1 thg 3, 2014

Đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến...

Có một nhà thơ không sinh ra ở Bình Định, đời thơ của ông ở Bình Định cũng ngắn ngủi, thế nhưng khi nhắc đến ông người ta lại nhắc đến đất Quy Nhơn, Bình Định. Vì cuộc đời sầu thảm của ông đã kết thúc tại Quy Nhơn, cũng tại nơi đây có ngôi mộ nơi ông an nghỉ ngàn thu. Không phải một mà đến hai ngôi mộ!

Tìm vào cô đơn, đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến.
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa.
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ.
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia.
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao.
Mặc Tử nay còn đâu?


Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) sinh năm 1912 tại Quảng Bình. Lớn lên, ông đi học ở Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, rồi làm báo, làm thơ ở Sài Gòn. Ông bị bịnh phong (cùi), được đưa vào trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn vào tháng 9 năm 1940 và qua đời tại đây 2 tháng sau đó.

Hàn Mặc Tử được an táng ở nghĩa trang của làng phong Quy Hòa một cách đơn sơ như bao nhiêu ngôi mộ của các bệnh nhân khác. Cô đơn, lạnh lẽo. Do điều kiện chiến tranh, đi lại khó khăn nên mọi người khó đến viếng thăm ông.

19 năm sau, năm 1959, thân nhân ông mới tiến hành bốc mộ, cải táng ông tại Gành Ráng để thuận tiện viếng thăm. Ngôi mộ dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển như ước nguyện của ông lúc sinh thời.

Mộ Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2002.

Tượng bán thân Hàn Mặc Tử ở nhà lưu niệm ông, tại Quy Hòa

Năm 1960, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác bài Hàn Mặc Tử để tưởng nhớ chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Yêu quý nhà thơ, nhạc sĩ tâm niệm phải xây một ngôi mộ tại nơi nhà thơ đã yên nghỉ suốt 19 năm dài. Mãi hơn 30 năm sau, vào năm 1991 ông mới thực hiện được điều tâm niệm đó. Tại nơi chôn cất Hàn Mặc Tử ngày xưa ở Quy Hòa, một ngôi mộ - đài tưởng niệm được dựng lên. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng cây bút, cây thánh giá dựng trên quyển sách mở. Đây là ngôi mộ không có thi hài, và được dựng lên ở nơi ngày xưa là mộ Hàn Mặc Tử nên người dân ở đây thường gọi là mộ cũ, mặc dù thật sự là nó được xây dựng sau ngôi mộ ở Ghềnh Ráng.

Mộ - đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở làng phong Quy Hòa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Biển Quy Hòa. Đẹp và buồn lặng lẽ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bình Định đã xây dựng lại khu vực mộ Hàn Mặc Tử thành điểm tham quan mang tên Đồi Thi Nhân, ngôi mộ của ông tại nơi này cũng đã được xây dựng lại khang trang hơn.

Đường lên mộ Hàn Mặc Tử. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2010

Mộ Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2010.

“Bây giờ Hàn Mạc Tử nằm trên một điểm cao ghềnh Ráng, đối diện với biển đông chói lòa như thơ anh và giông bão tựa đời anh, nằm với trăng sao như anh từng mơ ước…”  Đó là lời của Chế Lan Viên viết trong bài Hàn Mạc Tử anh là ai?.


Gành Ráng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Ngược với Hàn Mặc Tử, có một nhà thơ rất nổi tiếng khác, sinh ra và lớn lên ở Bình Định, nhưng khi nhắc đến ông người ta lại ít khi nghĩ đến Bình Định. Bạn có biết ông là ai không? (Mách nhỏ nhé: ông sinh ra ở huyện Tuy Phước, Bình Định và lớn lên ở Quy Nhơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét