27 thg 6, 2018

Quan Âm tu viện Biên Hòa - Tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non Bồng

Trên quốc lộ 1K từ TPHCM về Biên Hòa, lúc sắp đến cầu Hóa An du khách sẽ nhìn thấy bên tay phải có một khuôn viên yên bình rợp bóng cây xanh, đó là Quan Âm Tu viện. Ngôi chùa này có vị trí rất đẹp, phía trước là dòng sông Đồng Nai, phía sau là núi Châu Thới, cảnh quan yên bình tĩnh lặng, với những rặng cây cao. Quan Âm tu viện là Tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non bồng, là nơi liên hệ của 172 cơ sở thờ tự trên toàn quốc cùng một môn phong pháp phái, một Thầy Tổ với danh nghĩa tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật Đường.



Nếu bạn là khách phương xa đến Biên Hòa, đây là một nơi tôn nghiêm có nhiều ý nghĩa với người kính ngưỡng Phật pháp; một nơi có nhiều cảnh quan kiến trúc, điêu khắc đẹp mắt, hài hòa; một điểm đến vãn cảnh yên bình, thơ mộng với người yêu thiên nhiên. Với người sống ở Biên Hòa, đây ngoài việc là nơi viếng chùa lễ Phật của Phật tử còn là nơi đến để có những phút giây yên ả tạm quên đi những náo nhiệt ồn ào nơi phố thị.

Hình ảnh dưới đây chụp vào năm 2017 và 2018.


Thánh tháp Bô tát Quan Thế Âm

Tượng Phật nơi chánh điện

Tượng Địa Tạng, được thỉnh về từ Nghĩa trang Đô thành khi nghĩa trang này bị giải tỏa.

Nơi thờ tự

Tháp của Hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước, người khai sinh ra phái Tịnh độ Non bồng



Những thông tin về nguồn gốc và các công trình kiến trúc ở tu viện dưới đây được trích và tổng hợp lại theo bài viết của HT Thích Giác Quang ngày 15/9/2017 trên website Tịnh độ Non bồng (www.tinhdononbong.com).

Nguồn gốc

Quan Âm tu viện Biên Hòa có xuất phát từ Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh, Bà Rịa). Năm 1965, Tổ đình Linh Sơn bom đạn chiến tranh khiến 9 tăng ni Phật tử tử vong và 30 tăng ni Phật tử khác bị thương nặng. Đứng trước ngôi già lam trên 200 năm gầy dựng, trải qua 10 đời trụ trì nay phúc chốc trở thành hư không. Hòa thượng Tôn sư trụ trì Thích Thiện Phước và Ni trưởng Huệ Giác Tông trưởng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng quyết định dắt dìu trên 600 tăng ni, Phậ tử và 200 cháu cô nhi không nơi nương tựa di tản về Biên Hòa tìm đất xây dựng lại chùa.

Tại đây, cư sĩ Phạm Văn Hai (sau này là Đại đức Thích Thiện Hải tu tại Quan Âm tu viện) và quý ông Phạm Văn Sức, Phạm Văn Tàu cùng toàn thể gia tộc họ Phạm đã phát tâm cúng dường khu đất thổ cư rộng 1,6 hecta tại ấp Tân Bản, tổng Chánh Mỹ Thượng, xã Bửu Hòa, TP Biên Hòa (nay nằm trên dường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 3, phường Bửu Hòa. TP Biên Hòa) để xây dựng ngôi tu viện và cô nhi viện. Tu viện được khởi công ngày mùng 08 tháng 4 năm Bính Ngọ (27/05/1966), khánh lạc ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (02/03/1969).

Quan Âm tu viện được xây dựng trên một quả đồi cao thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm ngay bên quốc lộ 1K nhưng tu viện vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng, thanh tịnh. Những dãy nhà làm học viện, am phòng tăng ni, trai đường, liêu, thất, phòng chẩn bệnh …kết hợp với ngôi chánh điện, đền đài, bảo tháp  vươn lên giữa trời xanh tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh, ẩn bóng dưới những rặng cây bồ đề, cây công chúa, cây dầu cổ thụ...


Các công trình kiến trúc

Quan Âm tu viện có tất cả 48 công trình lớn nhỏ chia làm nhiều khu vực.

Khu vực thờ tự ở gần cổng ra vào, trung tâm là ngôi chánh điện diện tích 94,5 
m2 (10,5 x 9m), tường gạch, mái tứ giác lợp ngói tây, giữa đỉnh nóc có trang trí bầu linh dược Bửu tháp của Đức Bồ tát Quan Thế Âm. Trung tâm Chánh điện thờ đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thiền định trên tòa sen tượng cao 2,5 mét, chất liệu xi măng do nhà điêu khắc Minh Dung sáng tạo (2/1967). Sau Chánh điện có các công trình : điện thờ Thiên Thủ thiên nhãn, tháp thờ đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tháp tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng bằng ciment cao 3,6m đúc ngày rằm tháng giêng 1981. Tháp của Hòa thượng tôn sư Thích Thiện Phước (1924-1986) , 9 tầng, cao 12 mét, xây dựng năm 1986, khánh thành này 30/7 âl (1988), các tháp của Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Chơn (1935 – 1977), tháp của Hòa thượng Thích Giác Châu (1935-1998) , kế tiếp là Bảo đồng của Đại đức Thích Thiện Hải (1923-1999), người cúng dường đất xây tu viện. Phía sau là tháp Địa Tạng Bồ tát,  do nhà điêu khắc Mai Lân tạc năm 1970. Ngoài ra còn có tháp A Di Đà cao 7,5 mét.

Nổi bật ở nơi thờ tự là thánh tháp Huyền diệu Quan Thế Âm Bồ tát sừng sững uy nghiêm. Đây là biểu tượng chính của Quan Âm tu viện. Tháp được khởi công xây dựng vào ngày 19/06 âl, năm Mậu Thân (1968), khánh lạc ngày 19/09 âl, năm Canh Tuất (1970) do Ni trưởng Huệ Giác phác họa và chỉ đạo thi công. Tháp xây kiểu tứ trụ bằng vật liệu bền vững, cao 12 mét, bốn mái uốn cong nhẹ nhàng thanh thoát. Tượng Quan Thế Âm bằng đá trắng tinh khiết, cao 7m. Có thể nói đây là pho tượng Phật bằng đá lớn nhất ở Biên Hòa.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét