Đầu thập niên 1990, giới kiến trúc và dân du lịch xôn xao với một công trình đặc biệt: Ngôi nhà trăm mái của kiến trúc sư Lữ Trúc Phương. Ngôi nhà nằm ở đường Đinh Tiên Hoàng, TP Đà Lạt. Thoạt tiên đây chỉ là ngôi nhà 2 mái bình thường như bao nhiêu ngôi nhà khác, nhưng KTS Lữ Trúc Phương bằng tài hoa và những suy nghĩ phá cách của mình đã thiết kế và biến nó thành ngôi nhà 100 mái. Ngôi nhà mở cửa cho khách tham quan và nhận được rất nhiều ý kiến thán phục của giới chuyên môn và du khách.
Nhà trăm mái của KTS Lữ Trúc Phương
Tiếc thay, đầu năm 1992, chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ nhân phải dỡ bỏ ngôi nhà trăm mái với đủ thứ lý do: vi phạm Luật Đất đai, xây dựng không phép, ngôi nhà không đảm bảo an toàn, lôi kéo du khách trái phép...
Thế là một công trình độc đáo của Đà Lạt, tâm huyết của một nhà nghệ sĩ trở thành hoài niệm... Tôi chưa có dịp đến để nhìn tận mắt công trình này. Thật đáng tiếc!
Cà phê Đường lên trăng - Nhà trăm mái
Không từ bỏ những ước mơ kỳ quái của mình, Lữ Trúc Phương xây dựng một công trình khác: quán cà phê Đường lên trăng - Nhà 100 mái. Quán cà phê này là một ngôi nhà có kích thước 5 x 20 m, nằm tại số 26 đường Phan Bội Châu, Đà Lạt.
Bên ngoài quán cà phê Đường lên trăng - Nhà 100 mái
Ở đó, trong không gian một căn nhà phố, ông đã thiết kế và xây dựng nên một mê cung độc đáo. Khi bước vào đây, cứ qua mỗi cánh cửa là ngỡ ngàng gặp một hình ảnh kiến trúc lạ. Càng đi, càng ngắm nhìn, càng bị cuốn hút. Ta có thể bước cả ngày trong đó. Và trong miền kiến trúc như thế, từ dưới lòng đất khi đột nhiên bước lên một sườn đồi, gặp ngay cả bầu trời, gặp trăng - nếu đang đêm.
Ở đây thực sự không có 100 mái nhà, có lẽ tên gọi Nhà trăm mái gắn với Đường lên trăng chỉ nhằm để hoài niệm một tác phẩm đã không còn của Lữ Trúc Phương mà thôi. Quán cà phê này hiện vẫn còn tồn tại ở Đà Lạt. Tôi có đến đây vài lần, và thú thật là ngoài cảm nhận vẻ độc đáo về thiết kế của ngôi nhà thì lại không cảm thấy có không gian thoải mái lắm khi ngồi uống cà phê. Dù sao, nếu là du khách đến Đà Lạt cũng nên đến đây để biết thêm một nét độc đáo nơi xứ lạnh này.
Khu du lịch Lá Phong và ngôi nhà 132 mái
Ngày 26/5/2017, một khu du lịch mới ra đời: Khu du lịch Lá Phong, số 45, đường Đặng Thái Thân, Phường 3, thành phố Đà Lạt, do công ty TNHH Vĩnh Xuân đầu tư xây dựng. Nơi đây thu hút người xem bởi những khu rừng cây và các loài hoa đặc hữu, những công trình kiến trúc gắn với những câu chuyện cổ tích và phỏng sinh học, hồ cá Koi và những cây bonsai…Như tên gọi, đặc trưng của nơi đây là lá phong. Bên trong khu du lịch rộng 4,84 ha này trồng 2.000 cây phong, ngoài ra còn có khoảng 20.000 cây tùng bút, 500 cây anh đào, hàng trăm cây lá kim đặc hữu quý hiếm của Đà Lạt, cùng với hơn 2.000 cây chè Shan tuyết, nhiều loài thảo dược và nhiều loài hoa khác…
Hai công trình kiến trúc điểm nhấn của khu du lịch Lá Phong là Nhà Trống và Nhà Mái. Đây là một sự chơi chữ khá thú vị. Bởi vì Nhà Trống không phải là gà trống, giống đực (masculine) mà là căn nhà xây dựng theo hình cái trống (drum); còn Nhà Mái không phải là gà mái, giống cái (feminine) mà là ngôi nhà 132 mái (tiles).
Ngôi nhà với 132 mái biểu tượng của 132 chiếc lá liên kết với nhau tạo nên một nét đặc trưng của khu du lịch Lá phong Đà Lạt. 132 mái nhà được các kiến trúc sư tạo hình như một kim tự tháp, mang đến một nét kiến trúc mới lạ. Theo chủ nhân, sở dĩ tòa nhà được thiết kế như vậy là để kết hợp năng lượng kim tự tháp thời đại mới với lá phong tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc, sức khỏe và sự may mắn.
Chủ nhân không cho biết kiến trúc sư, tác giả ngôi nhà 132 mái là ai. Điều chúng ta biết chắc chắn là ngôi nhà 132 mái này sẽ không bị tháo dỡ như nhà 100 mái của Lữ Trúc Phương 25 năm trước, vì do một công ty xây dựng nên, có giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh hẳn hoi. Điểm khác biệt nữa là chi phí xây dựng được đầu tư lớn hơn rất nhiều so với số tiền còm cõi của một cá nhân KTS Lữ Trúc Phương, diện tích xây dựng cũng rất thoải mái (trên khuôn viên chung gần 5 ha) chứ không phải bị bó hẹp như ngôi nhà trăm mái ngày nào.
Và bạn, với tư cách một khách du lịch, có thể mua vé để vào đây, rồi vào ngôi nhà 132 mái tham quan, uống nước. Hãy chọn những góc đẹp nhất để chụp ảnh cùng ngôi nhà 132 mái này.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét