1 thg 2, 2021

Tà Pạ

Có lẽ dân du lịch - săn ảnh biết đến cái tên Tà Pạ là từ cánh đồng Tà Pạ. Người ta nói với nhau rằng ở phía Nam cũng có nơi có ruộng bậc thang giống như những ruộng bậc thang vốn đã rất nổi tiếng ở Tây Bắc, nơi đó là Tà Pạ. Thật ra không hẳn như thế, nhưng cánh đồng Tà Pạ cũng là cảnh đẹp thu hút mọi người.

Cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km, thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cánh đồng Tà Pạ được xem là cánh đồng độc đáo nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ có tập quán “làm ruộng vần công” của những người Khmer.

Người nông dân Khmer mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ…


Sự trong lành, mát mẻ của không khí nơi đây, cùng với những hàng cây thốt nốt cao vút bao quanh cánh đồng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một bức tranh đồng quê thật sinh động, mơ màng.

Để có thể có những góc ảnh đẹp, người ta tìm một vị trí cao để chụp xuống, đó chính là đồi Tà Pạ ở bên cánh đồng, cao 45 met. Và khi lên đồi người ta gặp một điểm đến đặc sắc khác: chùa Tà Pạ.



Ngôi chùa theo Phật giáo Nam Tông có kiến trúc Khmer đặc trưng. Công trình đồ sộ uy nghi, được chạm trổ điêu khắc tinh xảo, đắp nối nhiều tranh tượng phù điêu hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cây No…. mang tính nghệ thuật cao.

Và cũng từ đó nhìn xuống, người ta thấy một hồ nước trong xanh, huyền ảo, nằm bên cạnh những vách đá lô nhô, thật lãng mạn. Đó là hồ Tà Pạ. Giới trẻ say mê với cảnh đẹp này, đổ xô đến chụp ảnh và tặng cho biệt danh Tuyệt tình cốc của miền Tây (gợi nhớ đến Tuyệt tình cốc trong Thần điêu đại hiệp của Kim Dung).


Thật ra hồ Tà Pạ không phải là hồ nước tự nhiên, nó là do khai thác đá mà thành, cách đây khoảng 30 năm. Quá trình hình thành hồ Tà Pạ tương tự như hồ Long Ẩn ở Bửu Long (Biên Hòa). Nếu hồ Long Ẩn được tạo nên do khai thác đá ở núi Long Ẩn, thì hồ Tà Pạ được tạo nên do khai thác đá ở núi Tà Pạ mà thành. Núi Tà Pạ trước đây cao 120 met, sau thời gian dài khai thác đá, nay chỉ còn cao 45 met và người ta không còn gọi là núi nữa mà gọi là đồi Tà Pạ. Hồ Tà Pạ cũng được gọi là Hồ đá đồi Tà Pạ.


Khách quan mà nói, về quy mô thì hồ Long Ẩn lớn hơn hẳn hồ Tà Pạ, và về vẻ đẹp thì chưa chắc ai hơn ai. Thế nhưng chính cái quy mô nhỏ hơn ấy lại mang đến nét đặc sắc riêng của hồ Tà Pạ.



Hiện nay, khu vực hồ Tà Pạ vẫn là một nơi hoang sơ và mọi người có thể đến chụp ảnh, ngoạn cảnh miễn phí. Chỉ có bảng lưu ý là nước sâu nguy hiểm, đừng tắm (nước hồ sâu 7 met, và đã từng có người chết ở đây). Tuy nhiên, nghe đâu người ta đang quy hoạch nơi đây thành khu giải trí để tận dụng lợi thế trời cho. Khi tui tới đây đã thấy có dựng một cổng khá lớn để chào đón. Chừng nào họ bán vé thì bạn đến đây sẽ tốn tiền nhé.

Hiện giờ tui tới đây chụp hình thì chưa tốn tiền...

...nhưng bạn thấy đó, người ta đặt khối đá làm bảng tên, tạo cặp đôi trái tim (và cổng to ở phía trước, không thấy trên hình) thì phải bán vé để thu lại chi phí chứ! 

Phạm Hoài Nhân

Ghi chú: Tui tò mò tìm hiểu xem Tà Pạ nghĩa là gì, thì biết chắc chắn là tiếng Khmer. Trong các địa danh gốc Khmer thì thường có nghĩa là ông. Pạ là gì thì không biết. Tui lò mò tìm ra được tên gốc bằng tiếng Khmer Tà Pạ được viết là តាបា, bèn thả vô Google Dịch coi nó dịch làm sao. Hóa ra nó dịch là... Ta Ba, nghĩa là nó coi đây là danh từ riêng, phiên âm thôi, hổng dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét