Như ghi trên tem, bộ tem do Nagaland phát hành. Đã chơi tem, tất nhiên phải tìm hiểu xuất xứ của từng con tem mình sưu tầm được. Vậy Nagaland - nơi phát hành bộ tem này - là quốc gia/vùng lãnh thổ nào? ở đâu?
Hồi đó, với khả năng và điều kiện tìm hiểu của một đứa con nít quả là rất khó khăn để kiếm được những thông tin này (không phải như bây giờ, muốn biết gì chỉ việc hỏi Google). Vất vả lắm tui mới biết được Nagaland là một bang nằm ở miền Đông Bắc của Ấn Độ. Vậy nghĩa là những con tem này do bưu chính bang Nagaland phát hành.
Biết được vậy, tui tin vậy và hài lòng. Hài lòng suốt mấy chục năm luôn, kể cả khi không còn chơi tem nữa. Nhưng gần đây tui mới biết coi vậy mà không phải vậy!
Mặc dù Nagaland là một địa điểm có thật (một bang ở Ấn Độ), nhưng những con tem có tên đó không phải do bưu điện Nagaland phát hành mà do nhà buôn tem người Anh Clive Harold Feigenbaum sản xuất. Chúng chỉ bán cho người sưu tầm tem chứ không phải để sử dụng qua bưu điện.
Clive Harold Feigenbaum (1939-2007) là một doanh nhân người Anh phức tạp và hay gây tranh cãi, người cả đời dính vào hàng loạt vụ bê bối trong thế giới sưu tập tem (Nagaland, Staffa, Quần đảo Bernera của Scotland, ...). Feigenbaum chịu trách nhiệm chính trong những năm 1970 và 1980 về việc phát hành tem từ bang Nagaland của Ấn Độ.
Không do cơ quan bưu chính phát hành, không dùng để gởi thư, những con tem Nagaland này không phải tem. Chúng chỉ là những tấm hình nhỏ nhỏ xinh xinh, nhìn giống con tem.
Và cũng từ đây, tui biết thêm một thuật ngữ của giới sưu tầm tem để chỉ loại tem này, chúng là những Cinderella stamp (tem Cô bé Lọ Lem).
Cinderella stamp - hay tem Cô bé Lọ lem - là một nhãn trông giống như tem bưu chính nhưng không được cơ quan bưu chính chính phủ chính thức phát hành cho mục đích bưu chính. Ngoài những dạng như tem Nagaland kể trên, các loại tem Cô bé Lọ lem phổ biến còn bao gồm tem địa phương (chẳng hạn như tem do các hòn đảo ngoài khơi nước Anh phát hành), nhãn quảng cáo cho các doanh nghiệp, nhãn cổ động cho nhà thờ, các nhóm chính trị hoặc phi lợi nhuận, các tổ chức từ thiện, v.v...
Thuật ngữ tem Cinderella được các nhà sưu tập đặt ra dựa theo tên cô bé Lọ Lem trong chuyện cổ tích. Cô bé Lọ Lem bị yếu thế và bị đối xử tệ bạc so với những chị em khác của mình trong gia đình. Tương tự, tem Cô bé Lọ Lem bị coi là kém chính thống so với tem bưu chính.
Tem nhãn cổ động giúp đỡ trẻ em khuyết tật, phát hành tại Mỹ từ thập niên 1930, 1940. Đây cũng là một dạng tem Cô bé Lọ Lem.
Những cô bé Lọ Lem thường không được liệt kê trong các danh mục tem chính thức, chẳng hạn như Stanley Gibbons. Tuy vậy, chúng vẫn được nhiều nhà sưu tầm tem chấp nhận, vì nhìn cũng... hay hay và đẹp. Chẳng hạn các bộ tem Nagaland được các nhà sưu tập chủ đề đánh giá cao vì hình ảnh đẹp.
Riêng tui, tui nghĩ vầy: có rất nhiều bộ tem được in ra không hề có công dụng gởi thư mà chỉ để phục vụ cho giới sưu tầm thôi (hiện nay có thể nói là hầu hết, vì tem thư bây giờ được sử dụng rất ít), chúng chỉ khác tem Cô bé Lọ lem ở chỗ là do cơ quan bưu chính hợp pháp sản xuất và phát hành thôi. Thì thôi, ta sưu tầm tem cô bé Lọ Lem chơi... cho vui cũng được mà!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét