Tuy nhiên rút kinh nghiệm, tôi sẽ không kể bằng giọng của PHN nữa mà kể bằng giọng của Hai Ẩu - nghe cho vui hơn!
Cõi tâm linh và cõi tục
Ra Tết, sợ tôi bị stress, chị Lý là chị dâu tôi ở TPHCM rủ đi một chuyến hành hương cho tâm hồn thanh thản.
Chị Lý cũng là bà chủ. Bà chủ đại lý vé số. Đã là bà chủ thì phải có nhiệm vụ thưởng cho nhân viên của mình đi du lịch khi Tết đến.
Nhân viên của đại lý vé số là ai? Đương nhiên là mấy bà già bán vé số mà các bạn thường gặp ở ngoài đường (cũng có ông già, nhưng nói chung đa số là bà già).
Những người này thích đi du lịch ở đâu? Đương nhiên là thích… đi chùa, và điểm mà họ ok nhất là miễu bà chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc! Cũng có một số người công giáo, những người này muốn đi viếng mộ cha Diệp ở nhà thờ Tắc Sậy, Cà Mau (cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, tương truyền là rất linh ứng). Ok luôn!
Hà, kể ra vụ này cũng ly kỳ, giám đốc một công ty máy tính đi hành hương cùng mấy bà già bán vé số ở miếu Bà và mộ Cha. Thật là cổ kim, Đông Tây hòa điệu! Tội gì mà không ừ nhỉ?
...
Xe khởi hành từ SG lúc 12 giờ trưa ngày thứ bảy, trên xe có hơn 40 người, hầu hết là ông bà già. Từ SG đi Châu Đốc hơn 8 tiếng. 3 người phụ nữ với 1 con vịt sẽ thành một cái chợ, ở đây có tới mấy chục bà già bán vé số (chắc bạn đã từng nghe mấy bả mời mua vé số rồi, dẻo quẹo à, phải không) cộng với một… con heo quay, tha hồ mà… tám. Tám tám tiếng tù tì! Tôi nghe hổng kịp, nghe kịp cũng… hổng hiểu, hiểu cũng hổng dám kể lại ở đây!
Tới núi Sam lúc hơn 8 giờ tối. Đông nghẹt. Mất cả tiếng để kiếm chỗ đậu xe và thuê phòng trọ. Thuê tổng cộng là… một phòng, để mấy bà rất già chen chúc nhau ngả lưng. Những người… già ít hơn (cỡ tôi) có nhiệm vụ phải thức trắng đêm!
Cả đoàn khệ nệ mang heo quay, gạo, muối vào cúng. Chị tôi đưa nhang, biểu tôi khấn vái đi, bà linh lắm. Mùi mồ hôi người nồng nặc, khói nhang cay xè, đã vậy còn mệt vì ngồi xe suốt 8 tiếng nữa chứ. Thiệt tình tôi không biết khấn cái gì hết, ngó dáo dác coi người ta làm cái gì thì mình bắt chước làm y vậy, bụng than thầm: Đói quá, nóng quá, mệt quá! Vậy mà mấy bà già vô cùng thành kính, lâm râm khấn vái thiệt lâu. Nhìn mấy bả hân hoan, không có chút gì là mệt mỏi. Đức tin làm người ta mạnh mẽ hơn nhiều quá. Trời ơi, sao mình không có đức tin?
Đoàn cúng ở đó rất lâu, sau lại còn đi nhiều chùa nữa. Còn tôi, lẻn ra ngoài để… du lịch dã ngoại.
...
À, cần kể các bạn nghe tôi có một chiêu đi du lịch như thế này: không nghe tourist guide thuyết minh (mà chủ yếu tìm hiểu trước các thông tin ấy trên mạng, guide cũng chỉ nói bấy nhiêu đó thôi chứ có gì lạ hơn đâu), còn khi đến nơi thì lân la trò chuyện với mấy đứa bé bán nhang, mấy ông xe lôi hay mấy ông thợ chụp hình để biết thêm về sinh hoạt nơi đó. Chiêu này thành công lắm, mỗi chuyến đi là lại mở ra những góc nhìn mới về địa điểm mình tới.
...
Bấy giờ khoảng 10 giờ tối, tôi ngoắc một anh xe lôi, kêu chở vòng vòng chân núi Sam chơi. Tôi nói: Vừa đi vừa nói chiện chơi nghe anh!
À, cần kể các bạn nghe tôi có một chiêu đi du lịch như thế này: không nghe tourist guide thuyết minh (mà chủ yếu tìm hiểu trước các thông tin ấy trên mạng, guide cũng chỉ nói bấy nhiêu đó thôi chứ có gì lạ hơn đâu), còn khi đến nơi thì lân la trò chuyện với mấy đứa bé bán nhang, mấy ông xe lôi hay mấy ông thợ chụp hình để biết thêm về sinh hoạt nơi đó. Chiêu này thành công lắm, mỗi chuyến đi là lại mở ra những góc nhìn mới về địa điểm mình tới.
...
Bấy giờ khoảng 10 giờ tối, tôi ngoắc một anh xe lôi, kêu chở vòng vòng chân núi Sam chơi. Tôi nói: Vừa đi vừa nói chiện chơi nghe anh!
Gã ừ liền, xong hỏi lại ngay: Mình đi đâu huynh?
Tôi nhăn nhó: Thì đi vòng vòng quanh núi, tui hỏi cái gì ông trả lời cái đó!
Gã phán một câu xanh dờn: Quanh chân núi thì có cái mẹ gì! Tui chở huynh qua đây nhậu lẩu bò nghe? Ngon hết xẩy!
Thôi, bỏ mạng, vậy là trật đài rồi. Cha nội này lười, tính thả mình chỗ lẩu bò ngồi nhậu để chả nghỉ khỏe. Tôi bắt đầu cáu: Tui hổng nhậu! Đi vòng vòng rồi ghé chỗ nào uống cà phê đi!
Gã ra vẻ hiểu ý, gật đầu: Ừa, ừa. Cà phê héng!
Thế rồi gã đạp xe chừng 300 met, tới một chỗ chả giống quán cà phê gì ráo trọi, gã rà rà chậm lại. Tôi chưa kịp định thần nhận định coi đó là đâu thì bỗng nhiên từ trong căn nhà tối tối đó một bầy… yêu nhền nhện chạy ào ra. Con nào con nấy nhễ nhại phấn son, thịt núc na núc ních bu lấy chiếc xe lôi. Chúng ríu ra ríu rít: Vô uống nước với em mấy anh ơi, em chìu anh….
Tôi tái mặt, run lẩy bẩy, hét với gã xe lôi: Chạy, chạy mau!
Gã nghe tôi la cũng luống cuống guồng chân đạp thật nhanh. Trời ạ, chỗ này cách miễu Bà chỉ có vài trăm met thôi hà. Tôi nói: Ông chở tui vô đó coi chừng bà bẻ lọi cổ luôn á!
Gã không đáp, đạp miết. Tôi quay nhìn lại đàng sau thì thấy mấy chiếc quần hồng áo hồng đang phóng xe đuổi theo để kêu vô… uống cà phê. Tôi thét: Nhanh, nhanh lên!
Đúng là một cõi ta bà!
Tối nay độc chiêu du lịch của tôi bị phá sản, cái gã xe lôi này chả biết quái gì để mà kể với tôi về núi Sam quê hương của gã cả, mà chỉ biết chỗ nhậu lẩu bò với uống cà phê ôm thôi. Gã miễn cưỡng chở tôi vòng vòng quanh núi, nói chuyện nhạt phèo.
11 giờ 30, đã đi vòng hết chân núi. Tôi kêu chở ra chùa Huỳnh Đạo, một ngôi chùa mới xây ở phía ngoài khu vực núi. Tham quan một tí thì chùa… đóng cửa. Tôi nhìn đồng hồ: chưa tới 12 giờ khuya. Theo kế hoạch thì 2 giờ sáng sẽ bắt đầu khởi hành đi Tắc Sậy, Cà Mau. Tôi còn 2 tiếng đồng hồ phải "tiêu xài". Tôi hỏi: Còn chỗ nào đi nữa hông?
Gã xe lôi nháy mắt, nói: Karaoke ôm nhe huynh?
Lại tật cũ, tôi cằn nhằn: Giờ này mà karaoke gì? Ở đâu?
Gã đưa tay chỉ, nói: Đó, ngay đây nè!
Tôi nhìn theo tay gã. Ối trời ơi, sát ngay khuôn viên chùa là nhà hàng khách sạn gì đó, 12 giờ khuya mà đèn đuốc còn sáng choang, xe con vẫn đang chạy ra vô dập dìu! Có ai vô đây lễ chùa xong rồi ra ngay đó làm món karaoke ôm liền không ta? Thật là… tiện lợi!
...
12 giờ khuya, tôi quay về uống cà phê ở gần nhà trọ (không phải cà phê ôm). Một số bà già vẫn còn đi chùa. Một số khác nằm chợp mắt tí chút.
Ti vi đang trực tiếp bóng đá Anh. Miễu Bà, chùa Tây An vẫn sáng đèn. Người ta vẫn đi tấp nập ngoài đường. Những cõi ta bà kia chắc vẫn đang "hoạt động". Nơi này không có đêm!...
Chị tôi cùng uống cà phê, chỉ một bà già nói: Bả đã bảy mấy rồi đó mà còn đi bán vé số khỏe lắm. Mỗi tháng thu nhập cỡ 3 triệu.
Tôi giật mình, lương nhân viên tôi - kỹ sư tin học - cũng chỉ cỡ 2 triệu. Té ra là đi bán vé số nhiều tiền hơn kỹ sư!
Chị kể tiếp: Bả không chồng, không gia đình, có 1 ông con năm nay năm mấy tuổi ghiền xì ke. Cho vô trại cai nghiện rồi ra. Ra rồi quậy. Bà già quản ông con không nổi nên gửi trở vô trại, nhờ trại cai nghiện... nuôi ông con luôn. Bây giờ cứ mỗi ngày đi bán vé số, tới tháng gửi tiền vô trại nuôi con.
Tôi chợt tưởng tượng ra nửa thế kỷ trước có một cô gái trẻ xinh đẹp, gửi cả đời con gái cho một chàng trai mà mình yêu thương. Rồi chàng trai bỏ đi biền biệt, để lại cô bơ vơ với đứa con trong bụng.
Hạnh phúc ngắn ngủi thoáng qua rồi. Nửa thế kỷ đã trôi qua bà đã sống để nuôi con... Cuộc đời bà bây giờ có gì nhỉ? Ôi, nếu không có những cõi tâm linh như miễu Bà thế này thì bà bám víu vào đâu để sống nhỉ?
...
2 giờ sáng,
Xe khởi hành đi Tắc Sậy. Phải quay về Cần Thơ, sang Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, từ Bạc Liêu chạy đến gần ranh giới Bạc Liêu và Cà Mau là Tắc Sậy. Đoạn đường khoảng trên 200 cây số. Mọi người muốn đi sớm để kịp lễ nhà thờ.
Thế nhưng đường khó đi, đến nơi đã gần 9 giờ. Buỗi lễ đã gần xong.
Có người vô nhà thờ. Có người sang mộ cha Diệp, kính cẩn khấn nguyện.
Có lẽ bên công giáo những lời đồn về sự linh ứng của cha Diệp không kém gì bà Chúa Xứ. Tôi đã đến đây một lần, cùng với mấy nhân viên của tôi (công giáo). Tôi thấy họ cực kỳ thành khẩn, nhắc đến tên cha Diệp với một niềm kính cẩn vô biên. Tôi cũng đã đọc một số tài liệu nói về cha Diệp và cái chết của Người (nói ra sợ bị... kiểm duyệt, tài liệu của nhà nước ta nói là Pháp giết, nhưng giáo dân thì đều tin rằng chính chính quyền cách mạng đã hại Cha).
Ở đây, tôi cũng thấy nhiều - rất nhiều người cầu nguyện trước mộ cha. Nhìn ánh mắt họ tôi biết họ có niềm tin và lòng thành vô biên.
Tôi thì không!
Cũng đến giờ ăn trưa mọi người mới xong tâm nguyện của mình. Cần nói thêm là nơi đây không xô bồ như miễu Bà Chúa Xứ, kiến trúc của nhà thờ và mộ phần của cha Diệp cũng rất đơn sơ chứ không lộng lẫy như miếu Bà hay chùa Phật thầy Tây An. Tắc Sậy lại là một điểm hẻo lánh trên đường về miền đất tận cùng tổ quốc. Nếu không có một tấm lòng và niềm tin thì đến đây thật là chán, nhất là giữa trời trưa nắng gắt như bấy giờ. Hic, tôi chán!
Tôi chán cho mình! Ở chùa Bà tôi không có lòng tin, ở đây tôi cũng vậy.
Người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu có lòng tin. Phải vậy không các bạn?
...
Phần sau của chuyến đi không có gì đặc biệt. Tôi được là tourist guide (kiêm thợ chụp hình) để hướng dẫn mấy bà già đến những ngôi chùa ở Sóc Trăng (Chùa Kh'Leang, chùa Dơi, chùa Đất Sét). Hì, cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy mình có... giá trị một chút.
Ăn chiều ở Cần Thơ xong, chúng tôi khởi hành về Sài Gòn.
Kẹt phà Cần Thơ.
Xe tới Sài Gòn lúc 12 giờ khuya.
Vậy là xong một chuyến hành hương kéo dài một ngày rưỡi, từ 12 giờ trưa thứ bảy đến 12 giờ khuya chủ nhật. Đi và về trên một đoạn đường khoảng 1000 cây số, không ngủ, và... không tắm. Hôi như... heo!
À không, tôi vẫn còn phải về Biên Hòa mới xong.
Tôi ngoắc taxi. Sài gòn đêm xe cộ vẫn đầy.
Tôi về đến nhà lúc hơn 1 giờ khuya. Vắng lặng.
Hai con chó vẫy đuôi mừng rỡ...
Hai Ẩu
CT đi viếng chùa bà 2 lần theo lời mời của bạn bè, chỉ để xem người ta cúng vái, vậy thôi. Mình không tin thì không thể làm khác được, phải không?
Trả lờiXóaBạn đi lâu rồi phải không, còn qua phà?
Chuyến đi này năm 2005, lúc đó chưa có cầu Cần Thơ. Cảm ơn bạn đã đọc kỹ chi tiết nhỏ này.
Trả lờiXóa