19 thg 5, 2014

Ông tên Kha Vạn Cân hay Kha Vạng Cân?

Ở Thủ Đức có một con đường lớn mang tên Kha Vạn Cân.

Kỹ sư Kha Vạn Cân (16/10/1908 - 18/1/1982) là một trí thức yêu nước nổi tiếng của Nam bộ. Ông đã từng là Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn của chính phủ Trần Trọng Kim từ 1945. Sau Cách mạng tháng 8, khi chính quyền Trần Trọng Kim sụp đổ, ông được Ủy ban Nhân dân Nam bộ cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn-Chợ Lớn, chủ tịch thành phố đầu tiên của chính quyền cách mạng. Ông là Bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một nhân vật quan trọng như vậy mà khi đặt tên đường lại bị ghi sai tên! Sai như thế nào?


Hầu như tất cả các thông tin chính thức đều ghi tên ông là Kha Vạng Cân chứ không phải là Kha Vạn Cân. Dưới đây là 2 thông tin chính:

Giấy chứng nhận của Thủ tướng chính phủ ghi tên ông là Kha Vạng Cân, bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ

Mộ bia ông Kha Vạng Cân

Đây là những bằng chứng hiển nhiên cho thấy ông tên là Kha Vạng Cân. Thế mà tên đường vẫn ghi là Kha Vạn Cân suốt mấy chục năm nay. Chính vì vậy mà báo chí và nhiều người dân đã lên tiếng đề nghị sửa lại cho đúng.

Nhưng... có thật ghi Kha Vạn Cân là sai không?

Họ Kha của Kha Vạn Cân là họ người Hoa. Theo ghi chép của chính Kha Vạn Cân thì tổ tiên ông từ Trung quốc qua Gia Định sinh sống nhiều đời.  Theo bản Tộc phổ thế đại tự liệt lưu truyền trong gia tộc thì họ Kha Gia Định lấy 16 chữ “Chiêu tư lai hử, Thằng kỳ tổ vũ. Ư vạn tư niên, Thụ thiên chi hỗ” (Sáng tới đời sau, Noi theo vết tổ. Trong muôn năm nay, Được trời phù hộ) nối đời làm chữ lót tên. Cha ông tên Kha Ư Phúc, ông tên Kha Vạn Cân, con trai ông tên Kha Tư Nghĩa,... (thông tin trích từ website Học sinh miền Nam).

Tên Kha Vạn Cân là tên tiếng Hoa, và trong đó rõ ràng là chữ Vạn hợp lý hơn chữ Vạng nhiều! Mười sáu chữ trong quy tắc đặt chữ lót ấy vốn là một đoạn trong Kinh thi, lại càng làm tăng thêm tính hợp lý.

Vậy ghi Kha Vạng Cân là sai? Vậy sao toàn bộ giấy tờ và cả bia mộ của ông đều ghi là Kha Vạng Cân?

Tôi tạm đưa ra cách giải thích của mình như sau:

Hầu hết các vị đi làm cách mạng của nước ta đều lấy tên khác với tên khai sinh và sau đó sử dụng tên ấy làm tên chính thức luôn. Những trường hợp này nhiều lắm, xin miễn lấy thí dụ. Vì thế tên đúng là Kha Vạn Cân, khi đi làm cách mạng được thêm một chữ g thành Kha Vạng Cân cũng là chuyện bình thường.

Như vậy cả Kha Vạn CânKha Vạng Cân đều đúng. Một là tên khai sinh và một là tên trên giấy tờ nhà nước. Mà tên Kha Vạn Cân thì đẹp hơn, có nghĩa hơn và... gin hơn. Vậy thì cứ để tên đường là Kha Vạn Cân ha các bạn?

Phạm Hoài Nhân
_______

Ghi chú: Thông tin Tộc phổ thế đại tự liệt lưu truyền trong gia tộc họ Kha tui trích từ website hocsinhmiennam.com và có dẫn link như trên. Tuy nhiên hiện nay website này không còn tồn tại nữa. Bạn nào tìm thấy nguồn đáng tin cậy xin dẫn lại thông tin. Xin cảm ơn. (PHN - 24/09/2020)

6 nhận xét:

  1. Theo tôi thì Kha Vạn Cân thì đúng nghĩa, nhưng cha mẹ ngày xưa đặt tên hay sai chính tả và nghĩa. Nhưng đã là tên thì cho dù có sai cũng phải giữ. Vì vậy tên Kha Vạng Cân mới đúng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. anh nói đúng, đã là tên thì sai cũng phải giữ, một người Hoa tên 黄明秋 (Hoàng Minh Thu) nhưng tên chữ quốc ngữ là Voòng Minh Thu thì đó không hẳn là sai

      Xóa
    2. Thì cha mẹ vẫn đặt là Vạn mà ông sau mới thêm g vô sau!

      Xóa
  2. Cảm ơn tác giả nhiều! Xin tác giả cho biết cuốn Tộc phổ thế tự đại liệt nay phái nào của tộc Kha đang giữ để có thể liên hệ tìm hiểu.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn thông tin bạn đã chia sẻ! Riên về phần nhận định của bạn thì không thuyết phục. Bỏ qua việc tên nào đúng tên nào không đúng, nhưng việc cho thêm chữ "g" vì... đi làm cách mạng gì gì đó thì lại chủ quan; với một người nổi tiếng như ông Lưu Hữu Phước khi đổi tên, ông đổi cả gốc gác thành Huỳnh Minh Siêng chứ không chỉ đổi hay thêm một ký tự đâu... có lẽ đơn giản chỉ là nhân viên hộ tịch viết sai thôi...

    Trả lờiXóa
  4. Ông ngoại tôi là Kha Vạng Lượng, anh của ông Kha Vạng Cân, Vạng nhà, xin đừng đồn đoán lung tung

    Trả lờiXóa