2 thg 6, 2017

Giếng nước Mỹ Tho, có "miệng giếng" rộng 7 ha!

Hôm bữa tui có kể về cái giếng nước lớn nhứt Việt Nam (hổng chừng là cả thế giới luôn nữa), đó là giếng nước Mỹ Tho, kèm theo một số thắc mắc. Bữa nay, sau khi... lặn xuống giếng tìm hiểu một hồi tui viết thêm bài này để giới thiệu thêm một số thông tin mới biết được.

Tự điển tiếng Việt định nghĩa Giếng như sau: Hố đào thẳng đứng, sâu vào lòng đất, dùng để lấy nước. Mở rộng ra hơn nữa, ta có giếng dầu do các giàn khoan đào ngoài biển khơi. Dù là giếng nước hay giếng dầu đi nữa thì hình ảnh chung của cái giếng là độ sâu lớn hơn nhiều so với miệng giếng.

Thôi, không kể giếng dầu là thứ đặc biệt (và thường là rất lớn), ở đây ta chỉ xét giếng nước thôi. Có ai không biết cái giếng là gì hông? Ờ, thì giếng nước là vầy nè:


Vậy cái này phải cái giếng hông?



Tui cảm thấy băn khoăn ghê lắm, nhưng câu trả lời chính thức thì đúng nó là cái giếng
Gọi đầy đủ là Giếng Nước hoặc Giếng Đôi (vì gồm 2 cái giếng). Tên của nơi có cái giếng này là Công viên Giếng Nước, thuộc thành phố Mỹ Tho. 

Thông tin về Giếng nước Mỹ Tho ghi trong Địa chí Tiền Giang như sau:

“Giếng nước Mỹ Tho là một hệ thống gồm 2 giếng được đào với mục đích trữ nước cấp cho Thành phố Mỹ Tho:

Giếng nhỏ nằm kề sông Tiền giới hạn bởi các đường xe lửa (Bắc, nay là Lý Thường Kiệt), Doudard de Lagrec (Đông, nay là Yersin), đường tỉnh số 26 (Nam, nay là Lê Thị Hồng Gấm) và đường Tết Mậu Thân hiện nay (Tây). Giếng nhỏ dài trung bình 190 m, rộng 85 m.

Giếng lớn ở ngay phía Bắc giếng nhỏ, kéo dài từ đường Lý Thường Kiệt (Nam) đến đường Ấp Bắc hiện nay (Bắc), phía Tây và Đông vẫn là đường Tết Mậu Thân và Yersin. Chiều dài giếng lớn là 800 m, bề rộng như giếng nhỏ.

Giếng nhỏ thông với Sông Tiền qua một cống ngầm dưới đường Lê Thị Hồng Gấm và 2 giếng thông nhau cũng bằng một cống ngầm dưới đường Lý Thường Kiệt. Trước đây nước từ sông được lấy trữ trong giếng nhỏ để lắng bớt phù sa sau đó cho vào giếng lớn và cấp cho nhà máy nước. Hiện nay nhà máy đã không còn lấy nước từ giếng nữa, tuy vậy nước ngoài sông vẫn được cho vào, chủ yếu để tạo cảnh quan đô thị. Đến năm 1988 bờ giếng lớn phía đường Ấp Bắc và đường Lý Thường Kiệt bị xói lở dần ảnh hưởng đến sự ổn định của đường, vì vậy hai đầu giếng lớn đã được lấp cạn một đoạn khá dài để vừa gia cố đường vừa hình thành công viên. Năm 1998-1999 mái bờ của 2 giếng được lát đá hộc, quanh giếng xây lan can như hiện nay.”


Mô tả giếng nước Mỹ Tho như vậy khá chi tiết, nhưng tài liệu này chưa nói giếng nước Mỹ Tho... ở đâu ra! Tui lò dò... lặn xuống giếng tìm hiểu thì biết thêm:

Tác giả Nguyễn Ngọc Phan trong “Trăm năm dâu bể” cho biết về xuất xứ của Giếng Nước Mỹ Tho: Giếng nước Mỹ Tho nguyên thủy là hào thành Định Tường được đào năm 1826. Lúc chiếm Định Tường (1862), đề phòng nghĩa quân tấn công, chính quyền thực dân đã cải tạo hào thành nầy thành kinh, đặt tên là kinh Nicolais. Kinh Nicolas theo thời gian bị bùn lấp cạn dần. Hai bên bờ cỏ lau rậm rạp. Đến năm 1927, kỹ sư người Pháp Partilény lập đề án cải tạo kinh Nicolas thành hồ chứa nước. Công trình này hoàn thành năm 1933, đây là thời điểm nó được gọi là Giếng nước Mỹ Tho như ghi trong Địa chí Tiền Giang.

Như vậy, xuất xứ và mô tả Giếng Nước Mỹ Tho khá rõ ràng. Tuy nhiên, có một thắc mắc chưa được giải đáp: Tại sao lại gọi đây là “giếng” mà không phải là “hồ”?

Như ta thấy, xuất xứ đây là hào, rồi thành kinh, từ kinh chuyển thành hồ chứa nước. Vậy mà không gọi là hồ, lại gọi là giếng. Ta có thể tính được diện tích mặt giếng nhỏ là 16.150 m², diện tích mặt giếng lớn là 68.000 m². Như vậy, giếng lớn có “miệng giếng” rộng tới… gần 7 ha, đây có lẽ là miệng giếng rộng nhất Việt Nam!

Giếng nước Mỹ Tho trên Google Maps

Hầu hết người dân Mỹ Tho đều tỏ ra quá quen thuộc với cái tên Giếng Nước quê mình đến mức chẳng buồn thắc mắc vì sao cái giếng lại… to như thế! Khi được hỏi thì họ ngẩn ngơ một chút, rồi có người giải thích: Tại vì nó chứa nước để uống nên gọi là giếng, còn hồ là chứa nước để… tắm!

Anh Mai Việt Hùng – một người thuở nhỏ sống ở Tiền Giang – nêu ra một lý giải khá thú vị: Người Định Tường xưa (tức Tiền Giang ngày nay) rất khiêm tốn. Họ luôn thu mình lại trước các sự việc bất kỳ. Thí dụ như con sông có bến phà qua Kiến Hòa ngày xưa (tức Bến Tre ngày nay) nó tên là “Rạch Miễu”, dù nó rộng bằng 20 con rạch nhập lại. Chiều dài cầu Rạch Miễu bắc qua “con rạch” này là 2.868 met, trong khi cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền chỉ dài 1.535 met cho thấy “con rạch” này rộng tới cỡ nào! Vậy thì chuyện họ gọi cái hồ lớn thành cái giếng cũng là lẽ thường thôi.

Dù giải thích thế nào đi nữa, một điều hiển nhiên rằng Giếng nước Mỹ Tho là một thắng cảnh ở thành phố này, đáng để ta đến tham quan và trầm trồ: Đây là cái giếng lớn nhất Việt Nam!


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: