18 thg 10, 2023

Chùa Phật Bốn Tay ở Biên Hòa và...

Nhà văn Sơn Nam từng viết rằng ông rất tâm đắc với câu ca dao:

Ra đi gặp vịt thì lùa
Gặp duyên thì kết, gặp chùa thì tu

Câu ca dao nói lên tính phóng khoáng, xuề xòa, sao cũng được của người dân Nam bộ. Ra đường gặp tượng có dáng vẻ linh thiêng thì cho rằng đó là tượng Phật, đã là tượng Phật thì đem vô chùa thành kính phụng thờ mà không cần biết đó thật sự là tượng gì, của ai.

Trường hợp này đã xảy ra đối với chùa Bửu Sơn ở Biên Hòa, còn được gọi là chùa Phật Bốn Tay.

Chùa Bửu Sơn - Biên Hòa. Ảnh: PHN 2018

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ở chùa có một bức tượng thờ một vị thần trong tư thế ngồi, có bốn tay cầm bốn linh vật, phía sau có lá đề khắc những dòng chữ Phạn (hiện bố trí ở mặt sau trong 4 mặt của bệ thờ nơi chánh điện).

Những bậc cao niên cho biết ngày xưa người dân địa phương đi đốn cây thì phát hiện bức tượng này và rước vô chùa để thờ. (Có nghĩa là có chùa rồi mới ngẫu nhiên tìm ra tượng mà rước vô).

Sách Biên Hòa sử lược của cụ Lương văn Lựu kể khác hơn và chi tiết hơn:

Sau khi chiếm thành Biên Hòa, quân binh Pháp đi lùng khai hoang các vùng phụ cận, tình cờ gặp được một pho tượng Phật bằng đá, trong gốc bông cây Dò heo lớn, gần Bửu Sơn tự.

Pho tượng (ngồi trên bục bắt khóa vào một phiến đá tròn, lớn hơn cái nia), bề ngang 1th, cao 1th50, dày 0th50, nặng 1 tấn, có 4 tay, 2 tay trên cầm hình nhật nguyệt, 2 tay dưới cầm cây linh (chuông), sau lưng có khắc chữ ngoằn ngoèo, lu mờ, không đọc được.

Quân Pháp bèn cho xe chở về, chưng trong nội thành.

Các hương lão thôn Bình Thành đến xin lãnh về để thờ tại Bửu Sơn tự, viện lẽ tượng Phật tìm được trong phạm vi chùa.

Được chấp thuận, thôn dân lập thế khiêng về với một lưc lượng gồm 50 người.



Tượng Phật bốn tay ở chùa Bửu Sơn. Ảnh: PHN

Kỳ thật, đây... không phải tượng Phật!

Căn cứ vào hình dáng tượng và minh văn tiếng Phạn phía sau tượng, các nhà nghiên cứu xác định rằng: Đây là tượng thần Vishnu của đạo Hindu. Minh văn này cho biết tượng được tạo dựng bởi hoàng tử Chămpa là Nauk Klaun Vijaya nhờ vào chiến lợi phẩm mà ông chiếm được từ người Chân Lạp. Việc dựng tượng khắc bia này nhằm tôn vinh vị thần Bảo hộ - thần Vishnu và khẳng định vương quyền của mình trên vùng đất mới chiếm được.

Không cần biết tượng thần Vishnu hay ai, đạo Hindu hay đạo Phật, người dân cứ xem đây là Phật (bốn tay), vẫn nhang khói phụng thờ và không cho ai mang ra khỏi chùa. Vì vậy, Bảo tàng Đồng Nai phải phục chế một phiên bản bức tượng để trưng bày tại Bảo tàng (đặt tại phòng Đồng Nai những thế kỷ đầu Công nguyên).

Bản sao tượng Phật bốn tay chùa Bửu Sơn đặt tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: PHN

Như vậy ở Biên Hòa có bức tượng hàng ngàn năm tuổi trong ngôi chùa vài trăm tuổi, có vị thần Vishnu của Ấn độ giáo được thờ phượng như đức Phật của Phật giáo!

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn cũng có một ngôi chùa trong đó bức tượng được thờ không phải tượng Phật mà là tượng thần Vishnu, và cũng được người dân gọi là chùa Phật Bốn Tay. Tên chính thức của chùa là Linh Sơn.

Ngôi chùa Phật Bốn Tay này nổi tiếng hơn chùa Phật Bốn Tay ở Biên Hòa nhiều, đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đáng lẽ trong bài này chùa Linh Sơn phải được đưa lên trước chùa Bửu Sơn nhưng... tại tui thiên vị Biên Hòa.


Linh Sơn cổ tự, tức chùa Phật Bốn Tay núi Ba Thê. Ảnh: PHN 2023

Linh Sơn cổ tự nằm ở chân núi Ba Thê, trong khu di tích Óc Eo.

Theo lời kể của sư trụ trì chùa và lời truyền tụng trong dân gian thì vào năm 1913, khi người Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây bót Ba Thê dưới chân núi gần chợ, người ta phát hiện một pho tượng bằng đá đen có bốn tay, cao 1,7 mét, còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2 mét. Người Khmer quanh vùng tập họp thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng tượng về núi để thờ nhưng không sao di chuyển nổi. Sau nhờ những bô lão người Kinh đứng ra lập bàn thờ khấn vái, lúc ấy pho tượng mới được khiêng đi nhẹ nhàng.


Trước đó, hai tấm bia đá bùn cũng đã được tìm thấy. Mỗi bia cao khoảng 1,8 mét, dày khoảng 20 cm, bề ngang khoảng 80 cm. Trên bia có khắc chi chít cổ tự, không ai đọc được. Đặc biệt, khi đặt tượng Phật vào giữa hai tấm bia này thì rất khít khao. Do sự linh ứng ấy, dân chúng quanh vùng góp công của xây dựng chùa Linh Sơn để thờ phụng và cũng từ đó, chùa có tên dân gian là chùa Phật Bốn Tay cho đến ngày nay.



Tượng Phật bốn tay ở Linh Sơn cổ tự. Ảnh: Võ văn Tường

Thông tin trên Wikipedia có khác hơn một chút:

Vào năm 1913, dân địa phương phát hiện một pho tượng Phật bốn tay ở tư thế đứng, cao 1,7 m, nằm sâu trong lòng đất khoảng hai mét, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê. Trước đó, người dân cũng đã tìm thấy hai tấm bia được làm bằng đá bùn có chiều cao khoảng 1,8 m, dày khoảng 0,22 m, khắc chữ cổ mà nhiều nhà nghiên cứu nói có thể là chữ viết của dân tộc Phù Nam xưa. Vì vậy, dân quanh vùng khi ấy bèn góp công, góp của dựng lên một ngôi chùa đặt tên là Linh Sơn Tự để tôn thờ tượng Phật và gìn giữ bia cổ.

Tượng Phật bốn tay và tấm bia đá cổ. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Wikipedia

Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng đây không phải tượng Phật như tín ngưỡng của người dân, mà là tượng thần Vishnu có hình rắn Naga bảy đầu làm thành tán che phía sau.

Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ. Sau khi khai quật lên, người ta cho đắp thêm phần chân để pho tượng có dáng ngồi theo tư thế kiết già, rồi sơn phết lên khiến giá trị của nghệ thuật điêu khắc và vẻ đẹp tự nhiên của loại đá hàng ngàn năm tuổi bị mất đi.

Ngoài 2 bảo vật là tượng thần Vishnu và bia cổ thì khách quan mà nói kiến trúc chùa Linh Sơn và phần điêu khác (các tượng khác trong chùa) không có gì đặc sắc.

Chùa Linh Sơn (Phật Bốn Tay). Ảnh: PHN 2023

Không gian xung quanh chùa rộng rãi, thoáng đãng với những hàng cây sao, dầu cao vút, gió núi rì rào.

Cây đa cổ thụ ở khuôn viên chùa. Ảnh: PHN 2023

Như vậy, nguồn gốc tượng Phật bốn tay ở Ba Thê tương tự tượng Phật bốn tay ở Biên Hòa, chỉ khác là ở Biên Hòa có chùa rồi nên khi tìm ra tượng thì đem vô chùa thờ, còn ở Ba Thê thì tìm ra tượng mới cất chùa để thờ.

Cả hai ngôi chùa đều thờ tượng thần Vishnu mà vẫn tin tưởng rằng đó là tượng Phật, Phật bốn tay. Điều đó khiến ta liên tưởng tới câu ca dao:

Ra đi gặp tượng thì thờ...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét