Sài Gòn cũng có hồ, danh xưng là hồ Con Rùa luôn.
Bây giờ chỗ ấy mang tên chính thức là Công trường Quốc tế, nhưng mọi người vẫn quen gọi là hồ Con Rùa.
Nơi đó có nhiều quán cafe, và có cái view khá đẹp. Ngày nọ, tôi ngồi nơi ấy uống cafe và hẹn một người quen từ Hà Nội mới vào rằng: Tôi đang uống cafe ở hồ con Rùa, bạn đến nhé! Điều gì sẽ xảy ra?
Anh chàng ấy chạy vòng vòng, trong đầu mường tượng rằng nơi mình sắp đến là một cái hồ to cỡ... hồ Gươm, hoặc ít ra cũng một tám một mười.
Ha ha, tưởng tượng như thế thì đi nát Sài Gòn cũng chẳng tìm thấy cái hồ nào cả!
Đến khi gặp rồi mới chưng hửng vì hồ chỉ là một cái đài phun nước!
Hồ Con Rùa - năm 2011
Thôi thì cũng chấp nhận vậy đi, dù lớn dù bé thì cứ có nước ta gọi là hồ. Nhưng... con rùa đâu?
Không có con rùa nào cả!
Vị trí xây dựng Hồ Con Rùa ngày nay xưa là tháp nước, rồi là tượng đài Chiến sĩ trận vong của Pháp. Khi Pháp rút, chính quyền VNCH đặt tên cho nơi này là Công trường Chiến sĩ. Sau đó cho xây dựng bùng binh Hồ Con Rùa khoảng năm 1965 - 1967.
Từ 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa được trùng tu, bao gồm việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bê tông cao có dạng như một bông hoa nhiều cánh, trên đỉnh là 1 hình tròn to tượng trưng cho đồng xu được hứng bởi những cánh hoa đó, hình ảnh này biểu tượng cho bàn tay xoè ra đón nhận viện trợ. Con rùa được làm bằng lá đồng mỏng, ốp trên khung sườn bằng thép góc và thép lá. Bia trên lưng rùa một mặt thì khắc câu tri ân các quốc gia đã viện trợ, một mặt khắc tên tất cả các quốc gia này. Đây gọi là Đài Kỷ niệm Viện trợ Quốc tế.
Công trình còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài kỷ niệm. Toàn bộ công trình được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, rồi đến năm 1972 được đổi tên thành Công trường Quốc tế. Người dân thì gọi là Hồ Con Rùa vì ở đó có... nước và có con rùa!
Nghe đồn rằng hồi ấy tổng thống Thiệu nghe lời thầy phong thủy Tàu phán rằng: Dinh Độc lập là đầu rồng thì ngon rồi, còn cái đuôi con rồng nó nằm ở vị trí hồ con rùa. Con rồng này chắc là rồng cái nên nó quậy lung tung lắm, vì vậy cần làm cái gì đó để ếm cho nó nằm yên. Thế là các kiến trúc sư thiết kế ra cái đài nói trên, có tượng con rùa bằng đồng nằm chình ình lên cái đuôi rồng, còn cái đài nước như là thanh gươm ghim chặt đuôi rồng xuống. Hết cục cựa luôn!
Sau 1975, có 1 vụ nổ xảy ra (được kể trong chuyện Vụ án Hồ con rùa), con rùa banh xác. Từ đó nơi đây không còn con rùa nữa. Thế nhưng người dân vẫn cứ gọi đây là Hồ Con Rùa
Tôi thường xuyên uống cafe ở Hồ Con Rùa, nhưng cũng là dân xứ lạ đến đây sau 1975 nên nhìn hoài mà không thấy dấu tích rùa nơi đâu cả.
Thấy báo chí nhắc nhiều đến cụ rùa hồ Gươm mà lòng bâng khuâng tưởng nhớ rùa Sài Gòn. Search trên mạng thì tìm thấy nhiều hình Hồ Con Rùa trước năm 1975, nhưng cũng chỉ thấy hình đài nước, còn rùa ơi rùa ở nơi đâu?
Hồ Con Rùa trước 1975 - chỉ thấy đài nước. Rùa đâu?
May quá, hôm nay đã tìm thấy ảnh cụ Rùa Sài Gòn!
Đây là hình tấm bia trên lưng rùa ở Hồ Con Rùa trước năm 1975.
Cận cảnh con rùa với tấm bia trên đó có ghi tên các nước viện trợ cho Việt Nam Công Hòa, xếp theo thứ tự ABC
Vậy là hồ Con Rùa ở Sài Gòn cũng có cụ Rùa đấy nhé! Thỏa mãn, thỏa mãn!
Phạm Hoài Nhân
Hay quá anh Hai, hồi nào giờ em đi SG cũng nhiều lần, rồi cũng mấy lần ngồi nghỉ chân ở đây nhưng cũng ko thấy rùa đâu, giờ thì biết cụ rùa ở đâu rồi. Cám ơn anh Hai nhiều nghe :)
Trả lờiXóaCám ơn anh, ngày còn đi học, đám học trò tui em hay ra hồ con rùa ăn kem, bò bía tán dóc, chạy lăng xăng khắp các góc của khu này...
Trả lờiXóa