Ở Bangkok, Thái lan, ngay trong lòng thành phố, có một ngôi chùa mang tên chùa Wat Pho, trong chùa có một gian phòng đồ sộ, trong đó có một tượng Phật nằm dài 45 met, cao 10 met. Đây là một điểm tham quan mà hầu như không du khách nào đến Thái lan có thể bỏ qua, nhất là theo lời của hướng dẫn viên du lịch đây là tượng Phật nằm dài nhất Đông Nam Á.
Tượng Phật nằm Wat Pho. Ảnh: bangkok.com
Ở Bình Thuận, cách tỉnh lỵ khoảng 30 km về hướng Nam, có một ngọn núi tên là núi Tà Cú, cao khoảng 649 met. Trên đỉnh núi, ở độ cao 563 met, có một ngôi chùa tên Linh Sơn Trường Thọ, và có một tượng Phật Thích ca nhập Niết bàn dài 49 met, cao 7 met. Tượng Phật khổng lồ nằm hùng vĩ thâm nghiêm trên đỉnh núi cao, giữa bốn bề là núi non trùng điệp, và xa xa là biển cả bát ngát mênh mông.
Tượng Phật núi Tà Cú. Ảnh: Wikipedia
Xét về tầm cỡ, hai pho tượng này ngang nhau, và nếu xét kỷ lục thì tượng Phật nằm dài nhất Đông Nam Á phải là tượng Phật ở Tà Cú (dài 49 met, trong khi tượng Phật Wat Pho chỉ dài 45 met). Xét về vẻ hoành tráng, một tượng Phật trên đỉnh núi cao vẫn mang tính thâm nghiêm hùng vĩ hơn một tượng Phật nằm trong phòng. Xét về tín ngưỡng, một tượng Phật tại Việt Nam vẫn gần gũi tâm linh hơn một tượng Phật tại Thái Lan.
Thế nhưng, mặc dù không có số liệu thống kê chính xác, tui vẫn tin chắc rằng số người Việt Nam đã từng đến thăm tượng Phật nằm Wat Pho đông hơn nhiều so với số người đến tham quan tượng Phật nằm trên đỉnh Tà Cú cheo leo!
Nếu bạn được chọn một trong hai điểm nêu trên để tham quan, bạn sẽ đi thăm Bụt chùa nào?
Tui nghĩ đa số bạn sẽ chọn… đi Thái Lan, vì Bụt chùa nhà không thiêng!
Thật là thú vị và hãnh diện khi khoe với bạn bè rằng tôi đã đi thăm tượng Phật vĩ đại ở nước ngoài, ở Bangkok, Thái Lan! Còn nếu khoe rằng đã leo lên núi Tà Cú để chiêm ngưỡng tượng Phật, người ta sẽ hỏi lại: Tà Cú là cái gì? Ở đâu vậy ông? thì thiệt là… cụt hứng.
Bụt chùa nhà thiêng không?
Mấy năm trước, lên núi Tà Cú chỉ có con đường leo bộ. Muốn chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ thâm nghiêm này, khách hành hương - du lịch phải đi qua 2,4 km đường dốc cheo leo khúc khuỷu.
Du lịch leo núi cũng có cái thú đi giữa hương rừng, nhưng quả thật con đường rất gian nan, có những chỗ dốc 45 độ, và hầu hết là dựa vào thế đá mà leo, chứ không hề có bậc thang đàng hoàng.
Đường lên núi như thế này đây, phải chống gậy mà leo
Đi được vài bước lại phải nằm phè ra mà thở!
Hic, so với đi thăm chùa Wat Pho ở Thái Lan đi bằng máy bay, viếng chùa bằng xe hơi đời mới, có người phục vu từng li từng tí thì đi chùa núi Tà Cú hình như... hơi bị mệt. Hỏi Bụt chùa nhà thiêng không? thiệt khó trả lời quá.
Lên được chùa, nghe tiếng lá reo hiền hòa, thò tay vốc một ngụm nước nguồn mát lạnh khỏa lên mặt tự dưng thấy lòng thanh thoát lạ thường. Ngắm xa xa kia là mũi Kê Gà, núi - biển - trời cùng hòa với nhau trong tiếng chuông chùa ngân vọng...
Đến bên kim thân Đức Phật, thấy mình nhỏ bé giữa cõi núi non, trời biển, nhỏ bé trước Đức Phật. Hỏi Bụt chùa nhà thiêng không? hình như đã có câu trả lời.
Bụt chùa nhà vẫn thiêng!
Trên đường xuống núi, đường xuống cũng gian nan không kém đường lên vì quá dốc, đá lô nhô, phải luôn dùng mũi giày kìm người lại để tránh bổ nhào xuống dưới. Ô kìa, có những người vẫn đang lên núi. Đó là những bà cụ già trên 70 tuổi. Các cụ vừa đi vừa lâm râm tụng niệm. Hỏi: Cụ ơi, cụ lên có nổi không? Trả lời: Mình có lòng thành đến với Phật thì có chi mà không được hở con?
Bây giờ, Tà Cú đã là một khu du lịch sinh thái, lên núi đã có cáp treo, khỏi phải leo núi mệt nhọc nữa. Thế nhưng đi cáp treo lên đến chùa rồi tự dưng thấy thiếu thiếu điều gì đó.
Kìa, vẫn còn những người đi bộ lên núi,lại là những cụ già. Gương mặt rạng rỡ, nụ cười móm mém: Lên chùa lễ Phật thì phải đi bộ để tỏ lòng thành con ạ!
Ồ, tôi biết rồi, Bụt chùa nhà vẫn thiêng lắm chứ!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét