Bài viết sau đây của anh Bùi Thuận, dường như viết từ năm 2007, đăng lại trong tập sách Đậm đà hương vị Đồng Nai, xuất bản năm 2013. Nội dung bài không nói nhiều đến chất lượng phở Tứ Hải mà chủ yếu là lai lịch, xuất xứ của món phở/quán phở này. Đặc biệt đoạn đầu có trích dẫn một đoạn ngắn của nhà văn Nguyễn Thái Hải nói về phở Biên Hòa.
Phở Tứ Hải được nhiều người biết tiếng, không chỉ ở Biên Hòa (và cũng có người không thích như tui) nên tui nghĩ đăng lại bài viết này ở đây sẽ có những ý kiến đóng góp thú vị của mọi người. Không chỉ là về phở Tứ Hải mà cả về phở Biên Hòa nữa.
Phở Tứ Hải
Trong thiên hồi ký có tiêu đề Hương vị phố được in trong quyển Nhớ Biên Hòa, nhà văn Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải có lẽ bị "lậm" Nguyễn Tuân nên đoạn viết về phở Biên Hòa đọc khá lý thú: "Khu Phúc Hải nhỏ là thế mà cũng có đến hai tiệm phở. Có lẽ vì đây là khu dân cư miền Bắc nên món phở Bắc được chuộng chăng? Đi ăn phở sáng là một thú sang trọng với những gia đình bình dân. Người ta hay chọn sáng chủ nhật được nghỉ, đưa cả gia đình đi ăn. Cũng có những người là bạn bè rủ nhau đến tiệm phở, tôi không rõ khi phở Bắc mới xuất hiện ở đây thì thế nào, nhưng vào những năm của thập niên sáu muơi, khi tôi thỉnh thoảng được dẫn đi ăn "phở ông Miễn" hoặc "phở bà Đường" thì trên bàn đã có một đĩa rau nhiều loại như húng quế, ngò gai, sà lách rồi. Tương ớt loại đỏ cay, loại nâu ngọt mặn cũng đã có. Hồi đầu, ngoài bánh phở thì thịt bò chỉ đơn giản là bò tái hay chín, chứ chưa có nạm, gầu, gân... phức tạp như bây giờ. Ngoài phở nước, nhiều người còn gọi món phở xào với thịt bò, bát phở xào chừng như dai hơn, ngon hơn (người ta không xào phở với lòng gà như bây giờ, cũng không thấy tiệm phở nào bán phở gà)".
Tác giả "Lời nguyền hai trăm năm" và "Cha con ông Mắt Mèo" này còn cho biết: "Ở trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa cũng có một tiệm phở nổi tiếng là phở Tứ Hải trên đuờng Phan Đình Phùng - trước mặt Sở Lao động - thương binh và xã hội và Sở Y tế ngày nay - mà chủ tiệm lại là người Hoa! Tiệm phở này cho đến nay vẫn bán dù quy mô không còn như trước nữa".
Thực ra, cái tiệm ăn có tên là Tứ Hải cũng nằm ngay địa điểm tiệm phở Tứ Hải bây giờ đã có mặt ở đây trên 50 năm. Còn phở Tứ Hải thì vừa đúng 30 năm. Sở dĩ phải phân biệt rõ chỗ này để thấy sự ra đời của phở Tứ Hải có sự độc đáo riêng của nó. Khởi đầu là vào khoảng năm 1930, có chàng trai Trung Hoa quê tỉnh Quảng Đông tên Lưu Phồi đưa cả gia đình nghèo khổ của mình sang đất "Nông Nại đại phố" tìm kế sinh nhai. Được một thời gian, người đàn ông Trung Hoa giỏi nghề ẩm thực này bèn nghiên cứu mở một tiệm ăn cơm Việt lấy tên là Lưu Phồi trên con đường nhỏ chạy ngang đầu chợ Biên Hòa (sau này đường đặt tên là Cô Giang). Quán cơm Lưu Phồi của chủ người Hoa lại bán những món như canh chua cá lóc, cá kho, thịt kho Tàu... rất được quan chức tỉnh Biên Hòa thời đó ưa chuộng. Năm 1952, ông chủ tiệm cơm Lưu Phồi nổi tiếng kết nghĩa sui gia với ông chủ lò bánh mì Tân Tân nằm trên cùng đường Cô Giang. Con trai ông Lưu Phồi là Lưu Điền cùng vợ là Trương Múi mở xe bán hủ tiếu, mì trên đường Phan Đình Phùng. Khi đã có vốn kha khá, vợ chồng ông Lưu Điền xin được ra riêng và mua một căn nhà trên đường Phan Đình Phùng mở tiệm nấu ăn lấy tên là Tứ Hải. Ban đầu tiệm Tứ Hải nhận nấu tiệc cưới, tiệc đãi mừng thi đậu, thăng chức của tầng lớp giàu có trong tỉnh. Sau đó mở tiệc tại tiệm cho giới tiểu thương chợ Biên Hòa trong những ngày mở hụi. Với tài nấu ăn ngon, tên tuổi ông Lưu Điền (người dân lúc bấy giờ hay gọi là Dì Khìn) lan rộng sang cả Dĩ An, Bình Dương.
Năm 1976, tiệm ăn Tứ Hải của ông Dì Khìn bắt đầu chuyển sang thành tiệm phở. Phở là món gần như độc quyền của người dân Biên Hòa gốc Bắc. Thế nhưng với món phở tái, nạm và bò kho ăn bánh mì, hủ tiếu nấu kiểu miền Nam lai Hoa làm mất hẳn mùi vị bò đặc trưng và béo, ngọt hơn đã nhanh chóng thu hút giới công chức, tiểu thương Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành. Đặc biệt là còn chinh phục cả dân phố vùng Hố Nai gốc Bắc.
30 năm qua, TP. Biên Hòa đã du nhập vào rất nhiều những thương hiệu phở nổi tiếng như phở: Bắc Hà, Hà Nội, Nam Ngư, Lý Quốc Sư, Nam Định... rồi Nguyên Nhung, Vy Vy... nhưng phở Tứ Hải vẫn vững vàng giữ nguyên hương vị do người con gái của ông Dì Khìn là bà Lưu Lê Anh nối nghề cha đang trực tiếp làm chủ nấu bán. Đặc biệt, có thời dư luận xôn xao vì nạn trong bánh phở có formon, nhiều tiệm phở phải tạm đóng cửa, phở Tứ Hải vẫn có khách...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét