26 thg 2, 2021

Chùa Phật Lớn trên núi Cấm

Đây là tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Tượng có chiều cao 33,6 m (tính từ dưới chân đế đến đỉnh đầu), diện tích bệ tượng 27 x 27 m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Tượng thuộc chùa Phật Lớn, chánh điện nằm cách đó không xa. Ngày 29/5/2013, tượng được công nhận là Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á.


Đây là toàn cảnh chùa Phật Lớn:



Đây là ngôi chánh điện chùa Phật Lớn


Đây là bên trong chánh điện với tượng Phật Lớn


Trên đây là những hình ảnh chụp vào tháng 1/2021 khi tui và nhóm bạn du lịch nửa ngày trên núi Cấm.

Và bây giờ là phần chính câu chuyện mà tui muốn trích để kể lại cho các bạn. Đây là trích đoạn viếng chùa Phật Lớn do học giả Nguyễn văn Hầu kể lại trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn. Chuyến du khảo nửa tháng được cụ Nguyễn văn Hầu và các bạn thực hiện và ghi chép lại vào năm 1951 (cách nay tròn 70 năm) nhưng do nhiều nguyên nhân, mãi đến năm 1970 mới được in.

Bìa cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn, do Hương Sen xuất bản năm 1970

Chùa đã đổ nát không còn gì. Trước nền chùa là một tượng Phật đắp bằng xi măng, cũng bị vỡ ra nhiều mảnh. Một cụ già mặc áo đen ở trong am gần đó, nghe tiếng động ra đón chúng tôi. Cụ đốt một cây nhang cắm vào chiếc lon tạm dùng làm lư hương đặt trước tượng Phật lộ thiên, xá ba xá rồi nói với chúng tôi:
  • Mô Phật, khổ quá đi mấy ông à! Tây hết phá chùa thì tới phiên Thổ đốt, cho cả tới cái tượng Phật này cũng không thoát được cảnh tang thương! Có lẽ bần tăng khổ sĩ là phải chịu đựng như vậy đó!
Thấy cụ già quắc thước, cử chỉ tề chỉnh và lời nói có vẻ con người có học, tôi lễ phép hỏi thăm cụ:
  • Thưa cụ, cụ ở đây một mình?
  • Dạ.
  • Cụ có liên quan gì với sư trụ trì chùa này ngày trước?
  • Có. Tôi là môn hạ của đạo sĩ Bảy Do, Chưởng giáo Nam Cực Đường. Vì nhớ thầy, thương đạo, tôi ở tu nơi này để gìn giữ vết tích xưa.
  • Nam Cực Đường là gì, thưa cụ?
  • Là tên của ngôi chùa này và cũng chính là bản doanh của nghĩa đảng.
  • Nghĩa đảng? Cụ Bảy Do cũng là một nhân vật cách mạng nương bóng Phật Đà?
  • Dạ.
  • Cụ có thể vui lòng cho chúng tôi biết về mọi hoạt động của Nam Cực Đường ngày trước?
  • Được. Mời các ông tạm ngồi xuống thềm đá đây, tôi nhắc qua chuyện cũ cho các ông nghe.
Bản đồ miền Thất Sơn trong sách Nửa tháng trong miền Thất Sơn

Đoạn cụ trầm giọng buồn buồn:
  • Hồi đó, năm 1908, tôi là một giáo viên nặng lòng trách nhiệm, bỏ sở theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Tôi chưa kịp xuất dương sang Nhật thì bể tiếng, phải bỏ trốn. Tôi từ Mỹ Tho chạy về miền Thất Sơn. Bấy giờ Bảy Do vẫn còn sinh sống ở nguyên quán tại làng An Hội, tỉnh Bến Tre.
Ông vốn là học trò cháu của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Bởi ông cha đều tử trận trong các cuộc kháng Pháp, cho nên ông ngoài đường học văn, còn cố công luyện võ để chờ dịp phục thù.

Năm 1911, người ta thấy xuất hiện tại sườn núi Cấm này một thảo am với một đạo sĩ lực lưỡng, mình khoác áo tràng đen chân giẫm đất, đầu búi tóc, ngày hai buổi ngồi thiền nhưng đêm đêm vẫn mài gươm dưới nguyệt. Người nào tò mò dọ hỏi lắm mới biết là đạo sĩ Nguyễn Văn Do, thứ bảy, nên tục gọi Bảy Do.

Tuy đổi với các sơn nhân trong vùng có vẻ như xa lạ, nhưng từ phương xa người ta kéo về quy phục rất đông. Họ đem dâng cúng đủ thứ, kể cả vật liệu xây cất nữa.

Trong số những người đi theo ông Bảy Do đó, có tôi. Ông Bảy dựng lên một ngôi chùa lớn, lấy tên là Nam Cực Đường. Với phương pháp tiên đoán tương lai, làm phù chú giáng phúc trừ họa, Nam Cực Đường thu phục hàng ngàn đệ tử và nơi ấy nghiễm nhiên biển thành tổng hành dinh của một cơ quan chống Pháp.

Pháp thả mật thám giả làm bổn đạo để dò xét. Tông tích bại lộ. Trong năm 1917, chúng đem quân vào vây Nam Cực Đường, tức ngôi chùa mà bây giờ chỉ còn cái nền trước mặt các ông đây. Thu gươm giáo và bị bắt gặp dùng 6.000 chiếc đũa cùng với 20 cái chảo đụn cỡ lớn dành nấu cơm cho hàng ngàn người ăn. Ông Bảy bị bắt sống với hơn chục môn đệ, còn bây nhiêu thì chạy tản lạc vào rừng. Ông bị đưa về giam tại Khám Lớn Sài Gòn và bị kêu án 5 năm cấm cố. Sau đó, bị phát vãng Côn Lôn. Ông Bảy đã cắn lưỡi tử tiết trong đề lao trên hải đảo vào ngày rằm tháng 3 năm Bính Dần (1926), lúc đó mới 45 tuổi.

Nói đến đây, sắc mặt cụ già đượm một vẻ buồn. Cụ tiếp:
  • Những người trước tôi đã hết, đời tôi cũng coi như đã hết, vậy mà quân thù vẫn còn đầy dẫy trên đất nước ta. Các ông còn trẻ, sứ mạng của các ông là phải tiếp tục cho đến cùng những công việc của tiền nhân!
Chúng tôi thảy đều lặng thinh, ngầm ý tán thành lời nói phải.

Nguyễn văn Hầu
(Trích trong Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Hương Sen xuất bản 1970)

Chùa Phật Lớn được xây dựng năm 1912. Khi cụ Nguyễn văn Hầu đến viếng chùa và nghe kể câu chuyện này, đó đã là câu chuyện đời xưa. Còn bây giờ ta đọc lại chuyện của cụ Nguyễn văn Hầu kể, đó đã là chuyện đời xưa của chuyện đời xưa.

Phạm Hoài Nhân
(vài mươi năm sau, nếu blog này còn để cháu tui đọc, nó sẽ biết rằng đây là chuyện đời xưa của chuyện đời xưa của chuyện đời xưa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét