Cái nồi ngồi trên cái cốc - đó là câu chuyện cười cợt các chú bộ đội từ ngoài Bắc vô "giải phóng" miền Nam năm 1975, khi nhìn cái phin cà phê đặt trên cái ly. Mọi người khẳng định đây là chuyện có thiệt, và tui cũng tin chắc đây là chuyện có thiệt 100%, giống như chuyện mấy ảnh khoe ngoài Bắc giàu có lắm, ti vi tủ lạnh chạy đầy đường, kem nhiều tới mức phơi khô để dành ăn cả tháng...
Gác qua một bên câu chuyện ngờ nghệch của các chiến sĩ vẻ vang bên thắng cuộc, câu hỏi tui tự đặt ra trong chuyện này là: Rõ ràng là dân ngoài đó không biết tới cà phê phin, nhưng như vậy họ pha cà phê bằng gì? Ngoài Bắc có pha cà phê bằng vợt không?
Quán cà phê ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Lê Hồng Phong, Hà Nội năm 2014. Thời điểm này cái ở trên bàn không còn được gọi là cái nồi ngồi trên cái cốc nữa.
Vài năm sau đó, tui có dịp ra Hà Nội (khoảng đầu những năm 1980) và có trải nghiệm đáng chán. Đó là ghiền cà phê mà đi tìm hoài, tìm hoài không thấy bóng dáng một quán cà phê nào hết! Chỉ có chè!
Tui kết luận rằng miền Bắc không uống cà phê, mà đã không uống cà phê rồi thì làm gì có chuyện pha phin hay pha vợt!
Nhiều năm sau nữa, thói quen uống cà phê ở trong Nam đã trở nên phổ biến ngoài Bắc. Bấy giờ thì 100% cà phê pha bằng phin, hoặc sau này hiện đại hơn thì pha máy. Không hề có chuyện cà phê pha vợt!
Bên cạnh những chuyện mắt thấy như vậy, tui tìm hiểu thêm và biết rằng người Hà Nội uống cà phê từ rất lâu rồi, từ thời Pháp thuộc. Thì phải rồi, món cà phê do người Pháp đem qua Việt Nam mà. Ở đâu có người Pháp tất phải có cà phê để phục vụ cho nhu cầu của họ. Rồi thói quen ấy lan sang người Việt. 5 quán cà phê xưa nhất Hà Nội và bây giờ vẫn còn tồn tại được khai sinh ra từ thập niên 1940, 1950 của thế kỷ trước. Trong các quán này, tui đã có dịp đến quán Giảng và Lâm. Cà phê Giảng do cụ Nguyễn văn Giảng mở ra từ 1946, cụ là nhân viên pha chế của khách sạn Metropole (Pháp).
Tới đây tui lại quay về với câu hỏi cũ. Có thể sở thích uống cà phê ờ ngoài Bắc không lan rộng ra giới bình dân nhiều như trong Nam, nhưng đã có cà phê cho người Pháp, đã có những quán cà phê quý tộc cho người Việt thì ắt cũng phải có những quán cà phê bình dân chớ. Những quán cà phê đó pha cà phê bằng gì? Phin hay vợt?
Tóm lại câu hỏi vẫn là: Ngoài Bắc đã từng có cà phê vợt hay không? Tui không biết câu trả lời. Rất mong các anh chị, bạn bè sống ngoài ấy trả lời giùm thắc mắc này.
Miền Nam cà phê vợt có từ khi nào?
Câu hỏi này tui cũng không biết trả lời luôn. Tui chỉ biết chắc chắn một điều là cà phê vợt có ở miền Nam từ rất lâu, lâu lắm và rất phổ biến.
Một số bài viết lý giải rằng khi có người Pháp ở Việt Nam thì có cà phê, khi có cà phê thì có những quán cà phê, và thay vì pha cà phê bằng phin như người Pháp thì ở các quán nước người Hoa người ta pha bằng vợt để được nhanh và nhiều hơn.
Lập luận này nghe có lý, nhưng tui muốn bổ sung thêm: có thể người Hoa là những người đầu tiên phát minh ra cà phê vợt, nhưng không chỉ quán nước người Hoa mà quán cafe người Việt cũng pha bằng vợt, và cả ở gia đình nữa.
Điển hình cho pha cà phê vợt ở gia đình là nhà tui. Tui sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, xứ sở cà phê. Nhà nội tui từng có rẫy cà phê. Sau này rẫy bị ủi để xây dựng trại gia binh cho quân đội VNCH (giống như bây giờ giải tỏa - đền bù vậy á) nhưng còn nhiều người quen vẫn cho cà phê hột. Nhà tui vẫn rang, xay cà phê và pha cà phê uống.
Như nhiều người dân Long Khánh, ba tui ghiền cà phê. Mỗi sáng má tui pha sẵn một ấm cà phê để ba tui uống lai rai từ sáng tới chiều như người ta uống nước giải khát (hay là như người ta nhậu rượu?). Ấm cà phê để trên đầu tủ garde-manger. Mấy anh em tui cũng tranh thủ xí phần. Chơi giỡn ở nhà, lâu lâu lại chạy ra sau bếp lén lấy ấm cà phê pha sẵn, đưa vòi ấm lên miệng tu một hơi. Má biết, không khuyến khích nhưng cũng không cấm. Vì tụi nó chỉ uống cà phê chớ có phải uống rượu hay thứ gì độc địa đâu mà!
Tất cả những ấm cà phê ấy đều pha bằng vợt. Một vợt cà phê đủ cho mấy cha con uống cả ngày.
Lúc đó ngoài quán cũng có cà phê phin, nhưng phần nhiều quán cà phê bình dân vẫn pha cà phê vợt. Cho đến 1975 và cả sau đó, ở quán và ở nhà tui cà phê vợt vẫn tồn tại.
Bẵng đi một thời gian, không biết cà phê vợt biến mất từ lúc nào. Bây giờ ở Biên Hòa, Sài Gòn cà phê vợt là của quý hiếm. Long Khánh còn quán cà phê vợt nào không thì tui không biết.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét