Nếu Mạc Thiên Tứ có Hà Tiên thập vịnh thì Trịnh Hoài Đức cũng có Gia Định tam thập cảnh, tả 30 cảnh đẹp của Gia Định. Xin nói rõ rằng ở thời điểm Trịnh Hoài Đức sáng tác 30 bài này Gia Định là Gia Định Thành, chỉ toàn bộ vùng đất Nam bộ. Gia Định thành từ năm 1808 gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên - tức là bao gồm luôn cả Hà Tiên. Cả vùng Nam bộ như vậy thì tuyển chọn và vịnh 30 cảnh đẹp đâu phải là nhiều so với 10 cảnh Hà Tiên, héng?
So với Hà Tiên thập cảnh thì Gia Định tam thập cảnh ít người biết đến hơn và thú thiệt khi tui đọc qua tui cũng... không cảm được. Phần vì thơ làm bằng chữ Hán mà tui thì không biết chữ Hán, phần vì... trình độ thưởng thức thơ ca của tui có hạn. Đáng nói là trong 30 cảnh đẹp khiến Trịnh Hoài Đức rung động ấy có những cảnh rất quen thuộc với chúng ta (vì là ở Gia Định thành mà!), nhưng bây giờ đã thay đổi rất nhiều rồi, khiến chúng ta phải tự hỏi: Ủa, hồi xưa vậy đó hả?
Tui xin trích vài bài tả những khung cảnh quen thuộc cho mọi người đọc chơi nhe (ưu tiên trích dẫn những cảnh gần nhà!).
1.
Liên Chiểu miên âu
Âm âm hạm đạm thuỷ trung tiêu,
Dục bãi sa âu liễm ngọc kiều.
Tầm mộng phù tung y lục cái,
Vong cơ nhàn khách chẩm hương miêu.
Nhạ tha xảo thước thu tang giá,
Nhiệm nhĩ lưu oanh chức liễu điều.
Du nữ thái liên hưu loạn động,
Cựu minh do đãi trục lai triều.
Um tùm bờ nước rợp sen tươi,
Le tắm xong rồi tới nghỉ ngơi.
Lọng biếc bập bềnh chân ruổi mộng,
Cỏ thơm thiêm thiếp giấc quên đời.
Gom dâu để thước tuỳ lòng gã,
Dệt liễu cho oanh mặc ý ngươi.
Cô gái hái sen đừng khuấy động,
Chờ con nước tới sẽ rong chơi.
Bạn có nhận ra cụ Trịnh Hoài Đức tả cảnh ở đâu chưa? Liên Chiểu nghĩa là Đầm Sen, đây chính là tả cảnh Đầm Sen hồi đầu thế kỷ 19, và hình minh họa ở trên là Đầm Sen đầu thế kỷ 21!
Tân Triều đãi độ
Tân Triều đãi độ cô chu hoành,
Nhật lạc vi mang hà thuỷ bình.
Mã túc mạn yêm thiên lý tráng,
Khách tâm lao chú nhất giang thanh.
Hàm hoa mỹ lý trường lưu khứ,
Bô quả từ ô thâm thụ minh.
Thôn điếm quy lai môn thập khấu,
Trúc liêm vân quyển nguyệt song minh.
Bản dịch thơ của Hoài Anh
Nằm ngang thuyền lẻ bến Tân Triều,
Vừa lặn mặt trời sông phẳng phiu.
Chân ngựa dầm mang luồng tráng khí,
Lòng người gửi với nước trong veo.
Ngậm hoa cá chép xuôi dòng lướt,
Mớm quả quạ hiền nép bụi kêu.
Tới quán trong thôn vừa gõ cửa,
Rèm tre mây cuốn, nguyệt vào theo.
Bài này dễ nhận ra hơn, không phải vì tả cảnh xưa giống cảnh nay, mà vì địa danh Tân Triều. Đây chính là cảnh Tân Triều, giờ thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Hình minh họa là Làng bưởi Tân Triều đầu thế kỷ 21!
3.
Quy Dữ vãn hà
Quy Dữ thanh u hoạ bất năng,
Hà quang vãn bố uất đằng đằng.
Bán sơn hoành khải thiên hoa động,
Cách ngạn tà phi ngũ sắc lăng.
Tuý bả ngọc bôi đồng thác lạc,
Nhàn thiêu kim áp cộng huân chưng.
Bàng hoàng thiên tế tường cô vụ,
Lâu hạm xuy tiêu hữu khách bằng.
Bản dịch thơ của Hoài Anh
Quy Dữ thanh u vẽ nổi đâu,
Ráng chiều rừng rực toả trên đầu.
Nửa non ngang mở hang hoa thắm,
Cách nước nghiêng bay lụa mấy màu.
Chén ngọc say nâng xen kẽ ánh,
Vịt vàng quay chín nấu chung nhau.
Bên trời cò lẻ bay man mác,
Thổi sáo kia ai đứng tựa lầu.
Bài này tả cảnh Cù lao Rùa, trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa nhưng nay là xã Thạnh Hội thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Hình minh họa là cù lao Rùa (cù lao Thạnh Hội) đầu thế kỷ 21.
4.
Chiêu Thái tình yên
Phước Long duy thị thử sơn cao,
Nhật xuất tình yên hoạt tự cao.
Phạt mộc tiều mê tầm kính túc,
Đái vân hạc thấp biệt chi mao.
Lạc hoa vụ tán điền thu đậu,
Hương truật liêm huyền quán mãi giao.
Ly tự tuỳ đồng phi vị khải,
Giai tiền hiến quả quỵ thanh nao.
Bản dịch thơ của Hoài Anh
Phước Long duy núi này cao,
Hừng đông, mù khói tựa dầu mỡ trơn.
Lạc đường tiều kiếm lối mòn,
Chở mây cánh ướt hạc sờn chiếc lông.
Móc tan, hái đậu trên đồng,
Lúa thơm, quán bán rượu nồng màn treo.
Theo đồng tới chùa chân đèo,
Trước thềm dâng quả cheo leo vượn quỳ.
Chiêu Thái là một tên gọi khác của núi Châu Thới. Trước đây núi thuộc địa phận tỉnh Biên Hòa, nay thuộc TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tuy vậy từ nhà tui (ở Biên Hòa) tới đây chỉ chừng 5, 6 km trong khi từ Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới đây phải hơn 20 km. Hình minh họa là chân núi Châu Thới, đầu thế kỷ 21.
5.
Lộc động tiều ca
Phong phi tiều phát bạch bà bà,
Lộc động sơn trung suất tính ca.
Dã điệu thanh tòng khảm thụ chấn,
Thôn xoang vận dữ lưu tyền hoà.
Vân phi hữu ý liên cửu,
Hạc thị tri âm quyến luyến đa.
Nhật mộ quy lai lão phụ vấn,
Vi ngôn tằng kiến Tấn đồng đà.
Bản dịch thơ của Hoài Anh
Gió đùa mái tóc trắng phau phau,
Tiều hát hồn nhiên trong núi sâu.
Điệu mộc tiếng theo cây đẵn gục,
Lời quê vần hoạ suối tuôn mau.
Mây không có ý lưu liên mãi,
Hạc ấy tri âm quyến luyến nhiều.
Chiều tối trở về bà lão hỏi,
Đà đồng đời Tấn dấu lần theo.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét