26 thg 5, 2014

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Câu ca dao này rất quen thuộc, và 2 địa danh Gia Định, Đồng Nai cũng rất quen thuộc với mọi người. Gia Định và Đồng Nai ở sát bên nhau như 2 người anh em.

Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ ta sẽ phát hiện một điều hết sức bất ngờ: Gia Định và Đồng Nai với tư cách là những tỉnh - thành chưa bao giờ tồn tại cùng một lúc! Có Gia Định thì không có Đồng Nai, có Đồng Nai thì không có Gia Định!

Thời nhà Nguyễn độc lập, miền Nam Việt Nam có 6 tỉnh và thường được gọi là Nam kỳ lục tỉnh. 6 tỉnh đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.


Nam kỳ lục tỉnh, thời kỳ ổn định 1841-1862. Ảnh: Wikipedia

Chú ý rằng thời kỳ này có tỉnh Gia Định, nhưng không có tỉnh Đồng Nai mà chỉ có tỉnh Biên Hòa thôi.

Thời kỳ người Pháp xâm chiếm nước ta, họ chia lại 6 tỉnh Nam kỳ thành 21 tỉnh. Tỉnh Gia Định được chia thành 5 tỉnh: Gia Định, Chơ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công. (vẫn tồn tại địa danh Gia Định). Tỉnh Biên Hòa được chia thành 4 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Cap Saint Jacques (vẫn không hề có địa danh Đồng Nai).

Từ đó cho đến 1954, có một vài điều chỉnh nho nhỏ, nhưng vẫn luôn luôn tồn tại tỉnh Gia Định và không hề có tỉnh Đồng Nai.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Nam phần (Nam bộ) được chia thành 22 tỉnh và đô thành Sài Gòn theo sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956 như sau:
  • Đô thành Sài Gòn

  1. Phước Long
  2. Bình Long
  3. Biên Hòa
  4. Long Khánh
  5. Bình Dương
  6. Bình Tuy
  7. Phước Tuy
  8. Gia Định
  9. Long An
  10. Tây Ninh
  11. Định Tường
  12. Kiến Tường
  13. Kiến Phong
  14. Kiến Hòa
  15. Trà Vinh
  16. Vĩnh Long
  17. An Giang
  18. Phong Dinh
  19. Kiên Giang
  20. Ba Xuyên
  21. An Xuyên
  22. Côn Sơn
Như vậy vẫn còn tỉnh Gia Định và vẫn không hề có tỉnh Đồng Nai!

Các thay đổi từ 1957 đến 1975 như sau:
  • Năm 1957, Trà Vinh đổi tên thành Vĩnh Bình. 
  • Phước Thành, thành lập năm 1959, bãi bỏ năm 1965 
  • Chương Thiện, thành lập năm 1961 
  • Gò Công - 1963 
  • Hậu Nghĩa - 1963 
  • Châu Đốc - 1964 
  • Bạc Liêu - 1964 
  • Sa Đéc - 1966 
  • Năm 1965, bỏ tỉnh Côn Sơn
Từ 1966 đến 1975, Nam bộ có 27 tỉnh và 1 biệt khu Thủ đô (tức Đô thành Sài Gòn). Vẫn có tỉnh Gia Định và vẫn không hề có tỉnh Đồng Nai!

Bản đồ hành chính Nam Việt Nam năm 1967


Sau 1975, như chúng ta đã biết, Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh với các quận, huyện, phường... Địa danh Gia Định hoàn toàn biến mất, và không được đặt cho bất kỳ đơn vị hành chính nào tại TPHCM!

Cùng lúc đó, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở tỉnh Biên Hòa và Long Khánh cùng một phần tỉnh Phước Tuy. Từ 1975 đến nay về mặt địa giới hành chính có thay đổi nhưng tên gọi tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại mãi đến tận bây giờ.

Như vậy, hễ có Đồng Nai thì sẽ không có Gia Định!

Câu ca dao Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về nghe rất thân thương, nghe rằng Gia Định và Đồng Nai rất gần gũi. Mà gần gũi thật vì Đồng Nai và TPHCM ở cạnh bên nhau mà.

Thế nhưng từ gần 200 năm nay kể từ thời nhà Nguyễn đặt tên cho Nam kỳ lục tỉnh chưa bao giờ tồn tại 2 cái tên Gia Định và Đồng Nai cùng một lúc. Có Gia Định thì không có Đồng Nai, và ngược lại.

Gia Định và Đồng Nai như 2 kẻ không đội trời chung vậy!

Phạm Hoài Nhân

7 nhận xét:

  1. vậy câu ca dao này chắc sẽ có tuổi thọ ngắn thôi, địa danh Đồng Nai mới xuất hiện sau 1975 phải ko a?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không đâu Bố Susu à. Địa danh Đồng Nai như là một tỉnh đúng là chỉ mới có sau 1975, nhưng trước giờ vẫn có sông Đồng Nai mà. Từ xưa người ta vẫn dùng chữ Đồng Nai để chỉ vùng đất ở lưu vực sông Đồng Nai. :-)

      Xóa
  2. hix, e lại quên hết các bài đã học rồi :)

    Trả lờiXóa
  3. Một phát hiện thú vị. hay thật

    Trả lờiXóa
  4. "Nhà bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.." ở trong một bài hát thuộc thể lọai dân ca mà tôi rất thích. Suốt thời trẻ nhỏ ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai cũng không biết xuất xứ về nó. Những bài viết của bạn khá hay, ý nghĩa, hài hước, mang khá nhiều thông tin thú vị..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Thu Ba.
      Có lẽ bài hát bạn nhắc là bài Tiếng hò miền Nam của Phạm Duy sáng tác năm 1956 (bài này tôi cũng rất thích). Bài này giờ không được phép lưu hành, vì nội dung là ca ngợi những người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Rõ nhất là đoạn này:

      Nghe chăng tiếng hò dân ta
      Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
      Nghe đây tiếng người nông phu
      Biết tìm tự do tránh xa ngục tù...

      Xóa
  5. Tôi xem bài này trên trang Đồng Nai đát nước con người, dòng cuối bài, Anh chốt: "Gia Định và Đồng Nai như 2 kẻ không đội trời chung vậy!", cảm giác nổi da gà, cảm giác rất đã, giống như quá nhiều chìa khóa lộn xộn được xâu lại 1 móc và cứ thế từ từ mở ra đúng chỗ, đúng lúc, đúng người. Cám ơn Anh.

    Trả lờiXóa