24 thg 10, 2023

Cây bao báp

Bao báp là một loài cây khổng lồ, sống ở châu Phi. Cây trưởng thành cao 20 - 30 met, và có đường kính từ 7 đến 11 met. Nó to đến nỗi người ta có thể khoét lòng thân cây thành nhà ở (nhà ở bề ngang 4 - 5 mét là ok rồi, đúng không?).

Bạn có thể xem ảnh này để hình dung nó to cỡ nào. (Ảnh: Wikipedia)


Dưới đây là một cây bao báp khoảng 150 năm tuổi, có lỗ khoét ở thân cây như chỗ trú ngụ


Trong phim The Lion King, nhân vật khỉ già thông thái Rafaki sống trong nhà là một cái cây to, gọi là cây của sự sống (tree of life). Đó chính là cây bao báp.

Khỉ già thông thái Rafaki sống trong thân cây bao báp

Trong truyện Hoàng tử Bé, Saint-Exupéry còn tả cây bao báp của hoàng tử Bé hoành tráng hơn nữa, nó to tới độ cậu bé sợ nó... làm nứt cả hành tinh của mình.

Cây bao báp to quá xá cỡ trên hành tinh của Hoàng tử Bé

Tại Madagascar có nhiều bao báp, và cây bao báp được coi là cây quốc gia của đất nước này.

Cây bao báp kỳ thú như vậy nên nhiều người tò mò muốn nhìn thấy, và hỏi rằng: Cây này có ở Việt Nam không?

Câu trả lời là: Có! Wikipedia kể rõ ra rằng là ở Việt Nam có 6 cây, 1 ở Huế, 1 ở Hà Tiên và 4 ở TPHCM. Trang này cũng nói rằng bao báp khó nhân giống trong điều kiện khí hậu Việt Nam, nên ở nước ta đây là loại cây quý hiếm. Có lẽ thông tin này chưa chính xác lắm.

Cây bao báp đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam là cây bao báp tại đường Mai Thúc Loan, Huế. Nơi đây bây giờ là nhà hàng mang tên... Bao Báp. Theo ông Thân Trọng Ninh - người phát hiện và giới thiêu từ năm 1976 - cây bao báp này được cố giáo sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính trồng khoảng năm 1950. 

Cây bao báp ở đường Mai Thúc Loan, Huế. Ảnh: Đỗ Xuân Cầm

Từ khi phát hiện, ông Thân Trọng Ninh đã dồn hết tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu về loài cây này. Năm 1978, từ hột của cây bao báp gốc tại Huế, ông đã thử ươm mầm, và đã có kết quả. Những cây bao báp con này được ông gửi tặng nhiều nơi. Từ những kinh nghiệm của ông, Công ty Công viên Cây xanh Huế đã ươm giống hàng ngàn cây con. Bao báp con được gởi ra lăng Bác, các tỉnh miền Trung...

Cũng nhờ biết tiếng ông là nhà nghiên cứu về bao báp mà nhiều thông tin về loài cây này ở Việt Nam được chuyển đến ông. 

Năm 2002, một học trò cũ của ông Ninh phát hiện ở nghĩa trang giáo xứ Phú Cam (Huế) có 2 cây bao báp to và già hơn cây ở đường Mai Thúc Loan, ước tuổi thọ khoảng 100 năm. 2 cây này đã được bảo tồn từ ấy đến nay, nhưng giờ chỉ 1 cây còn sống, nằm trong khuôn viên trường mẫu giáo Phước Vĩnh. 

Năm 2003, một kỹ sư dầu khí tên Vũ Tất Thắng đã báo đến ông Ninh là anh có 1 cây bao báp con được trồng tại nhà cách nay trên 10 năm do mang hạt giống từ Angola về, có nguy cơ bị "xử" do giải phóng mặt bằng. Ông Ninh can thiệp, và cây này được đưa vào vườn Bách Thảo Hà Nội, sống từ đó đến nay.

Gần đây, một người dân Hà Nội xin trái bao báp từ cây bao báp ở Huế mang về ươm. Kết quả là hiện nay anh đang có 108 cây bao báp con ở Hà Nội.

Những thông tin trên cho thấy không phải ở Việt Nam chỉ có 6 cây bao báp như Wikipedia nói, mà có khá nhiều, và cũng không phải khó trồng, chỉ có điều chúng chưa già mà thôi!

Cây bao báp ở Hà Tiên, Kiên Giang mới được phát hiện năm 2007 tại phường Đông Hồ, 
trên đồi Ngũ Hổ - khu vực Ban Chỉ huy Quân sự TP. Hà Tiên đóng quân . Đây là khu hành chính và quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt nên ít người biết đến sự hiện diện của cây. Không ai biết cây có tự bao giờ, chỉ biết một cụ già 80 tuổi sống tại đây nói rằng khi sinh ra ông đã thấy cây ở đây rồi! Ước lượng cây này có tuổi thọ không dưới 100 năm. Đường kính gốc cây đến 3 met, to nhất Việt Nam (đường kính gốc cây bao báp ở Huế chỉ 1 met).

Cây bao báp trên đồi Ngũ Hổ. Ảnh: Báo Kiên Giang

Ở TPHCM, được biết có 4 cây bao báp. 3 cây ở Thảo cầm viên và 1 cây trong khuôn viên Đại học Sư phạm TPHCM.

Cây ở khuôn viên Đại học Sư phạm TPHCM do thầy Nguyễn Quý Tuấn mang về từ Angola năm 1993.

Cây bao báp trong khuôn viên Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Kienthuc.net.vn

Cây bao báp trong Thảo Cầm Viên TPHCM là đây:


Cây bao báp ở Thảo Cầm Viên TPHCM. Ảnh: Phạm Hoài Nhân.

Nghe nói cây bao báp này chỉ mới khoảng 20 tuổi. So với những cây bao báp khổng lồ ở châu Phi mấy trăm năm hoặc cả ngàn năm tuổi (đường kính 7 - 11 met) thì cây bao báp ở Huế hay Hà Tiên chưa đầy trăm tuổi (đường kính 1 - 3 met) chỉ đáng là baby, còn cây bao báp ở Thảo Cầm Viên chỉ là... trẻ sơ sinh! Nhưng thôi, qua châu Phi ngắm đại ca không được, ra Huế hay Hà Tiên thăm baby bao báp cũng xa quá thì ta vô sở thú ngắm bé sơ sinh bao báp vậy! 

Tui ngồi ngắm hình những cây bao báp khổng lồ ở châu Phi, bỗng nảy ra một ước mơ nho nhỏ. Tui sẽ ra Huế xin trái bao báp về, ươm mầm cây bao báp trên... căn hộ chung cư. Đợi một ngày nào đó cây bao báp lớn lên, đạt đường kính 7 met thì tui sẽ khoét một lỗ trong thân cây làm nhà ở, chui vô đó mà an dưỡng tuổi... siêu siêu siêu già!

Phạm Hoài Nhân - 2014

Bài này tui viết năm 2014 dựa trên những hiểu biết và thông tin đọc được vào thời điểm đó. Bữa nay nhân việc có người nhắc đến cây bao báp, tui đăng lại và có tìm hiểu xem thông tin có gì thay đổi không. Thông tin cập nhật mới nhất mà tui đọc được là bài viết của TSKH Trần Công Khánh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam trên website của hội ngày 17/03/2023. Xin trích để mọi người tham khảo như sau:

Tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), trên đỉnh núi Lầu Ba (còn gọi đồi Ngũ Hổ) có một cây bao báp trên 100 tuổi, cao trên 20 m, tán rộng khoảng 60 m, đường kính thân 6,4 m, chu vi gốc gần 9 m, là cây lâu đời nhất ở Việt Nam. Tại Huế có 3 cây: một cây trên đường Trần Phú, một cây ở sân khách sạn Điện Biên 2, và một cây trước nhà hàng “Bao báp”, đường Mai Thúc Loan (do KS. N.H.Đính mang từ Pháp về trồng khoảng năm 1950, nguồn gốc từ Châu Phi). Cây này đã trên 70 tuổi, cao khoảng 17 m, đường kính thân 1 m, được GS. Phạm Hoàng Hộ xác định tên là Adansonia grandidieri (loài có thân hình trụ, cành nhánh tập trung ở ngọn thân). Sau này, bao báp được nhân giống phần lớn từ cây ở Huế và được trồng tại nhiều nơi khác, hoặc là mới nhập về. Tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện có 4 cây bao báp (3 cây ở Thảo cầm viên, 1 cây ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoảng 30 tuổi). Ở Hà Nội cũng có 1 cây bao báp, khoảng 15 tuổi.

Phạm Hoài Nhân - 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét