7 thg 10, 2023

Phú Ninh - Từ đại công trình thủy lợi đến khu du lịch sinh thái

1. Đại công trình thủy nông

Hồ Phú Ninh là một hồ chứa nước nhân tạo, thuộc địa phận huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam
Đây là một công trình thủy lợi quy mô lớn của tỉnh Quảng Nam, được khởi công ngày 29/3/1977 và khánh thành ngày 27/3/1986. Hồ Phú Ninh có diện tích mặt nước hơn 3.200 ha, sức chứa 344 triệu m³ nước phục vụ tưới tiêu cho 23.000 ha lúa và hoa màu thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, thành phố Tam Kỳ và một phần diện tích của huyện Duy Xuyên. Tại thời điểm khánh thành hồ Phú Ninh là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, và là hồ lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh.

Hồ Phú Ninh. Ảnh: VnTrip

Xin chú ý chi tiết "tại thời điểm khánh thành", bởi vì hiện nay rất nhiều trang mạng giới thiệu "hồ Phú Ninh là hồ lớn thứ hai Việt Nam" mà bỏ sót cụm từ "tại thời điểm khánh thành". Chỉ một năm sau khi khánh thành hồ Phú Ninh (1986) thì hồ Trị An ở Đồng Nai đã được khánh thành (1987) có diện tích 323 km² (tức 32.300 ha, gấp 10 lần hồ Phú Ninh). Ngoài ra sau đó còn nhiều hồ thủy điện khác có diện tích lớn hơn hẳn hồ Phú Ninh, như: Hồ thủy điện Thác Bà 234 km², hồ thủy điện Sơn La 224 km², hồ thủy điện Hòa Bình 89 km²...

Khánh thành năm 1986, hồ Phú Ninh mang lại lợi ích lớn lao cho tưới tiêu nông nghiệp và được xem như kỳ tích của nhân dân Quảng Nam. Bên cạnh đó với 3.200 diện tích mặt hồ và 22.000 ha rừng phòng hộ, đây là một cảnh quan tuyệt vời phục vụ du lịch. Tuy nhiên mãi gần 30 năm sau, khía cạnh du lịch hồ Phú Ninh mới được chú ý tới.

2. Khu du lịch sinh thái


Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường đầu tư thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch Đồi Đá Đen - Phú Ninh (gọi tắt là Khu du lịch hồ Phú Ninh) với diện tích lên đến 100 ha. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện với diện tích 59,77 ha, đến tháng 8/2020 đưa dự án vào hoạt động.

Đại dịch COVID-19 khiến công trình lại bị đình trệ thêm một thời gian, và Khu du lịch hồ Phú Ninh mới được đưa vào khai thác gần đây. Vậy là hồ Phú Ninh khánh thành năm 1986, nhưng hơn 35 năm sau mới có khu du lịch hồ Phú Ninh.

3. Tui đến khu du lịch sinh thái hố Phú Ninh

Giá vé vào khu du lịch sinh thái hố Phú Ninh khá cao. Khi tui đọc trên mạng thì là 70.000 đ/người, nhưng khi đến đây (tháng 8/2023) đã là 90.000 đ. Đáng nói là đây chỉ mới là vé vào cổng, còn bên trong mọi dịch vụ đều có giá riêng. Với tui, giá quá cao còn mọi người nhận định sao thì xin mời tham khảo bảng giá (nhấp vào hình để xem phóng to).


Với vé vào cổng, du khách có thể đi tản bộ quanh khu du lịch và ngắm hồ, ngắm núi.

Văn phòng chính của khu du lịch


Ngồi bên hồ để check in.

Ngắm cảnh

Hay đi tản bộ

Có không nhiều dịch vụ ở đây, và nếu muốn chơi thì phải mua vé

Phải thành thật mà nói rằng ngoài việc ngắm mặt hồ thì khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh không đủ sức thu hút du khách. Ngay cả các vị trí để có thể ngắm hồ đẹp nhất hay để chụp ảnh lưu niệm cũng không đạt như mong muốn.

Nếu chỉ mua vé 90.000 đ/người để đi lòng vòng như vậy thì quả là phí, nên đoàn tụi tui đành... phí thêm bằng cách mua vé đi tàu cao tốc dạo lòng hồ (khoảng 45 phút). Như thấy trên bảng giá, 150.000 đ/người, tối thiểu 12 người, mà đoàn của tui không tới 12 người nên đành trả bằng giá 12 người là 1.800.000 đ để tàu chạy.

Cũng là dịp được ngắm cảnh hồ từ trên mặt nước.


4. Và tui đi về Đồng Nai

Đã tới Quảng Nam thì cũng nên đi tới hồ Phú Ninh cho biết, nhưng biết rồi thì... tiếc. Tiếc cho một cảnh quan rất đẹp chưa được khai thác đúng mức, và tất nhiên là tiếc... tiền.

Thôi, mai mốt bè bạn, người thân ở Quảng Nam vô tới Biên Hòa tui sẽ dẫn đi tham quan hồ Trị An. Chắc là sẽ không tiếc đâu!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét