22 thg 9, 2012

Về thăm làng Vũ Đại

Chí Phèo và cái làng Vũ Đại của anh ta quá nổi tiếng - nổi tiếng hơn cả nhà văn Nam Cao là người đã tạo nên anh ta. Vì thế cách đây gần 10 năm, sở Du lịch Hà Nam đã lập dự án khu du lịch với kinh phí tới 30 tỉ đồng để “phục chế” cái làng quê Vũ Đại ấy.
 

Làng Vũ Đại trong hư cấu của Nam Cao, ngoài đời thật là xã Hòa Hậu thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay.

Bá Kiến có nguyên mẫu là Bá Bính hay còn gọi là Chánh Bính. Cơ ngơi của ông ta không còn gì (do chia cho các con cháu và chia lại cho nông dân sau cách mạng) ngoài gian nhà thờ có niên đại 200 năm (dài 4 m, ngang 7,5 m với những kèo cột gỗ lim rất có giá trị, nằm giữa một khu vườn rộng khoảng 1 ha).

Một cán bộ làm việc ở UBND xã, cho biết ông nội của chị mua lại căn nhà này từ tay con trai cả của Bá Bính. Ông Bá Bính này không hề bị anh nông dân say rượu nào đâm chết cả mà ông chết vì bệnh sau khi di tản tới một làng khác để sống vì lý do chiến tranh.


Tất cả những nhân vật của Nam Cao được xây dựng từ những nguyên mẫu, người thật việc thật của làng Đại Hoàng (Hòa Hậu bây giờ). Cụ Đạt, em ruột nhà văn Nam Cao, nhớ rằng ngày ông còn nhỏ, ở đây có một người tên Chí Phèo (có người nói người đó tên là Tí Tèo) có tính cách giống như Chí Phèo của Nam Cao.

Còn nguyên mẫu thật của lão Hạc có tên là trùm Ruyên, một người Công giáo mộ đạo. Oái oăm thay cái sự đời, sau hơn nửa thế kỷ khi truyện ngắn Lão Hạc được viết ra, nấm mộ của Nam Cao bây giờ và ngôi nhà tưởng niệm ông lại được xây trên chính mảnh vườn của trùm Ruyên - lão Hạc!

Ngôi mộ của Nam Cao được xây với số tiền hơn 70 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 27 triệu. Còn ngôi nhà tưởng niệm thì được xây với kinh phí 500 triệu đồng (theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi ông về đây thắp hương trước mộ Nam Cao).

Ý tưởng tạo khu du lịch "làng Vũ Đại" nghe cũng hay hay. Đó sẽ là nơi tham quan lý thú, và là nơi học sinh đến để học tập môn Văn một cách sinh động.

Vậy bây giờ "làng Vũ Đại" này ra sao?

Làng Vũ Đại Năm 2012


Tôi về thăm Hòa Hậu vào tháng 9/2012. 

Con ngõ vào nhà "Bá Kiến" có một tấm bảng hướng dẫn, chữ nghĩa đã long, rơi rớt.


Cây nhãn cổ thụ ở đầu ngõ vào nhà "Bá Kiến"


Nhà Bá Kiến là đây, nhưng ảnh chỉ được chụp qua hàng rào, không vào được.

Những người phụ nữ này nói với chúng tôi rằng: Chả có gì trong đó cả! Nhà nước mua lại nhà, dọn đồ đi sạch rồi. Có mấy chú đo đất sống trong đó, nhưng hôm nay đi ăn cưới rồi, chiều tối mới về

"Hướng dẫn viên du lịch" cho chúng tôi là vậy đó! Và quanh quẩn mãi cũng chỉ chụp được từ bên ngoài như thế này thôi!

Cũng theo lời những người hàng xóm của Bá Kiến ấy, đây là nhà bà Ba (vợ thứ ba của Bá Kiến)

Đây là nhà bà Tư

Tiếp tục đi, chúng tôi đến Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao và mộ của ông, được xây dựng trên mảnh đất ngày xưa là của nhân vật hư cấu Lão Hạc, tức đất của trùm Ruyên ở ngoài đời.

Nghe nói rằng trông nom nhà lưu niệm này là em ruột của nhà văn, chúng tôi mong mỏi được gặp để nghe kể về Nam Cao, cũng như tham quan những di vật của ông. Tiếc thay, nhà đóng cửa, vắng người.



Mộ Nam Cao

Mộ Nam Cao, bên cạnh là nhà tưởng niệm

Mặt trước Nhà Tưởng niệm, cửa đóng im ỉm

Chúng tôi viếng mộ nhà văn, và tiếc nuối chia tay làng Vũ Đại.

Có một dự án du lịch văn hóa được thực hiện nửa vời....


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. không hiểu sao ngắm hình anh chụp lại bớt đau lòng vì hiểu ra chả có gì bất biến với thời gian. Lòng người còn phai nữa cơ mà

    Trả lờiXóa