PHN
HUI NHỊ TỲ (2)
Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mả vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè.
Ty kiều lộ chính đô thành phá ngôi mộ nầy, đã khổ sở trước sức kháng cự của chất ô dước nên thối chí không phá sát góc. Nhờ thế ta mới biết được rằng thành phố của ta xây cất trên một bãi tha ma minh mông.
Ở đâu cũng có mồ mả hết, đó là chỉ nói đến những ngôi mả vôi ô dước kiên cố, chớ nếu kể thêm mả đất thì chắc không một thước vuông thổ cư nào mà ở dưới không nghỉ yên một bộ xương nhỏ.
Ở đâu cũng có mồ mả hết, nhứt là Ô Ma. Người ta nói Ô Ma tức là "Phía vũng lầy" (Aux mares) của tiếng Pháp.
Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? Thật là khó hiểu. Vì không cắt nghĩa trôi nên đồng bào miền Bắc đùa rằng Ô Ma tức là ngoại ô có nhiều ma, bằng cớ là mả mồ lểnh nghểnh ở đây.
Nghĩa trang Hóa An - Phước Kiến. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Bạn nào có ờ Sài Gòn đều nhớ rằng thành ngã bảy, trường P. Ký, nhà thương Từ Dũ đều cất trên bãi tha ma đông hằng nghìn nấm mộ.
Mồ mả ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thương Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây và những trưa hè, người ta đong đưa kẽo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhất là tấm bảng hiệu "hớt tóc" cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sệt e dè.
Ma Sài Gòn hợp tác đắc lực với người. Trong chợ Cây Điệp, tại xóm vựa củi có một ông đánh đề.
Ông ấy thua đậm đến cùng đường, nên một chiều kia ông ta ra quì trước nấm mộ đất cạnh nhà mà khấn vái. Lạ sao, đêm đó ông ta trúng to rồi tiếp tục trúng liên tiếp hằng tuần.
Ông ta đã cất nhà ngói hẳn hòi, sửa sang nấm mộ ấy và mãi đến ngày nay, sòng bạc đóng cửa đã lâu mà chiều nào ông ta cũng đem hương khói ra trước mồ để tạ lễ cả.
Ma không bỏ người, mà người cũng chẳng bạc nghĩa, cảm động thay !
Những nấm mồ đất hoang lạnh, lắm khi cũng gặp đại phúc. Thí dụ như một nấm mộ hoang kia ở Bàn Cờ. Mộ nầy được diễm phúc chùa Tam Tông Miếu cất chồng lên. Nó nằm ngay giữa sân trong của nhà chùa.
Thế là mộ đất được phủ lên một lớp xi măng và hưởng hương khói suốt ngày, từ cái thuở mà đại lộ Cao Thắng còn là một con đường to bằng hai bàn tay xòe, mãi cho đến ngày nay mà chùa to thêm và đẹp thêm.
***
Tôi đã chứng kiến cuộc dời mồ của Đại tướng Nguyễn Văn Học từ đường Cây Thị qua góc dinh hành chánh Gia Định và cứ lấy làm tiếc rằng tại sao người ta không bảo tồn "Lục Lăng" như đã bảo tồn mộ của một vị đại tướng kia.
Người Sài Gòn mình thường hay "thăng quan" bất kỳ ai. Mộ quan to họ dám gọi là lăng, thì sáu cái lăng ở ngõ hẻm Lục Lăng bên hông thành Ô Ma chắc là sáu nhân vật quan trọng hơn đại tướng Nguyễn Văn Học nhiều lắm.
Ngày nay sáu cái "lăng" ấy không để lại một dấu vết nào cả, không một nhà bác học kịp nghiên cứu lối kiến trúc đồ sộ của nó và bao nhiêu bảo vật chôn dưới mồ, bảo vật nầy thế nào cũng phải có, vì dưới mộ đại tướng Nguyễn Văn Học đã có kia mà.
Mộ Lái Gẩm ở góc phố Nguyễn văn Tráng năm xưa cũng đã bị hoang phế nhưng giờ được sửa sang giữ gìn. Nhưng mộ này lại không cổ như Lục Lăng!
***
Cuộc đập phá ngôi mộ ô dước kiên cố cuối cùng có lẽ là công tác quật mồ lúc mở con đường Vĩnh Viễn.
Thấy dân phu của ty lộ chính hì hục không ai không tự hỏi tại sao các kỹ sư ta không phân chất mũ ô dước để rồi nhái theo thiên nhiên mà chế hợp chất giống dước. Hợp chất nầy sẽ là một thứ xi măng siêu phẩm được hoan nghinh trên thị trường quốc tế và rủ về nước không biết bao nhiêu là ngoại tệ cần thiết cho nền kinh tế của ta.
°
Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ, nhưng sao mồ mả của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay? Đó là vì mả ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người. Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ? Ba trăm năm! Họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay.
"Này ai ơi ! Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đồng xa, mả con mả lớn, chỗ năm chỗ ba chẳng quan thời dân, chẳng trẻ thời già, trước cũng người cả bây giờ đã ma! Nào tiền, nào của, nào cửa, nào nhà, nào con, nào vợ, nào lợn, nào gà, nào câu đối đỏ, nào mành mành hoa, nào đâu đâu cả mà nay chỉ thấy sương mù nắng rãi với mưa sa!"
Đoạn văn biền ngẫu trên đây là của Tản Đà. Tôi xin mượn để ngậm ngùi thương những ngôi mả cũ bên đường và nhất là ngậm ngùi thương trước những ông ở nhà lầu, đi xe hơi, có bốn cô vợ bé ngày nay.
Năm 1999 tới, các ông cùng sẽ nằm ở xó nào trong đô thành, để cho con cháu chúng ta có dịp mà than thở.
Bình Nguyên Lộc
Nhân Loại, 1957
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét