗi vùng hàng năm chỉ có vài ông lụy tấp vào bờ. Do vậy số mộ ông chưa cải táng được chôn ở quanh lăng chỉ khoảng một vài chục. Thế nhưng đặc biệt ở làng chài Phước Hải, số ông lụy nhiều gấp bội. Người dân ở đây lý giải rằng Phước Hải chính là quê hương của Ông, vì vậy trước khi mất các Ông đều tìm đường quay về để được chết trên quê hương. Dân chài Phước Hải tự hào về điều đó và làm mọi điều để chứng tỏ lòng tôn kính của mình đối với Ông.
Cũng vì số Ông lụy về đây quá nhiều nên tổ chức an táng và thờ cúng Ông tại Phước Hải khác hẳn với các nơi khác. Tại các nơi, nơi an táng (nơi chôn xác Ông lụy) và thờ cúng (nơi đặt cốt ông sau khi cải táng) nằm cùng một chỗ. Tại Phước Hải, nơi an táng ông là Ngọc Lăng Nam Hải, còn sau đó khi đã đủ 3 hoặc 5 năm thì Ông được cải táng và mang cốt đi thờ tại Dinh Ông, cách nơi này khoảng 1 km (theo đường chim bay, đi xe khoảng 1,6 km).
Ngọc Lăng Nam Hải là một nghĩa trang rộng khoảng 3.000 met vuông, để an táng cá ông. Tại nơi này thường có khoảng trên trăm ngôi mộ cá ông đang yên vị. Khu nghĩa trang này bao gồm 5 phần: Đền thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân (tức cá Ông), miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá Ông.
Ngọc Lăng Nam Hải là một nghĩa trang rộng khoảng 3.000 met vuông, để an táng cá ông. Tại nơi này thường có khoảng trên trăm ngôi mộ cá ông đang yên vị. Khu nghĩa trang này bao gồm 5 phần: Đền thờ Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân (tức cá Ông), miếu thờ Quan thế âm Bồ Tát, miếu thờ Thổ công, miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá Ông.
Khu vực an táng. Mỗi ngôi mộ đều có mộ bia, ghi tên chung là Nam Hải chi mộ, ngày lụy. Mặt sau bia ghi tên chủ ghe đã phát hiện ra xác ông lụy. Tại thời điểm chụp ảnh này, có khoảng trên dưới 100 ngôi mộ đang an táng tại đây.
Đây là ngôi mộ của Ông lớn nhất còn nằm tại đây. Theo lời kể của người trông nom nghĩa trang, xác Ông nặng đến trên 7 tấn, phải dùng đến xe cẩu để đưa vào đây và... gãy cần cẩu.
Phía trước bàn thờ là tượng 3 cá Ông quay đầu ra biển
Khi tui đến đây thì vừa qua đợt cải táng vài ngày, trong đền vẫn còn dán bản thông báo mời các chủ ghe đến thỉnh cốt ông.
Trước đây Ngọc Lăng Nam Hải nằm ở vị trí khác, được dời về đây và xây dựng hoàn chỉnh từ 1999. Từ ấy đến nay, theo người dân nơi đây thì Ngọc Lăng Nam Hải đã từng an táng cho trên 400 Ông lụy vào bờ, và thường xuyên nơi đây có trên dưới 100 mộ chưa cải táng. Những số liệu ấy đủ để khẳng định đây là nghĩa địa cá voi lớn nhất Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét