8 thg 12, 2014

Lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp

Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi bị cách chức quan, ông vào Nam năm 1911, sống ở nhiều nơi. Gần cuối đời, ông định cư tại làng Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho đến khi qua đời ngày 26/11/1929 (27 tháng 10 Kỷ Tỵ). 

Sau hiệp định Geneve, đất nước bị chia cắt, mộ Nguyễn Sinh Sắc ở trong Nam, còn con trai ông lại là lãnh tụ ở miền Bắc. Mặc dù vậy, vào năm 1956, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho Bộ Kiến thiết tiến hành sửa sang, trùng tu ngôi mộ ông Nguyễn Sinh Sắc được đàng hoàng, tươm tất.

Sau 1975, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức xây dựng lại phần mộ của ông để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. Công trình được khánh thành ngày 31/12/1977. Tháng 12 năm 2010, công trình được nâng cấp lên thành Khu di tích với tổng diện tích 9 ha.



Tượng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khu di tích

Khu di tích hiện nay gồm có các hạng mục:
  • Vòm mộ, nơi an nghỉ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là công trình mang hình một cánh hoa sen cách điệu, trên có 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp người chí sĩ. Phía trước vòm mộ là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ là một đài sen trắng cách điệu.
  • Nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà làm việc, hoa viên, cây xanh, thảm cỏ, phục dựng lại một góc của làng Hòa An xưa
  • Một góc hình ảnh làng Nam Bộ được phục dựng thể hiện nếp ăn ở, cách thức sống và thờ cúng ông bà tổ tiên xưa và trưng bày các làng nghề truyền thống của địa phương.
  • Nhà sàn Bác Hồ, được xây dựng giống như ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội với tỉ lệ 1:1
Lăng mộ cụ phó bảng

Phục dựng cảnh sinh hoạt làng quê Nam bộ



Đẹp nhất ở nơi đây là khung cảnh miền quê Nam bộ nên thơ, yên ả.

Khu di tích ở ngay trung tâm TP Cao Lãnh nên khá thuận tiện thăm viếng. Cảnh quan đẹp và những mô hình phục dựng gợi nhớ miền quê Nam bộ những năm đầu thế kỷ trước.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét