Nơi tui muốn nhắc tới là Làng cổ Phước Lộc Tho, ở Đức Hòa, Long An. Từ Sài Gòn, bạn đi theo đường Võ văn Kiệt về hướng Tân Tạo - Chợ Đệm rồi theo tỉnh lộ 10 tới ngã tư Đức Hòa, rẽ trái khoảng hơn 3 km là tới.
Cổng vào Làng cổ Phước Lộc Thọ
Thật ra đây không phải là ngôi làng cổ tự nhiên, mà là một công trình sưu tập tư nhân. Làng cổ Phước Lộc Thọ do ông Dương Văn Mỹ, một người đam mê đồ gỗ cổ sưu tầm và xây dựng. Ngôi làng được khởi công từ năm 2006 trên diện tích hơn 10 ha, được chia làm 2 khu riêng biệt là khu tham quan và khu ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng. Khu tham quan rộng 6 ha gồm 22 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm được sưu tầm ở khắp mọi miền đất nước.
Tui không có ý kiến gì về khu ăn uống, giải trí hết, chỉ vô khu tham quan thôi. Vé vào khu tham quan này là 40.000 đ/người. Tại quầy bán vé, bạn sẽ thấy ghi là vé chụp hình 250.000 đ/người. Ờ, hổng lẽ vô đây mà không chụp hình sao ta? Mà bỏ ra thêm 250.000 thì uổng quá! Không đâu, đó là dành cho các nhóm chụp ảnh cưới thôi, chụp ảnh du lịch không phải trả thêm tiền đâu!
Ba pho tượng Phước Lộc Thọ ở bên phải lối vào
Tui vô đây vào ngày thường (không phải ngày lễ hay cuối tuần) nên rất vắng và cũng không có ai thuyết minh nên chỉ chụp hình và ghi cảm nhận của mình thôi. Còn đây là đoạn thuyết minh trên website của Làng cổ Phước Lộc Thọ:
Làng cổ được chia làm hai khu riêng biệt: khu tham quan và ăn uống, giải trí. Khu tham quan có 15 ngôi nhà gỗ, trong đó có 5 ngôi nhà rường cột theo kiểu dáng miền Tây rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe. Nội thất được trang trí rất đa dạng, bao gồm: Tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, ngô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu - thử.. Nhà gỗ có số cột nhiều nhất trong khu này là 114 cột và ít nhất là 36 cột với lối kiến trúc xưa vừa lạ lại vừa đẹp mắt. Ở khu bên cạnh là ngôi nhà được xây dựng theo kiểu miền Trung (kiểu Tửu lầu tứ giác bát dần) mang đậm dáng dấp cung đình. Sáu ngôi nhà mang loại hình của Tây Nguyên với những ngôi nhà sàn đều bằng gỗ cao cấp. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều đựơc chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Nam... và các tỉnh miền Tây. Trong mỗi ngôi nhà đều được trưng bày phản, xe ngựa, điện thoại, máy hát đĩa, chén, đĩa sừng bò tót, ngà voi... từ xa xưa. Ngoài ra, còn có một ngôi chùa được mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội.
Cảnh quan trong làng cổ
(Tui mở ngoặc chút xíu chỗ này để có nhận xét về thông tin trên website chính thức của làng cổ: http://www.langcophuocloctho.vn - nơi này có website riêng quả là tốt, nhưng thông tin hình như đã lâu không được cập nhật. Cụ thể, hiện nay có 22 ngôi nhà cổ chớ không phải 15 như trong nội dung trên. Các thông tin về khu nhà cổ là nội dung hay nhất và đáng quan tâm nhất hầu như không có gì cả, mà chủ yếu là thông tin về dịch vụ nhà hàng, tiệc cưới... thôi. Ngay cả thông tin tui trích dẫn ở trên cũng không nằm trong phần giới thiệu làng cổ, mà nằm trong phần giới thiệu... nhà hàng!).
Bỏ qua những chi tiết đó, thì với giá vé 40.000 đ/người để được tham quan khu làng cổ này hoàn toàn xứng đáng. Chẳng những các ngôi nhà xưa của 3 miền với kiến trúc đẹp mắt cùng rất nhiều đồ nội thất là đồ cổ quý giá mà cảnh quan cũng được tạo nên rất hài hòa, nhiều cây xanh thoáng mát. Nếu không phải là người thích tìm hiểu về nhà cổ thì nơi đây cũng là chốn thư giãn tuyệt vời, gợi lại cho ta cảnh làng quê yên ả thanh bình của trăm năm trước (và đó cũng là lý do tui chọn tới đây không phải vào ngày lễ hay cuối tuần, chỗ này lúc vắng người thì thích hơn nhiều!). Còn nếu bạn đang chuẩn bị làm đám cưới và chụp ảnh cưới thì đây cũng là chỗ hợp lý lắm đó!
Ngôi nhà cổ, và "chủ nhà" đang xăm soi hoa kiểng trước nhà.
Hoa văn hình rồng
Cánh cửa
Bạn có thể đóng vai công tử vườn, hay điền chủ, phú hộ gì cũng được!
Một ngôi nhà cổ khác
Nhà Tây nguyên
Giếng nước, bình phong và nhà cổ miền Tây Nam bộ
Mô phỏng chùa Một Cột
Cổng làng
Nhà cổ trong làng
Sừng bò tót
Bạn có thể nằm trên những chiếc giường cẩn xà cừ và đá cẩm thạch như vầy
Hay nằm trên bộ ván để hồi tưởng lại ngày xưa nằm trên ván để ăn bánh tét nhưn mây
Đây là tranh kiếng, có ai còn nhớ không?
Còn đây là xe kiếng, mấy mươi năm trước làm xe mì, hủ tiếu đó!
Năm 2012, làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. Nhưng thôi, không cần quan tâm ba cái vụ kỷ lục đó, chỉ cần biết rằng đây là một loại hình tham quan độc đáo, là các kiến trúc cổ được quy tụ lại thành ngôi làng, một dạng bảo tàng đặc biệt để vừa thư giãn, vừa tìm hiểu là thích rồi!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét