26 thg 6, 2017

Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa

Hồi xưa, tui mê chơi tem, và mê họa sĩ Vi Vi. Tem thư VNCH phát hành hồi xưa thường thông qua các cuộc thi vẽ tem, mà Vi Vi đoạt giải hơi bị nhiều (vì anh vẽ đẹp quá mà), với tên thật là Võ Hùng Kiệt. Bộ tem Thư viện Quốc gia phát hành ngày 10/04/1974 gồm 2 tem mệnh giá 10 đ và 15 đ, trong đó tem giá 15 đ là của Vi Vi - Võ Hùng Kiệt, đạt giải nhất.


Tui ngắm hình ảnh Thư viện Quốc gia lần đầu tiên qua con tem do Vi Vi vẽ và thích mê luôn. Vì kiến trúc tòa thư viện này quá đẹp, và vì tài vẽ của Vi Vi nữa (cứ so sánh 2 con tem, sẽ thấy trên tem của Võ Hùng Kiệt Thư viện Quốc gia đẹp hơn hẳn). 

Là trẻ con dân tỉnh lẻ Long Khánh, chẳng mấy khi được đi Sài Gòn, nhưng trước 1975 tui cũng có dịp được đi ngang qua đường Gia Long và được chỉ: Thư viện Quốc gia đó! và ngẩn ngơ nói: Đẹp thiệt!

Sau 30/04/1975, Thư viện Quốc Gia Sài Gòn đổi tên thành Thư viện Quốc Gia II trực thuộc Bộ Văn hóa từ 01/11/1976, rồi ngày 14/04/1978, đổi tên thành Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM. Đường Gia Long thì đổi thành Lý Tự Trọng. Tui học đại học Bách Khoa TPHCM từ 1977, nhưng tới năm cuối, khi làm đồ án tốt nghiệp mới xin giấy giới thiệu vô đây đọc tài liệu. Vậy là không chỉ ngắm nhìn bên ngoài, tui được vô hẳn bên trong thư viện xinh đẹp này để đọc sách. 

Những thông tin về tác giả thiết kế, ngày khởi công, khánh thành của Thư viện Quốc gia VNCH có thể đọc được trên bảng lưu niệm này.

Tui sẽ không nói gì về thiết kế, quá trình phát triển, công năng của thư viện này - chỉ nhớ lại những cảm nhận của mình ngày đó thôi. Với ấn tượng và thiện cảm từ thuở ban đầu, những ngày tháng ngồi trong thư viện quốc gia Sài Gòn (ừ, tui vẫn thích gọi tên đó thay vì Thư viện KHTH - TPHCM) rất yên bình, dễ chịu. Không gian trong phòng yên ả, mọi người miệt mài đọc sách, không gian bên ngoài xanh mát. Cảm thấy mình rất sướng và rất... trí thức! Tui nghĩ rằng không riêng tui, mà nhiều bạn sinh viên, học sinh cũng có những kỷ niệm đẹp với thư viện này.

Tiếc rằng hồi đó không có điều kiện để có những tấm hình lưu niệm nơi đây, lượm lặt đồ cổ tìm ra được tấm thẻ thư viện này để... hoài cổ. (Thẻ này làm khi đã được giữ lại trường, làm giảng viên, làm thẻ cán bộ để... oai hơn!).


Thế rồi tui mất dạy, rời trường ĐH Bách khoa để về Biên Hòa. Và phải thú thật là sau này hầu như không khi nào có nhu cầu vô thư viện đọc sách, thư viện quốc gia Sài Gòn dần chìm vào quên lãng.

Hôm qua, 25/06/2017, tui đến Thư viện KHTH TPHCM, không phải để đọc sách, mà để tham quan triển lãm ảnh Sắc màu Cuộc sống của Phạm An Dương và các bạn. Nhìn cảnh cũ (người thì hơi cũ cũ, còn bản thân mình thì cũ mèm) tự nhiên thấy lòng xao xuyến lạ.

Người xưa cảnh cũ

Phù điêu chim phụng tuyệt đẹp bên hông thư viện, được thể hiện khéo léo bằng background trên con tem của Vi Vi. Nhưng bây giờ không thể ngắm chụp được hình ảnh này mà không có cây đu đủ, mái tôn rỉ sét cùng các kiến trúc lôm côm xung quanh.

Vui với thành công của các bạn trong cuộc triển lãm, còn bản thân mình cũng thấy có đôi chút lâng lâng trong hoài niệm quá khứ. Ừa, vậy đó, già rồi nhớ lại hồi xưa cũng là điều dễ chịu chớ. Phải hông?

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Cho con hỏii bảng lưu niệm thư viện là chú đã chụp ạ? Chụp khi nào? Mấy lần tới đây, con cố ý đi quanh tìm mà không thấy tấm bảng lưu niệm.

    Trả lờiXóa