4 thg 10, 2022

Biên Hòa trăm năm trước

Bài viết dưới đây của nhà văn Lý văn Sâm có tựa đề Thành phố Biên Hòa bảy mươi năm về trước, đăng trên báo Văn nghệ Đồng Nai số 9 năm 1986. Từ đó đến nay đã 36 năm, do vậy coi như đây là bài viết về Biên Hòa trăm năm trước. Tui xin đăng lại nguyên văn, dựa theo bản in lại năm 2012 của Nhà xuất bản Đồng Nai. Hình ảnh minh họa về Biên Hòa xưa mượn của Mạnh Hải trên Flickr.

THÀNH PHỐ BIÊN HÒA BẢY MƯƠI NĂM VỀ TRƯỚC
(Ki)

Chợ cá Biên Hòa. Ảnh: Mạnh Hải

Cho tới năm 1916, thành phố Biên Hòa (hồi đó gọi là thị xã Bình Trước) vẫn chưa có điện. Đường sá trải toàn bằng đá xanh lấy ở núi Bửu Long và núi Châu Thới. Có những con đường làng trải bằng đá ong màu đỏ như son. Những con đường chánh trong tỉnh ngày trước đều mang tên Tây. Đường Nguyễn Thị Giang là đường Bataille, đường Cách mạng tháng Tám (Hàm Nghi cũ) mang tên Palasme de Champeaux v.v...

Đường phố chính ở Biên Hòa. Dấu trên tem thư là năm 1909. Ảnh: Mạnh Hải

Đêm đến, phố sá tối om. Phần đông nhà dân đốt đèn dầu hoặc đèn khí đá. Người Hoa ở dài theo các phố chung quanh chợ, nhà nào sang thì thắp đèn măng sông đốt bằng dầu xăng. Nhà của tham biện Tây có máy điện riêng. Nhà những tên thực dân cai trị khác (Cò, Đoan, Tòa, Kiểm lâm v.v...) thắp đèn măng sông. Không có xe hơi (hoặc rất ít). Người có chiếc xe hơi đầu tiên là ông L.C bang trưởng Quảng Đông. Kế đó là gia đình ông P.P.T có hai chiếc xe đò hiệu Unic và Delahaye đưa khách lên xuống Biên Hòa – Sài Gòn. Xe đạp cũng rất ít. Người có tiền mới mua được xe đạp, phổ biến là các nhãn hiệu xe Labor, Dainty, Alcyon. Xe ngựa chưa có bánh cao su mà chạy bằng bánh sắt. Đó là loại xe bốn bánh chạy hai ngựa gọi là xe song mã hoặc xe kiếng, hai bánh trước nhỏ hơn hai bánh sau. Xe chạy qua phố, bánh sắt nghiến đá nghe nhức tai. Ban đêm, bánh sắt nghiến đá xanh, xẹt lên những tia lửa như pháo hoa cải.

Chợ Biên Hòa lợp bằng thiếc. Trước chợ là nhà hội của ban hội tề xã Bình Trước. Tối nào cũng một ông già đầu búi tó, ra trước cửa nhà hội châm lửa đốt đèn. Bình đèn to bằng trái bí sơn màu xanh đỏ lẫn lộn. Sáng ra, cũng chính ông già búi tó ấy cầm một cái ống sắt dài như ống thổi lửa kê vào phía dưới bình đèn và nhón gót thổi tắt ngọn đèn. Ông ta làm cái việc ấy trọn mười năm mới mất.

Cầu Rạch Cát. Ảnh: Mạnh Hải

Về chính trị thì, người dân Biên Hòa sống dưới chế độ cai trị khắc nghiệt của Pháp. Mỗi năm đóng bảy đồng rưỡi thuế thân (tiền Đông Dương). Huê kiều đóng trên ba chục bạc. Phần đông Huê kiều xuất thân là những người mua ve chai, bán cà rem, cháo huyết v.v... rồi sau đó chắt mót tiền mở tiệm chạp phô (tạp hóa) và tiến lên làm những ông bang Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hẹ...

Đại đa số đồng bào sống rất nghèo khổ trong những gian nhà lụp xụp, làm đủ nghề nặng nhọc bằng chân tay để sống qua ngày. Trộm cắp như rươi. Hai tướng cướp Lồ và Súc bị xử tử bằng máy chém trước khám Biên Hòa (trên đường Nguyễn Trãi ngày nay). Lính mã tà gác chợ và giữ trật tự an ninh theo kiểu thực dân Pháp (ức hiếp dân, ăn hối lộ, bắt bớ tràn lan...)

Chung quanh chợ Bình Trước là một cái xã hội nho nhỏ, ồn ào chút đỉnh trong buổi sáng và buổi trưa; buổi chiều phố xá thưa thớt và chợ Bình Trước vắng ngắt. Lâu lâu có gánh hát hội về dựng vách bố hát tại chợ. Một hai ngọn măng sông soi sáng sân khấu và khán giả. Tuồng San HậuLưu Kim Đính giải giá Thọ Châu của Bầu Bo và Bầu Tàng hát quanh năm ở chợ. Có khi hát ban ngày theo yêu cầu khán giả và quan chức cai trị thời bấy giờ. Cọp lảng vảng ở xóm Vườn Mít. Nai chạy lạc vào chợ Bình Trước. Các con đường ra khỏi chợ đều là những “nẻo đời” đáng sợ. Đồn rằng: có con quỉ cái hiện hình ở ngã ba thành Săn Đá, có con yêu râu xanh bị tên Phó tham biện Bernard bắn gãy chân gần đình Tân Lân. Xóm Lò Heo là sào huyệt của những tay anh chị giỏi võ và giỏi nghề múa lân.

Thành Kèn Biên Hòa. Ảnh: Mạnh Hải

Chùa Cô Hồn nổi tiếng là nơi linh thiêng. Ngày xưa Hương hào Hầu (cầm đầu Thiên Địa hội) và đồng chí của ông bị Tây bắn tại đó. Có áp bức tất có đấu tranh. Phong trào Thiên Địa hội báo hiệu cho một sự vùng dậy tất yếu trong những năm về sau.

Cồn Gáo nổi lên giữa sông như một chiếc ghe bầu cắm neo cố định một chỗ. Trên cồn lơ thơ vài ba mái nhà dân chài. Giữa cồn có một ngôi miếu nhỏ. (Do khai thác cát nhiều năm mà ngày nay cồn Gáo lặn dần xuống đáy sông. Cát Biên Hòa nổi tiếng là thứ cát tốt.)

Về văn hóa thì không có gì ngoài văn hóa nô dịch nhằm đào tạo ra những lớp công chức phục vụ bộ máy cai trị. Lúc bấy giờ chỉ có “trường con trai” chớ chưa có “trường con gái” và trường cũng không lớn (Trường con trai ở chỗ trường Nguyễn Du ngày nay). Lục Tỉnh tân văn là tờ báo của ông Nguyễn Chánh Sắt in ở Sài Gòn được phổ biến về các tỉnh, nhưng thường là các công sở Tây mới có. Tiểu thuyết rất khan hiếm. Thơ tuồng thì nhiều: Thơ Lục Vân Tiên, thơ Sáu Trọng, Chàng nhái Kiển Tiên, Cậu Hai Miêng... Tiểu thuyết trinh thám (bắt chước Tây) của Phú Đức với những nhân vật yêng hùng Bách-si-ma, Hiệp Liệt bán rất chạy. Múa lân, cờ bạc, rượu, á phiện, gái điếm v.v... là những thú chơi của thực dân ban cho người dân mất nước. Buồn thảm nhất là cảnh những nghệ nhân mù đàn độc huyền nói thơ giữa buổi chợ chiều.

Sáng sáng, một chiếc thủy phi thoàn cất cánh lên khỏi hồ Biên Hòa (lac de Bien Hoa) bay một vòng xuống Cát Lái rồi trở về. Máy bay của Tây đi canh tuần đường sông như làm một vòng tiêu khiển.

Cầu Mát Biên Hòa, khoảng năm 1930. Ảnh: Mạnh Hải.

***
Nhìn về quá khứ để tự hào với hiện tại. Ngày nay, thành phố Biên Hòa là một thành phố cách mạng, trung tâm kinh tế văn hóa xã hội và cũng là một vị trí có ý nghĩa chiến lược về an ninh và quốc phòng của tỉnh Đồng Nai anh hùng. Con cháu của những người dân nghèo Biên Hòa bị áp bức bóc lột ngày xưa, nay đã là chủ nhân ông của một xã hội mới.

Hình ảnh Biên Hòa xa xưa đã lùi vào dĩ vãng.

Lý văn Sâm
Báo Văn nghệ Đồng Nai, số 69/1986

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét