Bài hát mở đầu nhẹ nhàng như lời tâm sự:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây
Từ bên em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn
Thú thiệt là hồi đó chưa hiểu và cảm được hết lời bài hát, nhưng cần gì, nghe êm ái thiết tha là được rồi! (Vẫn đỡ hơn hát Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước, nghe kinh dị quá!).
Một cách tự nhiên, tôi hiểu Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn là sườn Đông và sườn Tây của dãy Trường Sơn. Thế nhưng đến đoạn cuối Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn thì lại hơi ngờ ngợ: nếu là 2 bên sườn núi thì sao lại nối nhau được?
Hay Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn là 2 dãy núi, dãy núi phía Tây và dãy núi phía Đông? Không chắc! Có thể chỉ là cách nói trừu tượng thôi, giống như tình yêu nối lời vô tận vậy mà!
Dù là gì đi nữa không biết, giai điệu êm ái, lời ca trữ tình thì cứ hát. Thắc mắc chi cho mệt!
Hai mươi lăm năm sau, năm 2000, tôi có dịp đến khu vực biên giới Việt - Lào ở Kontum và chụp tấm ảnh này:
Hóa ra còn một khái niệm Đông - Tây Trường Sơn khác nữa, đó là đường Trường Sơn Đông - đường Trường Sơn Tây. Đường Trường Sơn (tức đường Hồ Chí Minh ngày nay) có 2 nhánh Đông và Tây, giao nhau ở Kontum tại vị trí gần nơi tôi đứng trong hình (tấm biển bên trái chụp bị thiếu một phần, ghi rõ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn).
Có lẽ khái niệm đường Trường Sơn Đông - đường Trường Sơn Tây chính là ý trong bài thơ của Phạm Tiến Duật, vì nội dung bài là tâm sự anh chiến sĩ lái xe.
Phát hiện nho nhỏ thì cà kê cho vui vậy thôi, chứ thật ra có là đường Trường Sơn, dãy Trường Sơn hay sườn núi Trường Sơn thì cũng đâu có gì là quan trọng - ta vẩn cảm nhận và yêu thích bài hát mà, và hãy cứ hiểu một cách trừu tượng như tình yêu nối lời vô tận...
Âm nhạc gắn liền với ký ức, với kỷ niệm. Trong miền ký ức của tôi có rất nhiều những bài hát nhạc vàng xa xưa, nhưng cũng có một bài nhạc đỏ, đó là bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Không biết bạn có giống tôi không?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét