29 thg 10, 2022

Những điểm nhấn trong báo cáo e-Conomy SEA 2022

Ngày 27/10/2022, Google, Temasek và Bain & Company đã công bố Báo cáo e-Conomy SEA lần thứ 7 với chủ đề Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội. Báo cáo chia sẻ cập nhật về cách các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang theo dõi ở sáu quốc gia - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Năm nay, báo cáo dự đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang trên đà đạt 200 tỷ GMV vào năm 2022, sớm hơn 3 năm so với dự đoán trong báo cáo đầu tiên được chia sẻ vào năm 2016.


Báo cáo đi sâu vào các xu hướng và phân tích sâu về 5 lĩnh vực kỹ thuật số chính: thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận tải, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) - và bao quát thực trạng và triển vọng của bối cảnh tài trợ công nghệ của SEA. Báo cáo thảo luận về tác động môi trường và xã hội của nền kinh tế kỹ thuật số và nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ trong việc cải thiện tính bền vững về môi trường và xã hội.


Các điểm nhấn chính trong báo cáo e-Conomy SEA 2022:

1. Khi việc áp dụng kỹ số được bình thường hóa, chiến lược thu hút khách hàng chuyển đổi sang chiến lược tương tác khách hàng

Trong số 460 triệu người dùng Internet tại khu vực Đông Nam Á, có 100 triệu người đã hoạt động trực tuyến trong suốt 3 năm qua. Sau nhiều năm thúc đẩy, việc áp dụng kỹ thuật số đang dần bình thường hóa. Nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số bắt đầu chuyển đổi chiến lược từ việc thu hút khách hàng mới sang việc tương tác sâu hơn cùng khách hàng hiện tại để tăng mức tiêu thụ và giá trị.

Thương mại điện tử có mức tiếp nhận ngang nhau giữa người tiêu dùng ở khu vực nội thành và ngoại thành, trong khi các dịch vụ thuộc những lĩnh vực còn lại chủ yếu tiêu thụ bởi người tiêu dùng thành thị. Đối với các lĩnh vực như mua hàng tạp hóa trực tuyến, du lịch, âm nhạc theo yêu cầu, mức độ tiếp nhận tại khu vực ngoại thành vẫn thấp và còn nhiều cơ hội để phát triển. Giữa những khó khăn kinh tế vĩ mô toàn cầu, thu nhập khả dụng giảm, giá cả tăng vọt và thiếu hụt sản phẩm đã tạo nên những tác động lớn đối với người tiêu dùng tại Đông Nam Á.

2. Quỹ đạo tăng trưởng của các ngành theo 3 đường xu hướng riêng biệt

Dạng chữ S: Giữ vững vị trí trụ cột, thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 16% tổng giá trị hàng hóa mặc cho một phần hoạt động mua sắm ngoại tuyến đã được nối lại sau đại dịch và sự tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận của các nền tảng kỹ thuật số. Thay vì thu hút khách hàng mới, thị trường đang chuyển đổi sang chiến lược tương tác sâu hơn với khách hàng sẵn có để đẩy mạnh tần suất, giá trị và lòng trung thành. Người bán đang bắt đầu cải thiện lợi nhuận bằng cách cắt giảm các chương trình khuyến mãi, chiết khấu và chuyển hướng sang kiếm tiền từ các dịch vụ giá trị gia tăng.

Quay trở lại đường xu hướng: Tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực kỹ thuật số như Giao đồ ăn và Truyền thông trực tuyến đang chậm lại sau thời kỳ cao điểm của đại dịch. Sau khi đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần trong đại dịch, Giao đồ ăn quay về đường xu hướng , dự kiến đạt 14% mức độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa. Trong số các lĩnh vực phương tiện truyền thông trực tuyến có trả phí, mức tăng trưởng GMV giảm còn 9%; lĩnh vực âm nhạc và video tăng trưởng trở lại bình thường; quảng cáo kỹ thuật số giữ được đà phát triển nhưng ngành game đang chứng kiến sự sụt giảm về mức tiêu thụ.

Dạng chữ U: Lĩnh vực vận tải và du lịch trực tuyến dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi lượng dịch chuyển tăng vượt mức sau đại dịch và du lịch quốc tế được mở lại, đạt mức tăng trưởng lần lượt 43% và 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các lĩnh vực phải đối mặt với những khó khăn như giá nhiên liệu tăng cao, thiếu hụt nguồn cung và các biện pháp hạn chế đi lại chưa được dỡ bỏ ở các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), trong khi nhu cầu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng vọt. Quá trình phục hồi được dự đoán sẽ diễn ra chậm và mất nhiều năm để đạt được mức của năm 2019.

3. Các ngân hàng số hướng đến người tiêu dùng đại chúng và chưa tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, trong khi các ngân hàng truyền thống vẫn đang đẩy nhanh quá trình số hóa

Do sự thay đổi hành vi ngoại tuyến sang trực tuyến sau đại dịch, tăng trưởng hai con số được nhìn thấy trên tất cả các phân ngành của DFS - thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư, bảo hiểm. Các ngân hàng số đang tạo sức hút với giới trẻ thành thạo kỹ thuật số trong khi khách hàng giàu có và có tầm ảnh hưởng vẫn trung thành với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã có tên tuổi dựa trên số dư tiền gửi hiện có và nhiều khoản đầu tư của họ.

Nhờ môi trường tăng trưởng thuận lợi, từ năm 2019, thị trường Dịch vụ tài chính kỹ thuật số trở nên sôi động hơn, đặc biệt với những loại hình mới như ngân hàng số - vốn đang tận dụng mạng lưới nhà bán hàng và người tiêu dùng hiện có để tiếp cận tệp khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Ngược lại, các ngân hàng truyền thống lại dựa vào những thế mạnh vốn có để đầu tư vào những giải pháp nhằm số hóa nhanh chóng. Cả hai loại hình này đều đang cạnh tranh sát sao để giành được sự chú ý của người tiêu dùng đại chúng và những người chưa thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

4. Quỹ đầu tư công nghệ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp sự thận trọng của các nhà đầu tư

Với mức tăng trưởng 15% về các giá trị thương vụ từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, nguồn vốn công nghệ vẫn được duy trì mạnh mẽ và Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng thu hút các khoản đầu tư công nghệ, bất chấp việc các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn trong tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại.

Tại các thị trường tư nhân, các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn dự trữ 15 tỷ USD để duy trì các thương vụ trong khu vực. Tuy nhiên, các khoản đầu tư giai đoạn đầu và giai đoạn cuối đang có những chiều hướng khác nhau - giai đoạn đầu đang phát triển mạnh trong khi giai đoạn cuối có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi các triển vọng xấu trong hoạt động IPO.

Singapore và Indonesia vẫn là các điểm đến đầu tư chính trong năm 2022, trong khi Việt Nam và Philippines đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư ở khía cạnh dài hạn hơn. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số vượt qua thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực đầu tư hàng đầu, với khoản đầu tư kỷ lục 4 tỷ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động thanh toán chiếm thị phần đáng kể trong các thương vụ về Dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Hơn 80% nhà đầu tư mạo hiểm tham gia khảo sát dự tính sẽ tập trung vào các dịch vụ y tế trực tuyến (healthtech), mô hình phân phối dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS) và Web 3.0, trong khi giáo dục trực tuyến (edtech) hạ nhiệt sau đại dịch.

5. Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp là những động lực chính cho sự tăng trưởng bền vững.

Nhận thức về các vấn đề Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp đang tăng lên ở Đông Nam Á và nền kinh tế số có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng thu hẹp khoảng cách ‘nói - làm’ và xây dựng các thói quen bền vững hơn. Khí thải và tài nguyên là những vấn đề môi trường nổi cộm nhất, trong khi chế độ đãi ngộ lao động và tính đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) vẫn là chủ đề xã hội được quan tâm hàng đầu.

Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu nhiều hậu quả và rủi ro nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, dự báo nền kinh tế số của khu vực này sẽ tạo ra 20 triệu tấn khí thải vào năm 2030. Nếu khí thải được tối ưu hóa, lượng carbon của các kênh kỹ thuật số có thể giảm tới 30- 40% và có thể giảm hơn nữa so với các kênh truyền thống.

Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã và đang mang lại những lợi ích xã hội lớn như các cơ hội kinh doanh, việc làm và sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các vấn đề như phúc lợi nhân viên cũng như tiếp cận bình đẳng về tài chính và công nghệ số cần được giải quyết để hiện thực hóa một cách đầy đủ các lợi ích xã hội từ công cuộc chuyển đổi số.

6. Xác định làn sóng hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số bền vững

Nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với GDP ở hầu hết các quốc gia trong khu vực và có thể đạt tới 1.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 nếu có thể khai thác tối đa tiềm năng. Nền kinh tế số vẫn sở hữu nền móng vững chắc cũng như có nhiều cơ hội tăng trưởng cho các lĩnh vực mới và thị trường mới.

Sự tiến bộ trong các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như thanh toán, đầu tư, logistics, truy cập internet và lòng tin của người tiêu dùng đã tạo ra mức tăng trưởng chưa từng có. Để tiếp tục mở rộng quy mô một cách bền vững, nền kinh tế số Đông Nam Á cần thúc đẩy sự phát triển của một loạt các yếu tố tăng trưởng mới. Tăng tốc trên đường đua nâng cao lợi nhuận và đạt được các giải pháp kỹ thuật số toàn diện cho dân cư ở các khu vực ngoại ô, cùng với sự tiến bộ về các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp sẽ là chìa khóa cho sự tiến bộ trong thập kỷ kỹ thuật số.

“Nền kinh tế số Việt Nam sẽ là điểm nóng tăng trưởng vì sở hữu dân số ngày càng đông và nguồn lao động công nghệ nội địa có tay nghề cao”, Fock Wai Hoong, phó trưởng bộ phận Công nghệ & Người tiêu dùng và khu vực Đông Nam Á của Temasek cho biết “Cùng với các doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng, Temasek cam kết sử dụng nguồn vốn xúc tác của mình để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và bình đẳng trong nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á để mọi thế hệ đều thịnh vượng.”

“Nền kinh tế số Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt ảnh hưởng của dịch COVID năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh nguồn nhân lực công nghệ địa phương chất lượng cao, những nỗ lực đáng kể từ phía chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp các lĩnh vực, và sự tập trung của nhà đầu tư vào Việt Nam,” theo Willy Chang, Thành Viên Cộng sự của Bain & Company.

Theo Thông cáo Báo chí ngày 27/10/2022 của Bain & Company, 
bản dịch tiếng Việt của Google Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét