14 thg 6, 2017

Rối như mớ bòng bong

Chắc mọi người thường xài cụm từ rối bòng bong, hoặc là rối như mớ bòng bong để diễn tả một sự rối rắm quá xá.

Nói, và hiểu rằng cái mớ bòng bong ấy là cái sự rắc rối lắm lắm, chớ ai mà hỏi bòng bong là cái gì mà rối dữ vậy thì... đúng là rối bòng bong!

Khi đi Xẻo Quít, Đồng Tháp tui thấy rất nhiều loại dây leo như hình dưới này, nó quấn chằng quấn chịt từ dưới gốc lên ngọn cây lớn. Hỏi dây gì vậy và được trả lời là dây bòng bong. 


Dy bng bong

Dy bng bong

Anh bạn Đồng Tháp nói thêm: Bởi vậy người ta mới kêu là rối bòng bong đó anh!

À, ra là vậy! Bòng bong là một thứ dây leo mọc hoang, và thường quấn quít quanh những cây lớn. Nó sinh sôi nhanh, nhiều và quấn quít chằng chịt đến mức chẳng biết đâu mà lần. Bởi vậy người ta mới gọi là rối như dây bòng bong.

Có một bạn không đồng ý với giải thích này và cung cấp cho tui thông tin là: theo từ điển Khai Trí Tiến Đức online thì mớ bòng bong là tên gọi các xơ tre mảnh quấn quanh nhau khi ta gọt tre. Tui ghi nhận ý kiến này và đăng lại đây để mọi người cùng tham khảo. Riêng tui, vẫn cho rằng thành ngữ Rối như mớ bòng bong là xuất phát từ dây bòng bong mà ra.

Mới đây, vô rừng Phước Bửu, Xuyên Mộc tui lại gặp nhiều dây giống như bòng bong, xin đăng hình lại đây (Ghi chú: vị trí có dây này là vùng rừng tràm ngập nước trong khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bửu, tuy nhiên hiện tại vùng này đang cạn nước):




Thông tin khoa học về dây bòng bong như sau: (theo tài liệu Cây cỏ Cà Mau, Le Quang Thuong thực hiện, trên Wikipedia thì khác một chút xíu và vắn tắt hơn nhiều)

Tên khoa học: Lygodium microphyllum
Hình dáng: Dây leo nhờ sống lá quấn có thân ngầm
: Lá kép lông chim 2 - 3 lần, dài nhiều mét, thứ diệp mang 2-6 cặp tam diệp cạnh, tam diệp chót thường chẻ đôi, lá phụ mỏng, cứng, không lông, cuống có đốt. Lá thụ ngắn, phiến hình tam giác mang các bào tử nang không cuống ở trên phần kéo dài mép của lá, dài 3 - 4mm xếp xen kẽ.
Nơi sống: Mọc hoang ở khắp vùng đồng bằng, ưa sáng và sinh sản vào đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch. Ở Cà Mau, phổ biến ở khu vực rừng tràm U Minh.


Tên khoa học của bòng bong là Lygodium microphyllum, vì vậy để chứng minh mình là nhà khoa học uyên bác, tui đề nghị thay vì nói rối bòng bong ta hãy nói Rối... Lygodium microphyllum. Sao các bạn có thấy đề nghị của tui nó có rối bòng bong, à không, Rối... Lygodium microphyllum hay không?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét