17 thg 10, 2012

Đi tìm iPad của Đức Phật

Tiểu thuyết khoa học giả tưởng - huyền bí, ly kỳ hơn Mật mã Da Vinci, hấp dẫn hơn Mật mã Tây Tạng. (Dĩ nhiên hay như thế thì tác giả phải là Hai Ẩu rồi!)




Năm 2012, khi nghiên cứu Phật điển, học giả Hai Ẩu chợt phát hiện ra một điều: 2.600 năm trước, Đức Phật đã sử dụng iPad! Khi Ngài nhập Niết bàn, iPad này được truyền lại cho đời sau, cứ thế đến 33 đời. Đến năm 713 sau công nguyên, iPad của Đức Phật biến mất, đến nay là 1.299 năm.

Vì sao 2.600 năm trước Đức Phật đã có iPad để xài? Điều quan trọng hơn nữa, là: nội dung chứa trong iPad của Đức Phật là những gì? Tìm ra được chiếc iPad này và đọc nội dung chứa trong đó sẽ mở ra cho chúng ta những bí ẩn ngàn đời của lịch sử. Thế là học giả Hai Ẩu dấn thân vào cuộc hành trình ly kỳ: Đi tìm iPad của Đức Phật.



Phật điển viết:

Trước khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Ngài đem iPad của mình trao cho Ma Ha Ca Diếp để làm tín vật và truyền ngôi Tổ Sư Phật giáo.

Ma Ha Ca Diếp truyền iPad lại cho A-Nan. Anan làm Đệ Nhị Tổ Sư Phật giáo Ấn Độ.

IPad này được truyền dần xuống những vị Tổ Sư kế tiếp, truyền mãi đến vị Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Vâng lệnh tổ sư tiền nhiệm, Bồ Đề Đạt Ma sang Trung hoa, khai sáng Phật pháp cho đất nước này.

Bồ Đề Đạt Ma mang iPad qua bên Tàu, ẩn cư tại chùa Thiếu Lâm, quay mặt vào vách đá thiền định trong 9 năm, Ngài trở thành Đệ nhất Tổ sư của Phật giáo Trung hoa.



Ngài Bồ Đề Đạt Ma tiếp tục truyền lại iPad cho vị tổ sư đời thứ hai là Huệ Khả. Cứ thế iPad này được truyền lại cho Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoàng Nhẫn, Lục tổ Huệ Năng.

Đời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn có 2 đệ tử giỏi là Huệ Năng và Thần Tú. Ngũ tổ truyền iPad cho Huệ Năng, nhưng sợ Thần Tú không hài lòng và sinh dã tâm chiếm đoạt, nên khuyên ông sang sông đi về phương Nam.

Lục tổ Huệ Năng về phương Nam, đến Quảng châu và lập nên Phật giáo Nam truyền. Khi ông mất năm 713, iPad được bí mật chôn dấu tuyệt tích để tránh tranh đoạt.

_____

Khi học giả Hai Ẩu viết tới đây thì một vị sư già gõ đầu Hai Ẩu như gõ mõ và nói:

  • Ngươi viết tào lao, y bát mà viết thành iPad!
Hai Ẩu xin lỗi rối rít, và cũng xin đính chính lại cùng các bạn đã lỡ đọc từ nãy tới giờ: các bạn cứ đổi tất cả các chữ iPad trong bài thành chữ y bát là đúng hết đấy ạ, không có gì sai so với kinh sách nhà Phật đâu.

Y là áo, tức áo cà sa của Phật. Bát là chiếc bình bát dùng để đi khất thực của Phật. Y và bát là hai vật thiết thân của Đức Phật. Bộ y bát nói trong bài còn được gọi là y bát chơn truyền, dùng để truyền cho các vị tổ sư từ đời này đến đời khác.



 

Vậy là hết chuyện đi tìm iPad của Đức Phật! Nhưng không, nếu ai đó giàu trí tưởng tượng vẫn có thể viết thành tiểu thuyết thần kỳ giả tưởng Đi tìm y bát của Đức Phật chứ! Ai thử xem nào!


Hai Ẩu

3 nhận xét:

  1. Xin trao đổi cùng Anh đoạn sau: Anh đã viết:
    "... Lục tổ Huệ Năng về phương Nam, đến Quảng châu và lập nên Phật giáo Nam tông"
    + "PHẬT GIÁO NAM TÔNG" mà Anh dùng ở đây thực ra phải gọi đúng tên là "Phật giáo Nam truyền" và khái niệm này chỉ có giá trị để phân biệt với "Phật giáo Bắc truyền" trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc.
    + Khái niệm "PHẬT GIÁO NAM TÔNG" trong Phật giáo sử nói chung thường để chỉ các tông phái Phật giáo truyền từ Xứ Phật Nepal ở Bắc Ấn Độ xuống phía Nam đến Tích Lan rồi Thái Lan, Miến Điện, ... Xét về ý nghĩa này, "PHẬT GIÁO NAM TÔNG" còn gọi là "PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY".


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi, cảm ơn Đức.
      Khi tìm hiểu đến đây mình cũng hơi ngạc nhiên khi thấy ghi là Nam tông. Giờ thì rõ rồi, phải ghi là Nam truyền mới đúng!

      Xóa
  2. ý tưởng này mà đến tai các tay chuyên giả TQ thì sẽ có ngay cuộc phát hiện ipad dỏm của được Phật được công bố chấn động thế giới cộng đồng Phật giáo đó :)

    Trả lờiXóa