1 thg 10, 2012

Chuyện tình nơi đình Tân Lân


Trong ảnh là đình Tân Lân, một di tích lịch sử nổi tiếng ở thành phố Biên Hòa. 

Tân Lân là xóm mới. Hơn ba trăm năm trước, tướng quân Trần Thượng Xuyên và những lưu dân người Hoa đến vùng đất Biên Hòa. Những con người ấy đã chấp nhận Biên Hòa là xóm làng mới, là quê hương mới, nên đặt cho thôn làng nơi họ đến là thôn Tân Lân. Thời Minh Mạng (thế kỷ 19), nhân dân xây đình Tân Lân để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc Trần Thượng Xuyên, người có công khai phá đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ngôi đình hiện nay nhìn ra sông Đồng Nai, phong cảnh hữu tình...

Nhưng hãy tạm gác chuyện lịch sử ấy qua một bên nhé bạn. Điều tôi sắp kể cho các bạn nghe là một thiên diễm tình ẩn sau ngôi đình cổ kính, uy nghi ấy.

Đoạn đầu câu chuyện phảng phất chuyện Giọt máu chung tình (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà), đoạn cuối man mác buồn hơn cả Màu tím hoa sim.

Trước năm 1945, người giữ đình Tân Lân là một ông từ, tuổi ngoài 50. Sống cùng ông tại ngôi đình là cô con gái xinh đẹp, tên Minh Liên. Biết bao nhiêu chàng trai si mê người đẹp đình Tân Lân, nhưng trái tim nàng đã trao cho một người. Đó là anh Sáu, một kép hát cải lương.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, anh Sáu đi kháng chiến. Nơi quê nhà, một tên Việt gian là Phước Tây lai cưỡng ép Minh Liên về làm vợ. 

Như nàng Kiều, Minh Liên nhảy xuống sông Đồng Nai tự vẫn. Và cũng như nàng Kiều, nàng được người dân cứu sống và đi tu ở chùa Hốc Ông Che (ở Hóa An, Biên Hòa ngày nay), nàng trở thành ni cô Hà Vân.

Số phận chưa buông tha cho nàng Minh Liên. Một tên Việt gian khác trong lúc "truy lùng Việt Minh" đến chùa này thì say mê sắc đẹp của ni cô Hà Vân, và bắt cóc nàng về làm vợ.

Một lần nữa, Minh Liên - ni cô Hà Vân được giúp đỡ để trốn đi. Năm 1950, Minh Liên vào chiến khu Đ, làm nữ cứu thương. Cô đổi tên khác thành Sáu Minh.

Năm 1953, chị Sáu Minh bắt được liên lạc với anh Sáu, người yêu cũ. Lúc này anh đang công tác ở miền Tây. Cả cơ quan chờ anh từ miền Tây về để làm đám cưới cho 2 người.

Khi anh Sáu về gần tới quân y viện chiến khu Đ, lòng nôn nao giây phút trùng phùng thì bi kịch xảy ra. Một trân bom giặc đánh vào chiến khu Đ, đánh trúng nơi chi Sáu đang ở, chị ra đi khi chưa kịp gặp người yêu...


Ngày nay, đình Tân Lân vẫn còn đó, tướng quân Trần Thượng Xuyên vẫn còn được người đời ngưỡng vọng, nhưng câu chuyện thương tâm của cô gái Minh Liên - Hà Vân năm nào đang khuất mờ dần theo lớp bụi thời gian....

Phạm Hoài Nhân
Kể lại theo tư liệu của nhà văn Lý văn Sâm

4 nhận xét:

  1. Đình Tân Lân ở phường nào? Có phải ở Bửu Long không?

    Trả lờiXóa
  2. @Anna Nguyễn: Không, bạn ạ. Đình Tân Lân nằm ở phường Hòa Bình, gần chợ Biên Hòa. Đình nằm trên con đường dọc bờ sông Đồng Nai: đường Nguyễn văn Trị.

    Trả lờiXóa
  3. Phường Bửu Long cũng dọc con sông Đồng Nai. Như vậy phường Hòa Bình phát triển dân cư đông đúc hơn và gần QL 1 hơn phải không bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, vì sông Đồng Nai chảy ngang qua thành phố Biên Hòa nên có nhiều phường nằm dọc sông. Phường Hòa Bình là phường có chợ Biên Hòa nên khá đông đúc. Quốc lộ 1 thì ở xa cả Bửu Long lẫn Hòa Bình bạn ạ.

      Xóa