19 thg 3, 2014

Đồ Bàn miền Trung đường về đây

Chăm Pa là tên gọi chung các vương quốc Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và Thuận Thành, theo từng thời kỳ lịch sử. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim quốc gia này độc lập từ năm 192 và kết thúc năm 1832. Tuy vậy, có thể coi năm 1472, khi Lê Thánh Tôn bình Chiêm thì Chiêm Thành đã không còn nữa, Thuận Thành chỉ còn là 1 phiên thuộc của Việt Nam từ đó mà thôi.

Lãnh thổ Chăm Pa bao gồm miền Trung và Nam Trung bộ Việt Nam, như bản đồ sau đây:



Thủ phủ Chăm Pa thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, gồm 5 vùng: Indrapura (huyện Thăng Bình - Quảng Nam), Amaravati (Đà Nẵng), Vijaya (Quy Nhơn - Bình Định), Kauthara (Nha Trang - Khánh Hòa) và Panduranga (Phan Rang). Trong đó Vijaya (Bình Định) là kinh đô chính thức cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành, với thành Đồ Bàn đã đi vào sử sách và thơ ca, âm nhạc...

Các bạn hãy xem thử tên các vị vua Chăm Pa từ thời lập quốc nhé:

Triều đại thứ nhất
192 - ? Sri Mara (Khu Liên)
220 – 230 Phạm Hùng
? – 336 Phạm Duật



Triều đại thứ hai
Khoảng 336 – 349 Phạm Văn
Khoảng 349- 377? Phạm Phật
Khoảng 399 – 413 Phạm Hồ Đạt
Bhadravarman (Phạm Tu Đạt)
Gangajai (Địch Châu)


Triều đại thứ ba
Khoảng 420 Phạm Dương Mại thứ nhất
431 – 446 Phạm Dương Mại thứ hai
Khoảng 455? – 472? Phạm Thần Thành
Khoảng 484? - 491? Phạm Đang Căng Thuần
Khoảng 492? – 498 Phạm Chư Nông
Khoảng 502 - ? Phạm Văn Tẩn
Khoảng 510 – 514 Detavarman (Phạm Thiên Khởi)
Khoảng 526 – 527 Vikrantavarman (Bật Tồi Bật Ma - Cao Thức)


Triều đại thứ tư: thời kỳ quá độ giữa Lâm Ấp và Vương quốc Chăm Pa
529 – 572 Rudravarman
Khoảng 605? – 629 Cambhuvarman (Phạm Phan Chí)
Khoảng 640? – 645 Kandharpadjarma (Phạm Đầu Lê)....

Bạn thấy gì? Hầu hết các vị vua Chăm Pa đều họ Phạm!

Một số sử gia cho rằng chữ Phạm này có thể không phải là họ - mà là một tước vị của dòng dõi hoàng tộc (tương tự như Sir trong tiếng Anh, hay Don trong tiếng Tây Ban Nha).

Cho dù là giả thuyết nào đi nữa (họ hay không phải họ) thì có xác suất rất cao là những người họ Phạm ở miền Trung, đặc biệt là ở Bình Định (tức Vijaya, thủ phủ cuối cùng của Chiêm Thành) chính là hậu duệ của vua Chăm Pa, hoặc chí ít thì cũng là người có gốc Chăm Pa.



Tư liệu dòng họ Phạm nói rằng thủy tổ họ Phạm tại Việt Nam là danh tướng Phạm Tu thời Lý Nam Đế. Có thể thêm một nguồn gốc nữa rằng họ Phạm ở miền Trung chính là người Chămpa chăng?

Một trong những người đó là... tui đó các bạn. Tui họ Phạm, gốc ở Bình Định. Hậu duệ của những ông vua của một vương quốc đã diệt vong. Hic, người xưa đâu?... Người xưa đâu?

Người xưa đâu? Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào.
Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu

Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo, hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm. Tháng, năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.

(Các bạn đọc xong có tin hay không thì tùy. Còn tui, tuy viết như vậy chớ tui đâu biết trúng hay trật đâu!)


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Anh nhìn hơi giống người Chăm đấy. Biết đâu ^^
    Em cũng họ Phạm, mà là Bắc 54. Nhận ông Phạm Tu làm thủy tổ.

    Trả lờiXóa