11 thg 6, 2017

Chùa một bên, và... chợ một bên

Chùa là nơi thanh tịnh, chợ là chốn ồn ào, hai đặc điểm này khiến cho việc chợ ở kế bên chùa thiệt là vô lý. Thế nhưng trên thực tế việc này vẫn thường xảy ra. Đó là trường hợp chùa (hoặc miếu) là điểm đến nổi tiếng về tâm linh hoặc danh lam thu hút khách thập phương, khi ấy người ta họp chợ kế bên chùa để bán đồ lưu niệm hoặc cây thuốc, vị thuốc. Chợ ở đường lên chùa Cổ Thạch là một ví dụ.

Một gian hàng bán sản vật rừng, đá (được cho là linh thiêng)... ở chợ cạnh chùa Cô Thạch

Tuy nhiên, nhìn những hình này bạn có nghĩ là nó ở một cái chợ sát cạnh chùa được không?



Những thứ này không liên quan gì đến chùa hay yếu tố tâm linh nào hết, nó là những thứ hết sức... chợ! Vậy mà cái chợ này không chỉ bên cạnh chùa mà nó còn che kín cả cổng chùa nữa. Ngôi chùa ấy là một ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sóc Trăng: chùa Chén Kiểu, hay chùa Shrô-Lôn. Cổng trước chùa đây:


Cổng trước khóa, vô chùa phải đi cổng bên (bên trái ở trong hình), và dọc theo bên hông ấy là chen chúc những sạp bán hàng như mấy hình chụp ở trên. Nghĩa là không chỉ bên cạnh mà chợ còn bao phủ chùa!

Chẳng những vậy, đứng ở trên chánh điện chùa nhìn xuống khu vực phía sau trong khuôn viên chùa ta có thể thấy lều bạt của một số gian hàng nữa (đa phần là bán nước giải khát, thức ăn vặt...). Nghĩa là không chỉ bao phủ mà chợ còn lấn đất chùa nữa.

Bạn nhìn thấy các lều bạt thấp thoáng ở dưới chứ?

Tui không có ý phê phán gì chuyện này hết. Việc người dân bày bán, họp chợ ở trước, bên và trong chùa chắc cũng có sự cho phép và thông cảm của nhà chùa và chắc là họ cũng có hoàn cảnh như thế nào đó. Tui chỉ cảm thấy hơi kỳ kỳ, và nhất là chụp hình cảnh chùa thì... dễ bị lộn thành chợ thôi!

À, mà chắc có một số bạn chưa biết về ngôi chùa nổi tiếng này, vậy xin được giới thiệu sơ và đăng vài tấm hình nhé (những hình này đều né khu vực có chợ!).

Chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu) là ngôi chùa Nam tông Khmer, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu. Tên chùa viết đầy đủ là Seraysockhum sănkummiênchay Sro Lôn, có diện tích khoảng 1 hecta.

Chùa được khai sáng vào năm 1815. Từ Sro Lôn theo tiếng Khmer là con mương, do bấy giờ ở trước chùa có con mương dài 7 km chảy đến Vu Gia. Chùa được trùng tu vào năm 1935, xây bằng ván lợp ngói. Đến năm 1968 thì chùa hư hỏng hoàn toàn. Ngôi chùa hiện tại được tái thiết từ năm 1969 đến năm 1985 mới hoàn thành. Người dân quanh vùng thường gọi tên chùa Chén Kiểu là do vào năm 1980, Hòa thượng Tăng Địch đã vận động tín đồ đi xin chén kiểu để trang trí ngôi chùa đang bị thiếu gạch men mua từ Nhật về. Đây chính là nét độc đáo nhất của ngôi chùa này.


Ngôi chùa chính


Sân chùa và các dãy nhà phục vụ cho việc tu học của các tu sĩ

Tượng Phật ở chánh điện



Như hầu hết các chùa Khmer ở miền Tây Nam bộ, chùa Chén Kiểu có khoảng vườn phía sau chùa rất rộng với rừng cây tỏa bóng mát. Nơi ấy có những tháp và cụm tượng về sự tích Đức Phật.

Đặc biệt, trong chùa hiện đang lưu giữ một phần gia sản của công tử Bạc Liêu, đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 02 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè. Những tài sản này được nhà chùa mua lại vào năm 1947.

Đồ gỗ cổ của công tử Bạc Liêu trong chùa. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, 

Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. Theo em hiểu là như vầy:
    - Việc họp chợ trước cổng chùa, chỉ có chính quyền địa phương mới dẹp được chứ nhà chùa không có khả năng dẹp, trong khuôn viên chùa thì các sư mới cấm được chứ ngoài đường thì các sư chịu thua. Các sư cũng chỉ có thể năn nỉ họ đừng bày bán ở trước chùa thôi, nhưng mà họ đâu có nghe. Được chính quyền ra tay thì mới kết quả.
    - Các sư ở chùa Khơ mer tu theo hệ phái Nam tông, không ăn chay hoàn toàn mà vẫn ăn mặn nhưng không giết các loài vật nào.
    - Tu theo hệ phái Nam Tông thì tu bằng tự lực, tự bản thân mình chứ không dựa vào bên ngoài nên các sư tu theo hệ phái này thường không để tâm của mình bị tác động bởi bên ngoài. Ai làm gì thì làm chứ các sư không dễ bị ảnh hưởng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Hoa đào mùa xuân đã đọc và góp ý nhen. :-)

      Xóa
    2. Cách giải thích của bạn @Hoa đào mùa xuân rất chuẩn.
      Cảm ơn bạn.

      Xóa