16 thg 6, 2017

Nhà thờ Tắc Sậy - Cha Diệp

1.
Lần đầu tiên tôi nghe đến tên Cha Diệp là vào năm 2001. Khi ấy, trên đường trở về từ một chuyến công tác ở Cà Mau, các bạn nhân viên cùng đi với tôi - là người công giáo - xin được dừng xe ở Tắc Sậy để viếng Cha Diệp.

Đó là một ngôi nhà thờ nhỏ mang tên nhà thờ Tắc Sậy, trong khuôn viên nhà thờ có ngôi mộ khá đơn sơ của một vị là linh mục Trương Bửu Diệp. Các bạn tôi gọi đây là Nhà thờ Cha Diệp.

Lúc ấy tôi chưa biết Cha Trương Bửu Diệp là ai, nhưng nhìn dáng vẻ hết sức thành tâm và cung kính của các bạn ấy, cùng vô số bảng ghi ơn gắn đầy trong khuôn viên nhà thờ, tôi hiểu rằng đây là một vị linh mục được quý trọng và thiêng liêng đối với giáo dân.

Mộ của linh mục Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, năm 2001.

2.
Lần thứ hai tôi đến nhà thờ Tắc Sậy là năm 2005. Khi ấy tôi đi cùng đoàn hành hương của các... bà già. Các bà vừa cúng vái, cấu khấn ở miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc trong đêm, và rạng ngày lại lên đường đi tiếp đến Tắc Sậy để tiếp tục... cầu nguyện với Cha Diệp vào sáng hôm sau!

Những người đó vừa hết sức thành tâm cầu nguyện trong nghi ngút khói hương ở miếu Bà Chúa Xứ. Và bây giờ, cũng vẫn những con người ấy đang quỳ cầu nguyện bên mộ Cha Diệp với sự thành tâm không kém.

Một ít người trong số đó vào dự lễ trong nhà thờ, và tôi hiểu rằng rất nhiều người không hề theo công giáo, họ đến đây vì tin vào sự linh thiêng của Cha Diệp mà thôi.

3.

Tượng Cha FX Trương Bửu Diệp

Các bạn là giáo dân chắc hiểu biết rất nhiều về thánh tử đạo Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Tôi xin mạn phép ghi lại đôi điều mình biết được nơi đây:

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01/01/1897, thụ phong linh mục năm 1924 tại Phnom Penh. Ông trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu từ tháng 3/1930. 

Ngày 12/03/1946, Cha bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy. Người ta định giết tất cả nhưng ông nói chính mình là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ông thì bị đem đi thủ tiêu. Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ông về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác mình. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ông đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai, có ba vết chém khác trên người.

Các vị chức sắc lén đưa xác ông về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ngày mất của Cha là ngày 12/03/1946, nhằm ngày mồng 09 tháng 02 năm Bính Tuất. Năm 1969, hài cốt linh mục Trương Bửu Diệp được cải táng, di dời về Nhà thờ Tắc Sậy, nơi ông đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha Sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

[Về những người giết Cha Trương Bửu Diệp, các tư liệu trước đây nói rằng đó là Việt Minh, tài liệu của chính quyền VN sau 1975 nói rằng đó là người Nhật. Hiện nay, có lẽ vì những lý do tế nhị, các văn bản của công giáo đều gọi những người giết Cha là người ta và họ mà không xác định họ là ai!]

Năm 1989, ngôi mộ của Cha Diệp được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau Nhà thờ Tắc Sậy (đó chính là ngôi mộ trong ảnh trên). Đầu năm 2010, một ngôi nhà mộ khang trang và hiện đại được xây dựng và hài cốt của Cha Diệp lại được cải táng lần nữa, cách chỗ cũ khoảng hơn chục mét.

Nhiều năm gần đây, nhiều người dân ở Nam Bộ (giáo dân và cả những người theo tín ngưỡng khác) thường đến phần mộ của Cha Diệp đến khấn xin, vì tin rằng Ngài có thể ban phước cho mình.

4.
Tôi đến nhà thờ Tắc Sậy lần gần đây nhất là tháng 4/2017. Bây giờ nơi đây được xây dựng lại rất khang trang, hiện đại và gọi là Thánh đường Tắc Sậy. À, có người vẫn nói rằng nhà thờ Tắc Sậy ở Cà Mau, thật ra nơi tọa lạc của ngôi nhà thờ này là nằm ngay bên quốc lộ 1, thuộc ấp 2, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nơi này là giáp ranh với tỉnh Cà Mau.


Thánh đường Tắc Sậy

Ngôi nhà mộ của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được xây dựng lại rất khang trang


Bên trong nhà mộ

Bia lưu niệm tại vị trí ngôi mộ cũ của Cha Diệp

Lượng người đến viếng Cha Diệp rất đông, nên người ta xây dựng hẳn một Trung tâm Hành hương Cha F.X. Trương Bửu Diệp

Tôi không phải người công giáo và cũng ít tin vào các yếu tố tâm linh, nên thú thật là tôi chẳng cầu nguyện gì khi đến với phần mộ cha Trương Bửu Diệp hay miếu Bà Chúa Xứ. Tuy nhiên, tôi vẫn đến những nơi này và ngắm nhìn mọi người cầu nguyện với tấm lòng thành kính. Niềm tin vẫn luôn giúp chúng ta sống an bình và vững bền hơn mà, phải không các bạn?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét