14 thg 7, 2014

Thầy chùa tụng kinh

Tui không phải người công giáo, cũng không phải Phật tử. Tuy nhiên, vốn gần gũi với đạo Phật hơn vì xưa giờ bà ngoại, má đều đi chùa, và những người thân của tui cũng thường xuyên đi chùa.

Như nhiều gia đình người Việt, thường ngày không đi chùa, nhưng đám tang, ngày giỗ trọng đều có mời thầy tới cúng và đọc kinh.

Kinh Phật




Theo tui hiểu, kinh Phật là những lời Phật (Phật Thích Ca và những vị khác) dạy, được ghi lại. Khi nhà sư tụng kinh niệm Phật cũng là lúc ông nhắc lại những lời dạy ấy, cho cả người sống lẫn người chết cùng nghe để thấm nhuần tư tưởng nhà Phật.

Kinh Phật gốc dĩ nhiên không phải bằng tiếng Việt, nhưng đa số đều đã được các bậc tu hành ở nước ta dịch ra tiếng Việt để khi đọc lên mọi người đều nghe và hiểu được.

Cá biệt có những câu chú vẫn còn đọc nguyên gốc tiếng Phạn, nghe rất lạ tai, không hiểu là gì, như: Nam-mô a rị da, bà lô kiết đế, thước bát ra da, Bồ-đề tát đỏa bà da,... (Chú Đại bi). Không biết một số ông thầy khi đọc thuộc lòng những câu ấy có hiểu nghĩa không, nhưng chắc chắn đó là những câu tiếng Phạn có nghĩa, được phiên âm ra cho dễ đọc.

Thần chú

Có những câu chú được người ta gọi là thần chú, khi niệm lên sẽ xua đuổi tà ma hoặc là làm cho lòng được bình an, thanh tịnh. Thí dụ như câu Úm ma ni bát ni hồng (Om Mani Padme Hum). Nghe qua như không có nghĩa gì cả, nhưng thật ra câu tiếng Phạn này được giải thích bằng nhiều nghĩa khác nhau, trong đó nghĩa thông dụng nhất được dùng là Ngọc quý trong hoa sen.

Công dụng của câu thần chú được bàn đến nhiều, ở đây tui không dám lạm bàn. Thậm chí, đối với câu Um mani padme hum người ta còn giải thích công dụng của nó ở chỗ chính những âm nó phát ra: hít vào lúc đọc âm Um, thở bình thường lúc đọc mani padme và ngậm miệng thở ra lúc đọc âm hum - như một dạng luyện khí công.

Dù trường hợp nào đi nữa, một điều chắc chắn là: kinh hay chú đều là những áng văn có nghĩa, đọc để hiểu, để ngấm vào lòng chớ không phải một thứ password rối rắm đọc lên để chẳng ai nghe được!



Thầy chùa tụng kinh

Má tui mất, rồi ba tui mất. Nhà không còn người lớn đứng ra mời thầy cúng trong đám tang, đám giỗ. Tui vốn không đi chùa, không rành phép tắc ở chùa, nên mấy đứa em lo liệu việc mời thầy tới tụng kinh.

Tất nhiên là trong những dịp này mình phải tỏ ra nghiêm cẩn, quỳ trước bàn thờ và lạy mỗi khi nghe thầy đọc lễ nhị bái, lễ tam bái hoặc gõ chuông đánh keng một tiếng, và châm trà, xới cơm cho ba má. Còn trong lúc thầy đọc kinh thì phát cho mỗi người quỳ ở dưới một quyển kinh để lẩm nhẩm đọc theo.

Bỏ qua chi tiết lúc thầy khấn vái đọc ba rọi giữa tiếng Hán và tiếng Việt (Ông ... ngụ Bửu Long phường, Đồng Nai tỉnh, tử ngày ... hưởng thọ bảy mươi bảy tuế) nghe rất khó chịu, lúc thầy tụng kinh mới đúng là kinh... hãi!

Như đã nói, kinh là chữ nghĩa rõ ràng, đọc để người ta nghe và hiểu, nhưng ông thầy này làm như sợ người ta nghe ổng đọc được cái gì hay sao ấy nên vừa đọc nuốt chữ, vừa bỏ dấu loạn xạ. Thí dụ như ổng đọc câu này: Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát thành ra như vầy: Nám mồ đái từ đái bí quàn thề ấm bố tạt. Cứ như vậy đọc hết cả quyển kinh không có âm nào bỏ dấu đúng cả!

Tánh tui ưa giỡn, nhưng ai mà dám giỡn trong đám giỗ ba mình. Thành ra khi nghe thầy chùa đọc kinh mà lại có bí đái ở trỏng thì tui cũng chả biết làm sao nữa! Tụi tui cầm quyển kinh trong tay mà khó khăn lắm mới dò nổi ông thầy ổng đọc tới đâu, còn vong linh ba tui chắc đố mà nghe nổi ổng đọc cái gì! Bó tay chấm com luôn!

Tui không dám bôi bác kẻ tu hành, nhưng thú thiệt là trường hợp này làm tui bức xúc lắm nên xin kể lại cho các bạn nghe. Các bạn có bức xúc dùm tui hông?


Phạm Hoài Nhân

5 nhận xét:

  1. Đọc bài của anh nhớ chị bạn. Chỉ kể đám ma ba của chị, buồn khóc quá trời, nhưng mỗi lần ông thầy chùa hô nhị bái, tam bái, tứ bái...cái chữ bái ổng lên giọng rồi xuống...làm cái ruột nó nôn nao, mấy anh em ráng nhịn cười...
    Thôi kệ anh, tụng cho ấm đám, chuyện khác để ý làm gì. Tụng kinh cũng là một nghề mà.

    Trả lờiXóa