9 thg 12, 2014

Tản mạn dấu xưa

Do một cơ duyên mà trong tay tôi có hàng trăm số báo Đông Tây tiểu thuyết báo khá liên tục, xuất bản trong khoảng 1937 - 1939, được đóng tập lại. Như tên gọi, đây là một dạng tuần báo kết hợp với tiểu thuyết, ra mỗi tuần 2 kỳ, mỗi kỳ 16 trang khổ 15 x 22. Phần được gọi là tiểu thuyết thật ra là lịch sử hiện đại viết dưới dạng truyện kể, như Trung - Nhật chiến tranh, Nhật - Nga chiến kỷ... Còn phần báo thì giống như trang thời sự quốc tế bây giờ, nhưng chủ yếu là tình hình chiến sự ở vùng Đông Á. Một điều lạ là báo đánh số trang liên tục như sách, thí dụ tờ số 1 có 16 trang đánh số từ 1 đến 16 thì tờ số 2 trang đầu tiên sẽ là 17, và cứ thế tiếp tục. Chủ báo là ông Nguyễn Xuân Thái.

Trang bìa 1

Tôi ngồi nghĩ ngợi và tưởng tượng hành trình mà những tờ báo này đã đi để đến tay tôi.

Đông Tây tiểu thuyết báo là một tờ báo xuất bản ở Hà Nội từ năm 1937. Năm đó ba tôi mới... 1 tuổi. Như vậy người đầu tiên mua tờ báo phải ít nhất trạc tuổi ông nội tôi. Một người thanh niên quan tâm đến thời sự, đến lịch sử (và lo cho vận nước chăng, vì thời đó vẫn đang thuộc Pháp?). Người thanh niên này rất coi trọng và giữ gìn tờ báo, bằng chứng là các số báo rất liên tục, kéo dài nhiều năm và được lưu trữ lại cẩn thận (chứ không phải đọc xong rồi bỏ đi!).

Thời đó giao thông chưa thuận tiện, miền Nam có báo ở Sài Gòn, miền Bắc có báo ở Hà Nội. Gần như chắc chắn dân miền nào thì mua báo miền ấy để đọc. Như vậy, người thanh niên ấy sống ở Hà Nội hoặc một tỉnh nào đó ở miền Bắc.

Những tờ Đông Tây tiểu thuyết báo mà tôi có trong tay đã có mặt ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Nó đã từ Bắc vào Nam từ khi nào?

Chỉ có thể là ở thời điểm di cư 1954 hoặc trước đó. Có thể là người thanh niên kể trên rất quý những tờ báo của mình nên vào năm 1954 khi di cư vào Nam ông đã mang nó theo hành trang của mình vào miền đất mới (xin lưu ý là tại thời điểm này người thanh niên đã thành trung niên, và những tờ báo đó đã được giữ gìn hơn 15 năm!). Cũng có thể người thanh niên ấy đã vào Nam sinh sống từ trước và đã mang theo những tờ báo mà anh rất quý. Dù sao đi nữa, thì một điều chắc chắn là những tờ báo ấy có mặt tại Sài Gòn trễ nhất là 1954, còn sau đó trong thời kỳ chiến tranh chia cắt đất nước thì không ai mang cả tập báo xưa từ Bắc vào Nam cả.

Đoạn sau của cuộc hành trình thì tôi có thể mô tả chính xác hơn:

Thập niên 70 của thế kỷ trước, cậu tôi là một giáo viên sống ở Sài Gòn ham mê sưu tập sách cũ (thần tượng của cậu chính là cụ Vương Hồng Sển). Cậu đã mua được những số báo này từ những người bán sách cũ. Có lẽ người thanh niên năm xưa đã già yếu, qua đời, con cháu thấy những xấp báo này không có giá trị gì nên đem đi bán. Cũng có thể ông còn sống, nhưng gia cảnh khó khăn mà mình đã già không làm gì ra tiền nên bán dần đi những món cổ xưa để có tiền độ nhật.

30 tháng Tư 1975, những người miền Bắc tràn vào miền Nam. Những người trí thức như cậu tôi sợ hãi và đem đốt bỏ những thứ mà chính quyền cách mạng gọi là văn hóa phẩm đồi trụy. Hồi đó tôi 16 tuổi, đã từng ở nhà cậu nhiều ngày, đã biết và thích tủ sách khổng lồ của cậu nên xin Đừng đốt (không phải đừng đốt nhật ký Đặng Thùy Trâm à nha!). Tôi đã mang những số báo ấy từ Sài Gòn về Long Khánh với 2 suy nghĩ: mình là trẻ con chớ không phải thầy giáo như cậu Hai nên chắc họ sẽ không để ý chuyện tàng trữ văn hóa phản động, và ở Long Khánh là nơi xa xôi hẻo lánh chắc ít người dòm ngó như ở Sài Gòn.

Thế là những tờ báo ấy theo tôi từ 1975 đến giờ, đã gần 40 năm. Từ ngoài Bắc vô Sài Gòn, từ Sài Gòn về Long Khánh, rồi từ Long Khánh tới Biên Hòa.

Tôi chưa đếm mình có bao nhiêu tờ báo, nhưng thời gian khoảng từ cuối năm 1937 đến giữa năm 1939, mỗi tuần 2 số, có thiếu vài số thì chắc cũng khoảng 150 tờ.



Bạn cùng tôi nhìn qua manchette tờ báo một chút nhé.

Tòa soạn báo ở đường Francis Garnier (tên viên sĩ quan Pháp bị giết và chặt đầu ở Ô Cầu Giấy), giờ là đường gì bạn biết không? Đường Đinh Tiên Hoàng bên bờ Hồ Hoàn Kiếm đó bạn.

Số điện thoại của tòa sọan là 882. Bạn thấy sao? Chỉ có 3 con số thôi, nghĩa là lúc ấy cả Hà Nội có chưa tới 1.000 số điện thoại.

Giá báo là 3 xu một tờ. Một năm 3 đồng (chữ p là piastre, tức là đồng). Lại thêm câu: Mua báo xin trả tiền trước. Vui nhỉ?

Còn bên trái bạn thấy quảng cáo cho một tờ báo bạn không? Báo Cười! Vậy là từ 1937 ở Việt Nam đã có báo cười rồi đó!

Đông Tây tiểu thuyết báo là một trong những tờ báo ở thời kỳ đầu của báo chí Việt nam. Đây không phải là tờ báo nổi tiếng và giá trị tư liệu của nó ắt cũng không cao. Thế nhưng tính từ ngày nó ra đời (1937) đến nay đã 77 năm, trong đó hơn phân nửa thời gian (39 năm, tù 1975 đến nay) là sống chung với tôi. Vì vậy, với tôi nó là kỷ vật, mà kỷ vật thì vô giá.

Tôi chụp lại trong bài viết này trọn một kỳ báo (16 trang) để các bạn xem chơi cho biết nhé (click vào ảnh để xem rõ hơn).

















Phạm Hoài Nhân

5 nhận xét:

  1. Tài liệu quý quá đi Phạm Hoài Nhân ơi ...

    Trả lờiXóa
  2. Khi nào tiếp nữa dzậy bác Hai ?

    Trả lờiXóa
  3. Chào bạn, mình rất muốn được đọc tất cả các số báo nhưng không biết làm sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có thể scan lại rồi gởi cho bạn, nhưng viêc này khá mất thời giờ và lúc này chưa tiện làm. Bạn cho thông tin để tôi sẽ liên lạc sau nhé.

      Xóa
    2. Bạn scan phần tiểu sử thượng tướng Lý Liệt Quân và gửi cho mình nhé: lqh@freemail.hu

      Xóa