Trong ảnh là cầu Gành, chiếc cầu sắt cũ kỹ bắc ngang sông Đồng Nai, nối liền cù lao Phố và Bửu Hòa. Ở đầu cầu phía bên kia, tả ngạn sông Đồng Nai là đền thờ thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh - xây đã hơn 3 trăm năm. Ở đầu cầu phía bên này, hữu ngạn sông Đồng Nai là đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương - xây đã hơn trăm năm. Trớ trêu thay, chiếc cầu nối 2 đền thờ của 2 bậc danh nhân Việt Nam lại là sản phẩm thiết kế bởi một danh nhân Pháp: kiến trúc sư Gustave Eiffel! Chiếc cầu này cũng đã hơn trăm năm tuổi.
Nguyễn Tri Phương là đại danh thần triều Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân(1800) tại Phong Điền, Thừa Thiên, tuẫn tiết ngày 20 tháng 12 năm Quý Dậu (1873) khi thất thủ thành Hà Nội.
Nơi sinh, nơi mất của ông đều không phải ở Đồng Nai. Thế nhưng ở Biên Hòa, Đồng Nai có ngôi đền thờ ông rất trang trọng. Đi trên cầu Gành từ hướng Biên Hòa về Sài Gòn, nhìn xuống bờ sông ta thấy ngôi đền thấp thoáng sau những lùm cây xanh, bên cạnh sông nước hữu tình. Cảnh trí rất đẹp.
Khoảng năm 1850, Nguyễn Tri Phương là Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
Tháng 2 -1861, khi Gia Định thất thủ, đại bộ phận quân ta rút về lập tuyến phòng ngự ở Biên Hoà. Tương truyền khi Nguyễn Tri Phương rút quân về Biên Hoà, công việc phòng thủ đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Nhân dân Biên Hoà thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa, khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho đến cùng.
Người xưa kể rằng: Trước, đây là ngôi đình làng Mỹ Khánh. Năm 1873, khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, một vị bô lão nằm mộng thấy Đức ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng (người tạc tượng không hề là thợ điêu khắc!). Tượng thờ ông còn đến bây giờ, và ngôi đình Mỹ Khánh cũng trở thành đền thờ Nguyễn Tri Phương từ thuở ấy. Dân làng tôn ông thành bậc phúc thần. Đền thờ ông được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.
Tượng thờ Nguyễn Tri Phương
Cây đa búp đỏ trong khuôn viên đền thờ Nguyễn Tri Phương
Bên cạnh đền thờ Nguyễn Tri Phương là bến sông. Bước ra bến sông ngắm lục bình trôi miên man, bên trái là chiếc cầu sắt trăm năm còn ghi tên Eiffel, xa bên kia bờ là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (bên trái) và ngôi Thất phủ cổ miếu của người Hoa đều đã trên 3 trăm năm.
Cánh chim tung trời về đất phương Nam
Người xưa lưu dấu in hình thuở
mang gươm
Bao la tình đời.
Màu lục bình trôi.
Hoàng hôn tím ven sông,
tiếng hò khoan còn tỏa đôi bờ
Chỉ có lục bình trôi, không có từng chang đước đong đưa, nhưng vẫn da diết nhớ người xưa từng ở nơi này...
Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này
Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét