Lần dò tìm hiểu thì được biết như sau:
Núi ông Sảnh nằm trong quần thể núi đá xanh bao gồm núi Bửu Long và Châu Thới, nằm rải rác hai bên bờ sông Đồng Nai. Vị trí núi Ông Sảnh khoảng giữa núi Bửu Long và Châu Thới, tính theo đường chim bay. Người ta kể lại rằng xưa kia có ông tiều phu tên Sảnh thường lên núi đốn củi. Sau, do già yếu, ông mất ở trên núi. Từ đó người ta gọi đây là núi ông Sảnh.
Cuối thế kỷ 19, Huyện hàm làng Tân Vạn, tổng Chánh Mỹ Thượng, tỉnh Biên Hòa là Trần Ngọc Du đã cho khai khẩn vùng núi ông Sảnh rộng 3,7 ha để lập chùa. Năm 1903, chùa Vạn Linh được khởi dựng với diện tích 200 m2. Kiến trúc chùa kiểu cổ, rộng ba gian, quay về hướng Nam.
Ông Trần Ngọc Du sau khi nghỉ hưu đã về tu ở chùa Vạn Linh và mất năm 1932.
Từ ngoài nhìn vào, chùa ở vị trí trên gò cao
Ao ở bên cạnh chùa
Sau gần 70 năm, ngôi chùa xuống cấp nặng và được đại trùng tu năm 1970, có kiến trúc như hiện nay. Chùa có diện tích mới là 306 m2, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), trong đó chánh điện được xây lại dựa trên nền móng cũ với kiến trúc tứ trụ mặt quay về hướng Đông.
Từ ngoài đường lộ đi vào, qua khỏi cổng chùa, khách đi qua đoạn dốc dài để lên chùa, gợi nhớ lại ngày xưa vị trí của chùa là đỉnh núi Ông Sảnh. Bên cạnh chùa vẫn còn những tảng đá to, vết tích của núi đá. Với vị trí, địa thế như vậy, cảnh quan chùa Vạn Linh là sơn thủy hữu tình.
Hầu hết các tượng thờ trong chùa (trừ tượng Phật Thích Ca có vào năm 1970, thời điểm trùng tu chùa) đều có từ thời ông Trần Ngọc Du, tức khoảng 100 năm.
Một di tích rất đặc biệt là khu mộ cổ của ông bà Trần Ngọc Du, ở phía trái của mặt tiền chùa. Khu mộ có vòng thành bằng đá ong cẩn đá gạch gốm men xanh dương và tượng gốm men Biên Hòa, được lập năm 1933.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét