6 thg 3, 2014

Lang thang tới rừng tràm Gáo Giồng

Rào đón: Khu Du lịch sinh thái Rừng tràm Gáo Giồng trước đây không hề là khu du lịch, mà cũng không phải là rừng tràm. Đó là một vùng đất hoang hoá, nhiễm phèn nặng, chỉ có cỏ năng, cỏ lác cùng với vài cụm tràm, gáo v.v chen lẫn với một ít lung, bàu, kênh rạch tự nhiên và "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh". 

Huyện Cao Lãnh đã cho khai phá vùng đất này, nhiều ý kiến đề xuất như đào kênh, rửa phèn, trồng lúa...  Cuối cùng, để bảo vệ môi trường sinh thái, người ta tiến hành trồng tràm, một loại thuỷ sinh đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười. Để khai phá vùng đất mới này, huyện Cao Lãnh đã thành lập lực lượng thanh niên xung phong (gọi tắt là lực lượng 705).


Qua muôn vàn khó khăn, lực lượng 705 đã từng ngày thu hẹp diện tích hoang hoá, chua phèn. Rừng tràm hình thành, các con kênh được đào đắp chủ yếu bằng thủ công đã đem về nguồn nước ngọt. Nhiều loài động vật hoang dã lần lượt tụ hội; chung quanh rừng tràm, nhiều hộ dân về cất nhà sinh sống. Đến năm 2003, huyện Cao Lãnh chủ trương phát triển du lịch sinh thái Rừng tràm Gáo Giồng, và từ đây ta có một điểm du lịch mới...




Gáo Giồng ở Cao Lãnh, cách Cao Lãnh 15 km. Ủa, sao kỳ vậy? Là vì ở Đồng Tháp có tới 2 cái Cao Lãnh: thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nằm tại ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh 15 km.

Cái khoảng cách 15 km ấy không phải tui nói nghen, mà là các website du lịch Đồng Tháp nói. Không biết tính theo kiểu gì, có thể theo đường chim bay, đường thủy, hay là sao đó... chớ còn thực tế tui đi bằng xe thì quãng đường từ trung tâm TP Cao Lãnh tới khu du lịch Gáo Giồng là gần gấp đôi con số nói trên. Cụ thể là đi từ TP Cao Lãnh theo quốc lộ 30 về hướng huyện Hồng Ngự được khoảng 15 km thì có bảng chỉ đường quẹo phải vào Gáo Giồng. Ngay đầu đường rẽ có bảng ghi: Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng 12 km. (và đồng hồ tốc độ trên xe cũng cho kết quả đúng như vậy). Nghĩa là từ TP Cao Lãnh tới Gáo Giồng là 27 km!


Cái bảng chỉ đường cũng đáng nhắc. Được chỉ đường đi một cách cụ thể như sau: Đi khoảng hơn 10 km, khi nào có bảng hướng dẫn to đùng chỉ vô khu du lịch Gáo Giồng thì quẹo phải. Xe đi theo lộ 30, tui nhìn bên phải coi chừng nào có bảng thì biểu tài xế quẹo, nhưng đi hoài, đi hoài hổng thấy cái bảng nào hết. Chắc là phải tới hăm mấy, ba chục cây số, tới tận huyện Thanh Bình. Biết là huốt rồi, nên xe quay trở lại. Và các bạn biết sao hông? Đúng là có một cái bang thật to chỉ đường vô Gáo Giồng, theo hướng từ TP Cao Lãnh đi thì nó nằm cao bên trái đường, còn tui thì biết là đi Gáo Giồng sẽ quẹo phải nên cứ ngó bên phải không thôi và chẳng thấy bảng!

Con đường 12 km từ quốc lộ 30 vô tới Gáo Giồng cũng rất đáng nói. Đây là con đường rất dễ thương, đậm nét đường làng quê Tây Nam bộ. Hai bên đường rợp bóng cây xanh. Tui vừa đi vừa khen tíu tít, nhưng... Đậm chất đường làng quê cũng có nghĩa là đường rất hẹp. Sau một đoạn ngắn gần quốc lộ đường còn khá rộng thì đường chỉ còn rộng vừa đủ chỗ cho đúng 1 chiếc xe hơi đi. Lái xe vừa lái vừa rên rỉ... Nói vậy để các bạn biết chừng, nếu tới đây mà có xe máy để đi thì thật tuyệt vời, hoặc là đi bằng đường thủy. Đi bằng xe hơi rất khó khăn và mất rất nhiều thời giờ.

Ừm, tui viết lan man như vậy chứ không kể về Gáo Giồng, vì mọi người viết nhiều rồi (tui chỉ kể những điều người ta chưa nói thôi), ngoài ra các bạn muốn biết thêm thông tin về điểm du lịch hấp dẫn này có thể vào website chính thức của họ: http://dulichgaogiong.com.


Còn đây là một số hình ảnh lang thang ở rừng tràm Gáo Giồng:


Du khách được đưa đi tham quan rừng tràm Gáo Giồng bằng xuồng ba lá.

Quang cảnh rừng tràm

Du khách có thể lên đài cao để ngắm toàn cảnh rừng tràm và tràm chim. Nhân vật trong hình bị bịnh tim, cấm leo cao nên ngồi nhóc mỏ chờ ở dưới.

Nhìn từ trên cao

Thử chèo xuồng cũng thú vị lắm

Có chiếc xuồng ba lá để... ngồi chơi!

Khu du lịch bố trí những nhà sàn trên ao sen để du khách nghỉ ngơi. Dưới là ao sen, trên là mái lá, nằm võng đu đưa, nghe văng vẳng xa là bài ca vọng cổ. Phê bá chấy luôn!

Chỗ ăn cũng được thiết kế rất hay. Đó là những túp lều nhỏ trên ao sen. Mỗi túp lều như vậy gần như chỉ có một nhóm khách ngồi ăn, tách biệt hẳn với các bàn khác, tạo nên một cảm giác dễ chịu.

Ngồi ăn đặc sản Đồng Tháp Mười trong những túp lều như thế này, ngắm cảnh đồng quê yên ả thanh bình, thú vị không các bạn?

Cá lóc nướng trui. Cá tươi vừa được bắt từ ao, ngon tuyệt cú mèo!

Cơm bằng gạo huyết rồng hấp lá sen. Đặc sản nơi này.


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. cá tươi thì ngon nhưng bắt lên từ ao làm liền là không ổn... hoặc nếu làm liền thì nên bỏ bộ đồ lòng (thứ ngon nhứt)... Nên rộng cá trong lu (khạp) ít nhứt là 8h để nhả bớt dơ

    Trả lờiXóa