15 thg 11, 2013

Ngồi bên dòng sông

Dọc bờ sông Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa có rất nhiều quán cà phê. Mỗi quán mỗi vẻ, tùy gu hoặc thói quen của từng người mà bạn sẽ chọn quán phù hợp. Đặc điểm chung của các quán là đều nhìn ra sông Đồng Nai, mà đoạn sông Đồng Nai ấy thật là hữu tình với những cây đa buông rể lòa xòa bên sông, những cây bàng đổ lá trôi theo dòng nước.


Sông Đồng Nai. Ảnh: PHN

Ngồi bên dòng sông, bạn không chỉ hưởng làn gió mát, ngắm sông nước hữu tình mà còn lặng nhìn dòng lịch sử chảy dài, như dòng thời gian từ mấy trăm nước miệt mài chảy mãi đến ngày hôm nay.

Sông Đồng Nai xưa kia có tên là Phước Long Giang, nghĩa là con rồng mang phước. Người xưa nói rằng thân rồng là dòng sông uốn lượn, đầu rồng là núi Bửu Long, còn đuôi rồng là núi Châu Thới.

Hầu như ngồi ở quán cà phê nào bên bờ sông Đồng Nai, nhìn qua bên kia sông ta cũng có thể thấy được đuôi rồng Châu Thới và cả ngôi chùa trên núi nữa (nhưng bây giờ Châu Thới lại thuộc địa phận Bình Dương!!). Ngọn núi nhô lên như một nét chấm phá cho khung cảnh bình yên trầm mặc bên kia sông. Hơn hai trăm năm mươi năm về trước, Lý Tài là một vị tướng gốc Hoa của nhà Tây Sơn đã phản bội để đi theo chúa Nguyễn. Rồi cũng chính y phản bội chúa Nguyễn, tự mình chiếm lấy núi Châu Thới để xưng vương hùng cứ một phương. Năm 1777, tướng nhà Nguyễn Đỗ Thành Nhân đã giết chết Lý Tài tại đây. Non xanh nước biếc còn đây ghi dấu bao oán thù chồng chất, bao thăng trầm dâu bể trong dòng lịch sử.



Núi Châu Thới, nhìn từ bên này sông Đồng Nai. Ảnh: PHN

Xa bên phải là cầu Hóa An, cây cầu xây đã mấy chục năm, đã 2 lần sập và hiện giờ cũng... sắp sập, thế mà dân Biên Hòa vẫn quen gọi là Cầu Mới. Hiện giờ cầu Hóa An mới đã được xây dựng gần xong. Không biết người dân sẽ gọi tên đây là cầu gì nhỉ? À, phải rồi, đó là Cầu Mới Mới!


Cầu Hóa An (cũ). Ảnh: Dương Quốc Định

Cầu Hóa An (cũ). Ảnh: PHN

Xa bên trái là 2 chiếc cầu sắt cổ xưa bắc qua cù lao Phố đã sang tuổi 100 của Biên Hòa, là cầu Gành và cầu Rạch Cát, tương truyền do kiến trúc sư nổi tiếng Eiffel thiết kế. Có khi bạn nghe thấy tiếng đôi cây cầu rên lên khe khẽ khi có những đoàn xe lửa chạy qua (đi về hướng ấy là sang cù lao Phố). Bây giờ đã có cầu Hiệp Hòa mới xây thay cho chiếc cầu Gành già nua, nhưng cầu Gành vẫn còn đó để mang những đoàn xe lửa và để làm một chứng tích trăm năm.



Cầu Gành. Ảnh: Dương Quốc Định

Cầu Gành. Ảnh: PHN

Bây giờ bạn hãy cùng tôi đi dọc bờ sông để đến chân cầu Gành và đi qua chiếc cầu sắt ấy. Ngay chân cầu bên kia là đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, rồi đến chùa Ông. Chùa Ông – hay Thất phủ cổ miếu – là chỗ dựa tâm linh của lưu dân người Hoa từ hơn ba trăm năm trước, mãi cho đến tận bây giờ. Từ chùa Ông, nhìn thẳng qua bên kia sông là đền thờ Nguyễn Tri Phương, một danh tướng Việt Nam. Nối giữa một di tích người Hoa (chùa Ông) và một di tích người Việt (Nguyễn Tri Phương) là chiếc cầu Rạch Cát, một công trình xây dựng của người Pháp. Việt – Hoa – Pháp cùng hiển hiện trước mặt bạn bên một dòng sông. Lịch sử đã tạo nên một điều kỳ thú, phải không bạn?

Thôi, hãy tạm gác lại chuyện lịch sử xa xôi, bạn hãy ngắm nhìn dòng sông đi nhé.

Bạn có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê, ngắm lục bình trôi miên man trên sông mà ngân nga:


Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, 
thương những đời như lục bình trôi.


Đôi khi có những cánh cò chập chờn trên sóng nước. Và những con thuyền dập dềnh, dập dềnh trôi khiến bạn nhớ tới câu hát:

Mênh mông lả ơi
Thuyền về tới bến mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi

Mênh mông lả ơi
Thuyền về bát ngát hương trời
Khoan khoan hò ơi
Nhịp sầu xa vắng mà thôi

Có lẽ một chiều xa xưa nào đó, nhà thơ Biên Hòa Nguyễn Tất Nhiên cũng đã ngồi bên bờ sông Đồng Nai như bạn, và đã sáng tác nên Khúc tình buồn bất hủ:

Người từ trăm năm
Về ngang sông rộng 
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng

Bạn ơi, ngồi bên bờ sông Đồng Nai bạn sẽ nghe như có cái hồn của Biên Hòa phảng phất đâu đây, từ ngàn xưa đến tận bây giờ.

Dòng sông vẫn trôi đi và bạn đang ngồi ngắm, hay dòng sông đứng yên còn bạn đang trôi đi?

tôi lặng nghe dòng đời
từ từ trôi
sông nước xa xôi
mây núi khắp nơi
không tỏ một đôi lời…

Phạm Hoài Nhân

(Bài đăng trên đặc san Biên Hòa hội nhập và phát triển phát hành nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II (1993 - 2013) và thành phố Biên Hòa đăng cai Hội nghị thường niên các Hiệp hội đô thị Việt Nam 2013)


4 nhận xét:

  1. phải yêu lắm mảnh đất nơi anh đang sống nên mới có một bài thật hay như thế này đó anh Nhân ơi :)

    Trả lờiXóa
  2. Ca^`u Ga`nh la` ca^`u ddi qua Ta^n Va.n hay la` ca'i ca^`u ddi qua Cu` Lao va^.y chu' ? La^u qua' con que^n.

    Trả lờiXóa
  3. Cầu Gành là cầu từ cù lao Phố qua Bửu Hòa, Tân Vạn. Cầu từ Biên Hòa qua cù lao là cầu Rạch Cát, Thế nhưng nhiều người dân BH vẫn gọi chung tên 2 cây cầu là Cầu Gành.
    Bạn xem thêm bài này nhé: http://phnhan.vncgarden.com/2013/11/cau-ganh-chu-khong-phai-cau-ghenh.html

    Trả lờiXóa