9 thg 7, 2014

Ai là tác giả phù điêu chợ Bến Thành?

Chợ Bến Thành với hình dáng cơ bản giống như hiện nay được khánh thành ngày 28/03/1914, đến nay là vừa tròn 100 năm. Trăm năm qua, hình ảnh ngôi chợ Bến Thành luôn luôn được xem là một biểu tượng của Sài Gòn. 


Hình ảnh này đã quá quen thuộc không chỉ với người Sài Gòn mà còn với cả nước. Thế thì bạn có quen thuộc với hình ảnh những phù điêu trang trí chợ Bến Thành không nhỉ? Những phù điêu hình sản vật bán ở chợ như cá, bò, vịt, chuối... Bạn nhìn kỹ tí nhé:




Ai là tác giả những bức phù điêu này vậy nhỉ?

Xin thưa ngay: đó là điêu khắc gia Lê văn Mậu, nguyên hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Biên Hòa (tức trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai hiện nay).

Một bạn trẻ cựu sinh viên trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai là Nguyễn Minh Anh đã cất công tìm đến 2 người thợ đã từng gắn những phù điêu đó lên chợ Bến Thành để tìm hiểu rõ hơn. Hai người thợ đó là Nguyễn Trí Dạng (hiện ở phường Thống Nhất, Biên Hòa) và Võ Ngọc Hảo (hiện ở Cù lao Phố, Biên Hòa).

Nguyễn Trí Dạng (trái) và Võ Ngọc Hảo, hai nghệ nhân đã trực tiếp gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành

Những nội dung sau đây ghi theo lời kể của 2 ông (Nguyễn Minh Anh ghi lại):

Những bức phù điêu này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm. Thầy Lê Văn Mậu sáng tác trực tiếp lên đất, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những người nghệ nhân. Để tránh sự vênh méo ở những sản phẩm có độ nung cao như gốm Biên Hòa, chúng được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để mang đi chấm men, đi nung. Lò đốt bằng củi thỉnh thoảng gây “hỏa biến” ở những đồ gốm, đặc biệt có ở những bức phù điêu chợ Bến Thành những màu men trắng ta, trắng ngà ngà vàng mỡ gà rất đẹp, rất hiếm gặp. Do những miếng nhỏ của những bức phù điêu được đặt ở nhiệt độ không đều nhau, tuy trong cùng một lò nung, nên khi ra lò nó có miếng màu nhạt, màu đậm. 

Phù điêu hình bò và heo (cửa Đông)

Phù điêu hình bò và vịt (cửa Đông)

Những mẫu gốm của phù điêu chợ Bến Thành được mang từ trường trong (ngày nay là địa điểm trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai) ra sắp ở trường ngoài (ngày nay là địa điểm trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai), bởi lò nung gốm được đặt ở trường trong. Thầy Lê Văn Mậu xem lại tấm nào bị vênh thì cho đục sau lưng cho mỏng lại để bằng. Xong xuôi đâu đó mới xếp vào thùng chuyển lên Sài Gòn. 

Ở chợ Bến Thành, nhà thầu xây dựng chừa lại những mảng tường để gắn phù điêu. Họ cũng làm sẵn những giàn giáo, công nhân trộn vữa sẵn để nghệ nhân chỉ tập trung gắn. Ông Phạm Văn Ngà, người thợ cả chỉ đạo cho hai người thợ trẻ, ông Dạng và Hảo. Ông Ngà về trước, để lại những tấm phù điêu đó cho hai người thợ trẻ tiếp tục công việc. Khi những bức phù điêu đã tương đối hoàn tất thì người thợ cả Ba Ngà xuống xem, chỉnh sửa lại.

Theo trí nhớ của hai nghệ nhân gốm, thì thời gian hoàn thành 12 bức phù điêu cho bốn cửa của chợ Bến Thành khoảng hai tháng trở lại 

Phù điêu hình cá đuối và nải chuối (cửa Tây)

Phù điêu hình bò và cá (cửa Nam)

Phù điêu hình vịt (cửa Bắc)

Thầy Lê văn Mậu, nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai là một nghệ nhân tài năng và một nhà giáo tận tâm. Câu chuyện về ông và ngôi trường này ta sẽ dành cho những bài viết khác.

Đoàn Trường Mỹ nghệ Biên Hòa tham dự khóa hội thảo về giáo dục năm 1965 tại Sài Gòn (Lê văn Mậu đầu tiên, bên trái)

Hiện giờ có nhiều cựu học sinh trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, mỗi khi đi ngang chợ Bến Thành, nhớ rằng trường của mình đã góp chút sáng tạo mỹ thuật cho ngôi chợ này chắc trong lòng cũng thấy vui vui...

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. ui chời ơi, anh mà ko viết nài này chắc sẽ ko có thêm thông tin cho những bức phù điêu này đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có các bạn cựu sinh viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa đi sưu tầm về lịch sử trường mình chứ Bố Susu! :-)

      Xóa