1 thg 10, 2014

Có một người vợ Biên Hòa như thế!

Ông Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) là một vị quan thanh liêm và là một nhà thơ nổi tiếng. Ông sinh quán ở Bình Thủy, Cần Thơ và mất cũng ở nơi ấy nên tại Bình Thủy hiện nay có khu di tích tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa gồm đền thờ, nhà trưng bày, nhà khách, nhà bia tưởng niệm, khu mộ... Điều đáng nói là nơi tôn thờ Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ ấy lại có dáng hình của một người phụ nữ Biên Hòa. Đó là phu nhân của ông: bà Nguyễn thị Tồn.

Sân trước khu di tích Bùi Hữu Nghĩa với nhà bia và đền thờ. Ảnh: Lâm văn Sơn.

Bình phong trước hai ngôi mộ của Bùi Hữu Nghĩa và phu nhân. Ảnh: Lâm văn Sơn

Bùi Hữu Nghĩa đậu thủ khoa trong kỳ thi Hương năm 1835 (nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa), và được bổ làm tri huyện Phước Long (tức Biên Hòa ngày nay). Lúc này, Bùi Hữu Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tồn nên duyên vợ chồng. Bà Tồn người làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng (nay là phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa)

Bùi Hữu Nghĩa còn là một nhà thơ của vùng đất phương Nam từng được truyền tụng trong câu ca:

Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Nghĩa phú, Sang đàn, Nghĩa thi

Khi Bùi Hữu Nghĩa làm quan tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), vì cương trực bị quan trên ghen ghét. Nhân sự kiện dân chúng nổi dậy tranh chấp rạch Láng Thé, bọn quan trên ghép tội Bùi Hữu Nghĩa xúi giục, bắt giam rồi giải ông về Gia Định chờ xử tử. (Y chang như thời nay, dân bị bọn cường quyền chiếm đất biểu tình chống đối, ông Bùi Hữu Nghĩa đã chẳng nghe theo bọn cường quyền thì thôi, lại còn binh vực dân nghèo, nên bị buộc là kẻ xấu xúi giục!)

Bà Nguyễn thị Tồn lúc này ở Trà Vinh, thảng thốt khi nghe tin chồng mình vì liêm chính mà phải hàm oan, chịu tội chết. Một mình, thân gái dặm trường bà đón ghe từ Trà Vinh lên Mỹ Tho, rồi từ đó đón ghe bầu lênh đênh trên biển ra đến tận triều đình Huế kêu oan cho chồng.

Miền Nam có thành ngữ Ông già Ba Tri để chỉ mấy ông già gân, hổng ngán gì hết. Đó là do tích ông Thái Hữu Kiểm từ Ba Tri thuộc Bến Tre đã từ đó lặn lội ra tuốt ngoài Huế để khiếu nại với vua Minh Mạng về vụ tranh chấp luồng lạch. So ông già Ba Tri với bà vợ Biên Hòa thì bà Nguyễn thị Tồn không thua kém gì, nếu không muốn nói là có phần hơn. Vì từ Ba Tri ra Huế hay từ Trà Vinh ra Huế cũng đều xa xôi và gian nan như nhau (theo bản đồ ngày nay là hành trình hơn 1.000 km), mà bà Tồn lại là phận nữ nhi... 

Tại kinh thành Huế, bà Nguyễn thị Tồn gặp được Thượng thư Bộ Lại Phan Thanh Giản để bày tỏ nỗi oan của chồng và được giúp đỡ. Vị minh quan viết tờ trạng và chỉ vẻ cho bà cách trình tấu nơi công đường.

Canh năm, bà Nguyễn Thị Tồn tới Tam pháp ty mạnh dạn đánh ba hồi trống làm kinh động nơi Tam cung lục viện. Vua Tự Đức cho đòi người đánh trống vào chầu. Trước mặt vua và quan triều đình, bà biện bạch nỗi oan khiên của chồng đang gánh chịu. Vua Tự Đức nghe xong, giao cho Bộ Hình xem xét. Sau khi thẩm định minh bạch, nhà vua chung thẩm bản án:”tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tội tử hình nhưng phải quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội”. Bùi Hữu Nghĩa phải tuân mệnh làm lính trấn đồn Vĩnh Thông, thuộc Châu Đốc – An Giang (túm lại là chỉ tha tội chết cho ông thôi, chớ vua vẫn binh vực bọn cường hào, chắc vua có... ăn hối lộ của bọn chúng rồi!)

Tranh mô tả cảnh phu nhân Nguyễn Thị Tồn đánh trống kêu oan cho chồng tại triều đình Huế. 

Bà Nguyễn Thị Tồn được vua Tự Đức ban võng điều có có bốn lọng, nơi đầu võng có gông nhỏ sơn son, ngầm ý khen bà là người trung trinh, gan dạ song cũng thầm trách bà đã làm kinh động đế đô, khiến trẫm một phen hết hồn!

Hoàng thái hậu Từ Dũ nghe tin, cho vời bà vào để biết mặt một người phụ nữ dân dã từ xứ Đồng Nai không từ nan vạn dặm lặn lội đến chốn kinh thành minh oan cho chồng, khen gương tiết nghĩa, đáng mặt nữ lưu. 

Khi Bùi Hữu Nghĩa còn ở Châu Đốc thì tại Biên Hoà, bà Tồn lâm trọng bệnh qua đời. Xa xôi cách trở, ông không về lo đám tang được cho vợ. Những mất mát chốn quan trường không làm Bùi Hữu Nghĩa than vãn nhưng sự ra đi của người vợ hiền làm ông đau đớn tột cùng. Ông đã viết bài văn tế cho vợ với nỗi niềm sâu sắc, cảm động: Hai câu đối tưởng nhớ vợ của ông còn được ghi lại:

Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ

Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu.

Dịch nghĩa:

Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ. 

Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng

Con đường chính ở phường Bửu Hòa, Biên Hòa hiện nay là đường Bùi Hữu Nghĩa, giao cắt với đường Bùi Hữu Nghĩa có con đường mang tên Nguyễn thị Tồn để tưởng nhớ bà.

Tôi nghĩ nếu thành ngữ có câu Ông già Ba Tri để chỉ những ông già gân, quyết đấu tranh cho chánh nghĩa thì cũng nên có câu thành ngữ Bà vợ Biên Hòa để chỉ những người vợ hết lòng vì chồng, không quản ngại gian nan! 

Nếu các bạn có dịp đến Cần Thơ thăm khu di tích tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa, khi cúi đầu kính vọng vong linh ông thì xin nhớ đến một người phụ nữ Biên Hòa hết lòng vì chồng nhé!

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét: