29 thg 3, 2015

Dạ thưa bà con

Tui nghĩ bà con là tiếng miền Nam. Ngoài Bắc không có từ đó, từ tương đương là gì ta? Họ hàng phải không? Ừ, thì bà con tức là họ hàng. Nhưng mà người ta nói Dạ thưa bà con hoặc là Kính thưa bà con cô bác chớ đâu có ai nói Dạ thưa họ hàng

Hai người là bà con với nhau tất nhiên là hai người có quan hệ họ hàng với nhau, nhưng những người không có quan hệ họ hàng với nhau cũng có thể là bà con. Tỷ như ở giữa chợ, cần phân bua điều gì với người xung quanh, người ta nói: Bà con coi nè, bà con thấy hôn... Đó, ở xung quanh đâu có họ hàng gì với người nói, nhưng mấy bà con đó đều hiểu rằng người ấy đang nói với mình.


Mấy bà con nầy đang tới thăm ông già Nam bộ Sơn Nam

Tui nghĩ cái chuyện dùng chữ bà con (hoặc bà con cô bác) của người Nam bộ cho thấy họ coi mọi người xung quanh như người thân trong gia đình. Đó là thứ tình cảm đáng quý của người dân.

Tui không hiểu tại sao lại là bà con mà không là bà cháu, má con (cô bác thì dễ hiểu rồi). Ai biết xuất xứ của từ bà con xin giải thích dùm nha. 

Đành rằng trong một số nghi thức nào đó người ta phải nói Kính thưa quý vị đại biểu, kính thưa quý vị quan khách... nhưng nếu nói được Thưa bà con cô bác thì nghe... dễ thương hơn nhiều. Đúng hông bà con?

Lời chào, lời nói chân chất của người dân Nam bộ thật mộc mạc, đáng yêu.

Đang viết tới đây bỗng tui ngó lên TV, thấy một anh nhóc ca sĩ trẻ đang cà nghinh cà bật bước ra sân khấu nói: Lời đầu tiên cho phép ABC gửi đến quý khán giả lời chào thân thương và chân chọng nhất! (vổ tay bộp bộp bộp).

Mẹ nó, người Nam mà sửa giọng Bắc nói ngọng, thân thương mà ngó cái tướng nghinh ngang. Chú mầy làm tao mất cả hứng. Bực mình, tắt ti vi, chấm hết bài ở đây. Đi nằm. Ngủ.


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét: